Cải tạo và phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản

Cập nhật: 24-12-2013 | 00:00:00
 

Bốc xúc quặng Ilemenite thô ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Công nghiệp khai thác mỏ ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới cả về quy mô và việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước.

Tuy vậy, hoạt động khoáng sản đã gây tiêu cực đến môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và an toàn của người lao động.

Tuy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; trong đó có quy định về việc lập, phê duyệt và thực hiện dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản đã ban hành, nhưng các quy định của pháp luật vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, cần được bổ sung hoàn thiện.

Những bất cập

Hiện ngành khai khoáng đang áp dụng hai phương pháp chính là khai thác lộ thiên và khai thác hầm lò. Trình độ công nghệ khai thác nhất là công nghệ khai thác hầm lò của Việt Nam chậm hơn, so với các nước có nền công nghiệp phát triển vài thập niên. Thiết bị sử dụng ở các mỏ lộ thiên của các doanh nghiệp Việt Nam thường là máy khoan, máy xúc, ôtô; một số mỏ có thêm băng tải và máy ủi. Còn dây chuyền công nghệ ở các mỏ hầm lò phức tạp hơn nhưng chủ yếu làm thủ công, một vài mỏ được vận tải bằng tàu điện và trục tải.

Những tác động rõ nét nhất tới môi trường do khai thác khoáng sản ở Việt Nam đó là làm biến dạng địa mạo và cảnh quan khu vực; chiếm dụng nhiều diện tích trồng trọt và cây xanh để mở khai trường và đổ đất đá thải; làm ô nhiễm nguồn nước và đất đai quanh mỏ; thay đổi môi trường văn hóa, xã hội cả tích cực lẫn tiêu cực. Sau quá trình khai thác mỏ thường để lại các dạng địa hình có tiềm năng gây sạt lở cao, làm ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho con người, súc vật, động vật hoang dã trong khu vực sau khai thác.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2008 đến nay Bộ và các tỉnh, thành phố đã duyệt 1.420 dự án cải tạo, phục hồi môi trường, với tổng số tiền ký quỹ trên 1.360 tỷ đồng.

Nhưng trên thực tế nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa quan tâm thực hiện. Nguyên nhân là do vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về cải tạo, phục hồi môi trường cho từng loại hình khai thác khoáng sản.

Do đó, việc triển khai thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 18/2013 của Chính phủ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản gặp rất nhiều khó khăn.

Thủ tục hành chính để rút khoản tiền mà chủ đầu tư đã ký quỹ phục hồi môi trường phức tạp, nên nhiều doanh nghiệp không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường như đã cam kết và cũng không lấy lại tiền ký quỹ.

Mặt khác, nhiều địa phương chưa thành lập được Quỹ bảo vệ môi trường, gây khó khăn cho việc ký quỹ và cho cả cơ quan quản lý Nhà nước trong theo dõi tình hình ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản. Đồng thời, cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy mô, loại hình tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường ở các địa phương.

Vì vậy, các Quỹ bảo vệ môi trường tại các tỉnh hoạt động không thống nhất, kém hiệu quả và chưa phát huy được vai trò hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Hầu hết các dự án cải tạo, phục hồi môi trường do Ủy ban Nhân dân cấp huyện thẩm định, phê duyệt; tổng số tiền ký quỹ thấp, thiếu nhiều khoản chi phí, không đủ cải tạo, phục hồi môi trường sau khi dự án kết thúc. Bản cam kết bảo vệ môi trường và dự án cải tạo, phục hồi môi trường không được thẩm định, phê duyệt cùng một thời điểm.

Mục đích của việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là yêu cầu các chủ dự án khai thác khoáng sản phải ký một khoảng tiền tối thiểu bằng chi phí thực tế để cải tạo, phục hồi môi trường, nhưng lại không có quy định về yếu tố trượt giá trong tính tổng kinh phí phải thực hiện. Do đó làm phát sinh rủi ro về nguồn tài chính cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác khoáng sản.

Đề xuất giải pháp

Chính vì những nguyên nhân nêu trên, nên việc tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động khoáng sản nói riêng là rất cần thiết.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước và việc giám sát của nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội; ưu tiên quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chế tài phải đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

Cùng với việc phát huy các nguồn lực xã hội nhằm phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng và cải tạo, phục hồi môi trường, nên điều chỉnh quy định phí bảo vệ môi trường có tính đến mức độ ô nhiễm môi trường như hệ số bóc đất đá trong khai thác lộ thiên, tỷ lệ thu hồi tinh quặng từ quặng nguyên khai, thành phần chất gây ô nhiễm trong quặng.

Quy định cụ thể cách tính toán khoản tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với các trường hợp thời gian khai thác mỏ, theo giấy phép khác với thời gian đã dự tính trong báo cáo đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường; quy định cụ thể định mức tính toán cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường.

Bổ sung quy định về cải tạo, phục hồi môi trường chung cho các khu vực khai thác khoáng sản có nhiều tổ chức, cá nhân cùng khai thác; quy trình, hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đối với từng loại hình khai thác; nội dung tham vấn ý kiến cộng đồng cho công tác này; tính toán khoản tiền ký quỹ, hệ số trượt giá theo thực tế...

Một giải pháp rất cần thiết là tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản; phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; có chương trình triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất sạch hơn cho cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản và phục hồi môi trường...

Quyết định số 18/2013 của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành, do vậy nội dung và cấu trúc của đề án cải tạo, phục hồi môi trường của các dự án khai thác và chế biến khoáng sản cần được nghiên cứu thấu đáo, khoa học, toàn diện để đảm bảo tính khoa học và thực tế áp dụng của các mỏ sau khai thác, đáp ứng phát triển bền vững sau này. Theo quy định này, yêu cầu khi xin cấp phép khai thác khoáng sản, các tổ chức, cá nhân phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được duyệt.

Đề án cải tạo, phục hồi môi trường phải nêu cam kết về các chỉ tiêu chất lượng môi trường, hệ sinh thái sau khi cải tạo, phục hồi. Mặt khác có cả ý kiến tham vấn cộng đồng về phương án cải tạo, phục hồi này. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khai thác khoáng sản mới phải lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định đề án cải tạo, phục hồi môi trường cùng với thời điểm lập, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường.

Trường hợp đã được duyệt dự án thì trước khi bắt đầu khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải lập, trình đề án cải tạo, phục hồi môi trường. Các đối tượng được phép khai thác khoáng sản phải ký quỹ với số tiền bằng tổng kinh phí thực hiện cải tạo, phục hồi, nhằm bảo đảm chắc chắn nguồn tài chính cho việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác một cách có hiệu quả./.

(Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên