Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Sự kiện vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam

Cập nhật: 17-08-2010 | 00:00:00

1. Bối cảnh lịch sử và diễn biến

Đầu năm 1945, quân đội Xô-viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước. Ngày 16-4-1945 chiến dịch tiến công Beclin thắng lợi, Đức buộc phải ký văn bản đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh vô điều kiện, lò lửa chính của chiến tranh thế giới thứ hai bị dập tắt. Ngày 8-8-1945 Liên Xô tuyên chiến với Nhật. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng chống phát xít đối với quân phiệt Nhật đã chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai, tạo điều kiện cho nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa châu Á trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong nước, trải qua nhiều thử thách cam go và các cuộc diễn tập quan trọng như Cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Cao trào Dân chủ 1936-1939, phong trào kháng Nhật, cứu nước ngày càng dâng lên mạnh mẽ.

Tình hình quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi đòi hỏi Đảng ta phải có những quyết sách sáng suốt nhằm đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 9-3-1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động phong trào kháng Nhật, cứu nước. Ngày 12-3-1945 ban hành rộng rãi Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị quan trọng này đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, chủ động và sáng tạo của Đảng, chỉ rõ phương hướng và biện pháp hành động cách mạng đúng đắn trong cao trào kháng Nhật, cứu nước, mở đường đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi.

Từ ngày 15 đến 20-4-1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ họp, quyết định phát triển lực lượng vũ trang, nửa vũ trang và thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân, xây dựng 7 chiến khu chống Nhật trong cả nước.

Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt minh ra Chỉ thị “Về việc tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng” và chuẩn bị thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ Lâm thời Cách mạng Việt Nam.

Từ tháng 4-1945 trở đi, cao trào kháng Nhật, cứu nước dâng lên mạnh mẽ. Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang phát triển nhanh, phong trào đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và khởi nghĩa từng phần diễn ra khắp các địa phương. Nhiều hoạt động được đẩy mạnh như tuyên truyền xung phong có vũ trang cướp kho thóc của Nhật để cứu đói, xây dựng các đội tự vệ vũ trang du kích cứu quốc, mở trường đào tạo cấp tốc cán bộ quân sự, phát động chiến tranh du kích ở những nơi có đủ điều kiện, giải phóng từng vừng, mở rộng căn cứ địa cách mạng... Các lực lượng cách mạng đã phối hợp với quần chúng giải phóng một loạt các xã, châu, huyện thuộc các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Bắc Giang.

Ngày 12-8-1945, Ủy ban Chỉ huy lâm thời khu giải phóng ra mệnh lệnh khởi nghĩa. Ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 14 và 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng bàn kế hoạch phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.

Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội tại Tân Trào đã nhiệt liệt tán thành và ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt minh, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã đồng loạt đứng dậy, tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, chúng ta đã giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận các tỉnh miền Trung, một phần ở miền Nam và ở các thị xã Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19-8 đã cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ các tỉnh, thành phố khác vượt qua mọi khó khăn, gấp rút nổi dậy giành chính quyền. Ngày 23-8 khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và các thị xã: Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Lâm Viên, Gia Lai, Tân An, Bạc Liêu. Thắng lợi của khởi nghĩa Sài Gòn ngày 25-8 có ảnh hưởng quyết định đối với khởi nghĩa ở các tỉnh miền Nam như Sóc Trăng, Vĩnh Long, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre, Sa Đéc... Ở Côn Đảo, Đảng bộ Nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền, làm chủ trên đảo.

Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về tay nhân dân.

Ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), trước hàng chục vạn nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. (Còn tiếp)

T.S. (Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên