Các điểm thu mua cao su nhỏ lẻ: Không quản lý, nông dân sẽ chịu thiệt!

Cập nhật: 19-10-2010 | 00:00:00

Cùng với sự “thăng hoa” của cây cao su (CS), thời gian qua các điểm thu mua nhỏ lẻ đã mọc lên rất nhiều tại các địa bàn trồng CS. Điều đáng nói là các điểm thu mua nhỏ lẻ hoạt động rất vô tư mà không chịu bất kỳ sự quản lý nào và họ đang “rút tiền” của nông dân mà họ không hề biết.

Nông dân mất tiền mà không biết

Hiện nay, trên địa bàn Bình Dương có đến hàng trăm điểm thu mua CS nhỏ lẻ. Không thể phủ nhận sự tiện lợi của người trồng CS khi bán mủ cho các điểm thu mua này. Tuy nhiên, trong việc mua bán này người nông dân luôn chịu thiệt vì họ không thể kiểm tra quy trình cân đo, đong, đếm của các điểm thu mua. Với giá mủ CS đang ở mức cao như hiện nay và với diện tích CS tiểu điền của tỉnh gần 70.000 ha thì đây quả là một thị trường béo bở cho các hoạt động thu mua mủ CS. Số tiền lưu thông hàng ngày tại thị trường này có thể lên tới hàng tỷ đồng.

  Các điểm thu mua nhỏ lẻ mọc lên ngày càng nhiều Với các điểm thu mua lớn thì có vẻ tương đối dễ dàng trong việc quản lý còn các điểm thu mua nhỏ lẻ tại các ấp vùng sâu, vùng xa với lượng mua khoảng vài trăm kg thì quản lý nan giải hơn rất nhiều. Hiện hoạt động này còn xuất hiện thêm hình thức các điểm thu mua nhỏ lẻ cho người đến thu mua trực tiếp tại các vườn. Tại Phước Sang, một xã vùng sâu của huyện Phú Giáo thời gian gần đây có đến cả chục điểm thu mua mủ CS. Các điểm thu mua này hiện hoạt động rất tấp nập và họ đang cố gắng lôi kéo, tranh giành mối để đạt được hiệu quả kinh doanh cao nhất. Hiện có 2 phương thức cân, đo mà các điểm thu mua này sử dụng, người dân thường gọi là cân “gam” và “ống nghiệm”. Điểm khác nhau lớn nhất là một bên thực hiện cân từ đầu đến cuối và họ dùng cân trong thử vàng; còn một bên dùng ống nghiệm lường (thể tích) và cân. Cả hai phương pháp này sau đó đều dùng chảo và bếp gas mini để nướng mủ. Người nông dân khi mang mủ đến bán tại các điểm thu mua nhỏ lẻ này dùng vật dụng là các ống nhựa lấy mủ để cân hoặc cho vào ống nghiệm với thể tích xác định là 10g. Sau đó mủ CS được đem bỏ vào chảo và nướng trên bếp gas. Khi lượng CS này được nướng khô lại thành màu vàng như bánh tráng người ta bóc lấy và vón lại thành cục để tiến hành cân. Miếng CS khô này nếu dùng phương pháp cân gam thì đem cân điện tử cân lần nữa để biết bao nhiêu độ, còn bằng phương pháp ống nghiệm thì họ thực hiện các phương pháp tính toán khác để xác định độ mủ. Các phương pháp tính toán của các điểm thu mua này là khoa học, tuy nhiên họ chưa được đào tạo chính quy mà chủ yếu là do học hỏi qua kinh nghiệm của nhau nên cũng có sự sai lệch giữa các điểm thu mua. Theo nhiều nông dân, có lẽ phương pháp cân gam là chính xác hơn, còn phương pháp kia họ không tin tưởng mấy.

Các phương pháp tính toán, cân đo này rất ít người bán mủ biết và nhiều nông dân cũng không thể hiểu được các cách tính của các điểm thu mua. Nhiều người chỉ biết chở mủ đến đợi một lúc rồi lấy tiền về là xong. Bên cạnh đó, người trồng CS khi đem bán mủ cũng không thể biết được giá mua mà các điểm này đưa ra có phải là giá chuẩn hay không mà chỉ thấy rằng các điểm thu mua này thường tạo ra sự chênh lệch về giá để tranh giành mối. Ông Q., ngụ tại xã  Phước Sang, huyện Phú Giáo cho biết: “Chúng tôi chỉ bán cho các điểm thu mua quen chứ cũng ít khi đem bán cho các điểm mới hình thành trừ khi các điểm mới này cho giá cao hơn. Còn các tính toán của các điểm thu mua đúng hay không thì không thể biết được, nếu không bán cho họ thì cũng không thể chở trực tiếp đến các nhà máy chế biến mủ để bán”. Trong các phương pháp cân đo trên rất dễ để chủ các điểm thu mua mủ nhỏ lẻ sử dụng các thủ thuật để qua mặt người bán mủ CS. Chỉ cần miếng CS được nướng khô hơn một chút hoặc đong vơi đi lượng mủ một chút thì người bán mủ cũng đã chịu thiệt thòi rất nhiều.

Vô tư mua bán!

Chính sự quản lý lỏng lẻo và giá mủ CS lên cao trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm thu mua CS tiểu điền mọc lên như nấm. Nhiều người đã trở nên khá giả nhờ phương thức kinh doanh này. Anh B. chủ đại lý thu mua mủ nhỏ lẻ tại xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo cho biết: “Phương pháp kiếm lời của chúng tôi chủ yếu là từ sự chênh lệch giá khi đem bán cho các đại lý thu mua lớn hơn. Tôi cũng đã làm lâu nay nhưng chưa thấy cơ quan quản lý thị trường nào hỏi han đến. Chỉ cần tôi không dựng bảng hiệu thì chẳng ai có thể quản lý chúng tôi”. Cũng theo anh B., cơ sở thu mua mủ khô thường là có kho chứa, nếu quản lý thị trường có hỏi đến thì nói là CS nhà hoặc CS anh em gửi thì sẽ qua chuyện. Các điểm thu mua mủ nước thì lâu lâu cũng thấy quản lý môi trường vào kiểm tra nhưng cũng không thấy có sự biến chuyển nào. Theo chiều hướng giá mủ tăng như hiện nay thì tốc độ phát triển của các điểm thu mua mủ cũng đang tăng lên. Nhiều người không biết gì về CS nhưng do thấy kiếm lời quá dễ dàng cũng lập nên các điểm thu mua mủ CS. Trong mê hồn trận các điểm thu mua nhỏ lẻ, người trồng CS vẫn là người chịu thiệt thòi nhất về mọi mặt. Trong khi đó các chủ điểm thu mua nhỏ lẻ vẫn ung dung làm giàu mà không chịu bất kỳ một sự quản lý nào cũng như không chịu đóng thuế cho Nhà nước.

Ông Nguyễn Thành Hiển- Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng Bình Dương:

Đúng là trên thị trường mua bán mủ CS tiểu điền người ta đang dùng 2 phương pháp đo độ mủ bằng cân “gam” và “ống đong” (lường), trong đó mua bằng cân gam xác định độ mủ tối ưu và loại bỏ những sai số nhiều nhất. Đây là phương pháp đang được các công ty CS và nhà máy chế biến mủ áp dụng. Tuy nhiên, trong dân thì người ta lại không thích dùng phương pháp này, bởi nếu dùng cân gam thì có 2 số lẻ, cân hai lần (lần đầu cân 10g mủ, lần sau cân tính qui khô - TSC) nên người mua khó ăn gian được người bán (mủ).

Thế nên, người ta dùng phương pháp ống đong nhiều hơn bởi 3 lý do: Một là, thị trường hiện có rất nhiều loại ống đong của Trung Quốc mua bán với giá rẻ, hiệu chỉnh chỉ có 9,2 - 9,5 nhưng vẫn ghi là 10ml. Hai là, trong ống đong lại có hiện tượng mủ dính nước rất cao do chiều cao của ống và đường kính của ống lại hẹp nên không thể đưa cái gì vào thụt rửa được. Ba là, dùng cân sai (số) để cân trọng lượng qui khô (không phải cân 2 số lẻ).

Theo quy định của Bộ KH-CN thì chúng tôi chỉ có thể kiểm tra cân “gam”, yêu cầu dán tem kiểm định, còn ống đong (trước đây gọi là ống nghiệm) do không nằm trong danh mục, chỉ có hiệu chỉnh sai số, ví dụ tại 10ml thì được phép sai bao nhiêu ml để người ta biết mà bù trừ, chứ không bắt buộc kiểm định về phương tiện đo lường. Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mua bán mủ CS tiểu điền bằng phương pháp “ống đong” như hiện nay.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên