Các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh: Tiếp tục hút vốn đầu tư

Cập nhật: 27-07-2017 | 10:11:36

Từ đầu năm đến nay, các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (KCN VSIP) trên địa bàn tỉnh tiếp tục là điểm lựa chọn của các nhà đầu tư. Cùng với môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN cũng duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Vốn đầu tư tăng mạnh

Về đầu tư trong nước, trong 6 tháng đầu năm nay, các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh thu hút trên 516 tỷ đồng vốn đầu tư, với 3 dự án đầu tư mới. Tính đến nay, các KCN thuộc Ban Quản lý KCN VSIP quản lý có 27 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 4.017 tỷ đồng (chỉ tính các dự án đầu tư có đăng ký tại Ban Quản lý KCN VSIP theo Luật Đầu tư năm 2014).

Đối với đầu tư nước ngoài (FDI), trong 6 tháng đầu năm 2017, các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh đã thu hút gần 652 triệu USD vốn đầu tư, tăng 61,65% so với cùng kỳ năm 2016 và bằng 186,25% so với kế hoạch năm 2017. Trong số này có 21 dự án cấp mới chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 555,1 triệu USD, 22 dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm gần 96,8 triệu USD và điều chỉnh khác cho 62 trường hợp. Như vậy, tính đến hết tháng 6-2017, các KCN thuộc Ban Quản lý KCN VSIP quản lý có 500 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 7,47 tỷ USD; trong đó có khoảng 444 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh tiếp tục hấp hẫn các nhà đầu tư.
Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TPR Việt Nam (KCN VSIP II-A). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng ban Quản lý KCN VSIP, cho biết tình hình hoạt động của các KCN VSIP từ đầu năm đến nay tiếp tục ổn định và phát triển, góp phần không nhỏ vào kết quả thu hút đầu tư chung của cả tỉnh. Đặc biệt, thu hút đầu tư đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2016; các KCN vẫn duy trì mức độ thu hút vốn đầu tư ổn định; một số dự án đầu tư đã mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư vào các KCN ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Ông Yokouchi, Tổng Giám đốc Công ty TPR Việt Nam (KCN VSIP II-A), cho hay công ty được thành lập vào tháng 6-2016. Để mở rộng sản xuất thêm các sản phẩm phục vụ đời sống, vừa qua công ty đã khánh thành nhà máy thứ 5. Nhà máy này có diện tích 35.000m2, tổng vốn đầu tư hơn 42 triệu USD, sản xuất các sản phẩm mới như gai dẫn, thiết bị điện, các sản phẩm gia dụng từ nhựa... Đây là dây chuyền sản xuất hoàn toàn mới của TPR Việt Nam. Theo kế hoạch, mỗi tháng nhà máy sản xuất 2,6 triệu sản phẩm gai dẫn, đến năm 2019 sẽ tăng gấp 3 lần. Về sản phẩm đệm sưởi, năm nay nhà máy sản xuất khoảng 120 triệu sản phẩm/tháng, năm 2019 dự tính tăng lên 160 triệu sản phẩm/tháng; tương tự sản phẩm nhựa gia dụng tăng từ 30 triệu sản phẩm/tháng lên 200 triệu sản phẩm/tháng vào năm 2019.

Còn theo ông Ogino Isao, Chủ tịch Tập đoàn Omron, tập đoàn chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm máy đo huyết áp cho 170 quốc gia trên thế giới, trung bình mỗi năm tập đoàn bán ra khoảng 20 triệu máy đo huyết áp. “Công ty Omron Việt Nam (KCN VSIP II) đã đi vào hoạt động được 10 năm. Chúng tôi có niềm tin tuyệt đối vào môi trường đầu tư của tỉnh Bình Dương và mong muốn sẽ phát triển mạnh hơn nữa tại đây trong thời gian tới. Ngay từ đầu năm 2017, công ty đã quyết định tăng vốn đầu tư lên 800,6 triệu USD”, ông Ogino Isao nói.

Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp trong các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh ước đạt 155 triệu USD, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 51,66% so với kế hoạch năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp này ước đạt 2,83 tỷ USD, bằng 104% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 56,6% so với kế hoạch năm 2017. Các dự án mới đầu tư vào các KCN này đã giải quyết việc làm cho 1.000 lao động.

Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Esquel Việt Nam (KCN VSIP I, TX.Thuận An), cho hay từ đầu năm đến nay kết quả xuất khẩu của công ty tốt hơn năm 2016. Đơn hàng nhiều hơn nên công ty đã tăng công suất lên 10%; trong khi đó xuất khẩu tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Có được kết quả này là nhờ công ty có nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn so với năm 2016. Ông Lương dự tính từ nay đến cuối năm 2017, số lượng đơn hàng của công ty sẽ tăng 10 - 15% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo ông Ogino Isao, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Công ty Omron Việt Nam đã sản xuất hơn 35 triệu sản phẩm các loại và phân phối đến 170 quốc gia trên thế giới. Công ty đã có kế hoạch đến năm 2018 sẽ bắt đầu phát triển sản phẩm máy đo huyết áp mới; đến năm 2020 doanh thu đạt 200 triệu USD, gấp đôi so với hiện nay.

Tình hình thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao và ổn định, cho thấy các KCN này luôn hấp dẫn các nhà đầu tư. Kết quả đã đạt được từ đầu năm đến nay là cơ sở để các doanh nghiệp về đích sớm kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2017, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh nhà.

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên