Các khu công nghiệp: Lực đẩy phát triển kinh tế - Kỳ 1
Kỳ 1: Thành công nối tiếp thành công
(BDO)
Những năm qua, các khu công nghiệp (KCN) có vai trò rất quan trọng và làm nền tảng đột phá trong quá trình phát triển kinh tế của Bình Dương. Để đưa Bình Dương đạt nhiều thành tựu hơn nữa và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020, các KCN sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong phát triển công nghiệp của tỉnh.
Ông Trần Thanh Liêm (đứng trước), Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử của doanh nghiệp Nhật Bản tại KCN Mỹ Phước 3 Ảnh: T.BÌNH
Đầu tư lớnVới chủ trương xây dựng các KCN làm đòn bẩy phát triển kinh tế, thời gian qua việc quy hoạch và hình thành các KCN đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân trong tỉnh. Nhờ vậy, qua quá trình phát triển đến nay toàn tỉnh đã có 29 KCN với tổng diện tích 9.425 ha, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích gần 8.870 ha. Có thể khẳng định rằng, các KCN của Bình Dương đã góp phần quan trọng đưa kinh tế phát triển vượt bậc với công nghiệp chiếm 60,8% trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế hiện nay.
Trong số 29 KCN tại tỉnh, theo phân cấp quản lý, các KCN Việt Nam - Singapore (KCN VSIP) gồm VSIP I, VSIP II và VSIP II mở rộng do Ban Quản lý KCN VSIP quản lý; các KCN còn lại do Ban Quản lý các KCN tỉnh quản lý. Đến nay các KCN VSIP tại tỉnh đã thu hút 412 dự án đầu tư; trong đó có 392 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 5,4 tỷ USD và 20 dự án của DN trong nước với tổng vốn đăng ký 3.834 tỷ đồng. Các KCN còn lại thu hút 969 dự án FDI với vốn đầu tư 6,8 tỷ USD và 393 dự án của DN trong nước với tổng vốn đầu tư gần 29.200 tỷ đồng. |
Điểm đáng ghi nhận trong đầu tư vào các KCN của Bình Dương năm 2014 là có thêm những dự án mới và tăng vốn khá lớn. Nổi bật như Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile (hợp tác giữa Tập đoàn Haputex Development Limited của Hồng Kông và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương) đầu tư nhà máy sản xuất vải lên đến 120 triệu đô la Mỹ; Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (Hàn Quốc) tăng vốn đầu tư thêm 54,2 triệu đô la Mỹ mở rộng nhà máy sợi; Công ty TNHH Kimberly Clark Việt Nam (Hoa Kỳ) tăng vốn 113 triệu đô la Mỹ; Công ty Wonderful Saigon Electrics (Nhật Bản) tăng thêm 210 triệu đô la Mỹ…
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Dù tình hình chung có nhiều thách thức, nhất là vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2014 không tăng, nhưng vốn đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh vẫn tăng mạnh. Điều đó cho thấy các KCN tại tỉnh tiếp tục là điểm đến các nhà đầu tư ưu tiên chọn lựa. Lý giải vấn đề này, ông Lý Hùng, Phó Trưởng ban quản lý KCN VSIP cho biết, thuận lợi của các KCN tại tỉnh là luôn chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng và các tiện ích dịch vụ để kịp thời đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư thuận lợi của tỉnh với những tín hiệu của một nền hành chính minh bạch, hiện đại được chính quyền và nhân dân Bình Dương quyết tâm thực hiện bằng sự kiện khánh thành Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh tại Thành phố mới Bình Dương vào ngày 20- 2-2014 đã làm cho DN tin tưởng đầu tư mạnh vào các KCN.
Dây chuyền sản xuất giấy hiện đại tại Công ty TNHH Tomoku Việt Nam, KCN Mỹ Phước 3 Ảnh: T.BÌNH
Nổi bật tại các KCN của Bình Dương trong thời gian gần đây là nhà đầu tư hoạt động đã ổn định tiếp tục tăng thêm nhiều vốn để mở rộng, nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất; đồng thời các dự án đầu tư mới tập trung vào sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ, thiết bị máy móc, linh kiện điện tử công nghệ cao, dược phẩm, sản phẩm tiêu dùng cao cấp. Nhìn nhận vấn đề tăng vốn của nhà đầu tư, ông Trần Văn Liễu, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho rằng, điều đó cho thấy các KCN ở tỉnh vẫn là nơi được nhà đầu tư chọn lựa gắn bó lâu dài; chính từ đầu tư hiệu quả nên DN quyết định tăng vốn mở rộng nhằm tăng năng lực sản xuất. Ông Trần Văn Liễu cũng cho rằng, với các dự án đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, thiết bị máy móc… thời gian gần đây có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng dần tỷ trọng công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tăng khả năng cạnh tranh trong sản xuất công nghiệp phù hợp theo định hướng phát triển bền vững của tỉnh.
Với việc thu hút đầu tư mạnh vào các KCN thời gian qua có thể thấy, chủ trương kêu gọi thu hút đầu tư vào các KCN tập trung của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, nhất là kêu gọi được các dự án có quy mô lớn đầu tư vào sản xuất của nhiều tập đoàn nổi tiếng vào các KCN. Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đầu tư của DN vào các KCN đã mang lại hiệu quả, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh theo mục tiêu đề ra của tỉnh. Để giúp DN đầu tư hiệu quả, cùng với các KCN chuẩn bị sẵn hạ tầng, quỹ đất sạch, hiện nay tỉnh đã quy hoạch KCN phục vụ phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm cung cấp nguyên phụ liệu cho các nhà máy sản xuất có liên quan không những trên địa bàn tỉnh mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm giúp DN đón đầu và tận dụng lợi thế khi Việt Nam ký kết hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Thể hiện trách nhiệm và đồng hành với DN, tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành của tỉnh sẽ luôn đồng hành và hết sức hỗ trợ, tạo nhiều thuận lợi nhất để DN phát huy hiệu quả đầu tư.
Kỳ 2: Từ góc nhìn doanh nghiệp
TRỌNG MINH