Cần có Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cập nhật: 14-10-2010 | 00:00:00

Với hơn 80 Nghị định xử phạt hành chính liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng và 20 cơ quan, tổ chức hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, nhưng hiện nay, quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa thực sự được coi trọng. Theo khảo sát của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, 55% người tiêu dùng không biết mình có quyền gì. Vì vậy việc sớm ban hành Luật đang là yêu cầu cấp thiết. 

 

Mỗi năm Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương xử lý hơn 100.000 vụ vi phạm về lĩnh vực tiêu dùng; Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ người tiêu dùng cũng tiếp nhận hàng nghìn vụ khiếu nại. Cùng với đó, báo chí cũng nhận hàng nghìn khiếu nại mỗi năm; thậm chí còn phát hiện nhiều vụ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng nghiêm trọng. Đó là chưa kể tới những vụ việc nhỏ không khiếu nại.

Theo PGS.TS Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, lý do người tiêu dùng khiếu nại do họ thường xuyên bị xâm hại quyền lợi và yếu thế so với nhà cung cấp: không có thông tin, không tiềm lực kinh tế, thiếu khả năng tranh tụng tại toà án.

Ông Nguyễn Như Phát cũng cho rằng, sự phân cấp trách nhiệm không rõ ràng giữa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng dẫn đến tình trạng dễ thì làm, khó thì bỏ, đùn đẩy trách nhiệm. Người tiêu dùng cũng vì thế mà lúng túng, không biết tìm cơ quan nào kêu cứu, không biết ai có trách nhiệm để giải quyết vụ việc của mình.

“Để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, chúng ta cần có một tư duy, quan niệm về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Phải coi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng là pháp luật đứng ngoài quan hệ dân sự nhằm ngăn ngừa sự lạm dụng của nhà cung cấp, tạo ra sự bình đẳng”, ông Nguyễn Như Phát nói.

Sức mạnh to lớn của người tiêu dùng là quyền tẩy chay sản phẩm. Quyền này chỉ được phát huy khi người tiêu dùng ý thức được sức mạnh của mình và đoàn kết. Hiện tại, người tiêu dùng Việt đã phát triển thành một lực lượng, sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của chính mình. Chỉ cần người tiêu dùng mạnh lên thì số vụ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng sẽ tự động giảm đi bởi các nhà sản xuất, nhà phân phối gắn liền lợi ích của họ với người tiêu dùng.

Chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ người tiêu dùng bà Soraya Meky, Giáo sự Đại học Paris (Pháp) cho biết, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng và giám sát doanh nghiệp ở Pháp do một tổ chức phi chính phủ tiến hành. Tổ chức này thường xuyên kiểm tra mẫu mã, chất lượng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp đồng thời định kỳ xếp hạng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Việc xếp hạng vừa giúp người tiêu dùng tìm được thông tin về sản phẩm, dịch vụ tốt nhất đồng thời cũng trở thành một kênh quảng bá tốt cho doanh nghiệp. Ngoài ra pháp luật của Pháp và Liên minh châu Âu rất chú trọng đến bảo vệ an toàn, đặc biệt là sức khỏe cho người tiêu dùng thông qua việc ban hành các quy định mang tính phòng ngừa.

Bà Soraya Meky cho biết: “Luật pháp trao cho Chính phủ quyền được ra lệnh cấm hoặc có tham khảo ý kiến của Ủy ban an toàn cho người tiêu dùng để ban hành nghị định cấm sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu... những sản phẩm không đáp ứng yêu cầu chung về đảm bảo an toàn. Buộc các nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông tin cần thiết để đánh giá và phòng tránh rủi ro khi khi sử dụng hàng hóa. Khi phát hiện sai phạm hoặc có thông tin sản phẩm gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng , Ủy ban có thể phối hợp với cảnh sát kiểm tra, tịch thu sản phẩm, phạt vi phạm và có thể ra lệnh cấm lưu hành sản phẩm gây nguy hại cho người dùng”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng. Làm tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng sẽ bảo vệ được quyền lợi của mình, nâng cao uy tín, lòng tin đối với người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của nước ta đã có và được đề cập đến trong Luật Dân sự, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các quy định khác vẫn chưa đầy đủ và bất cập, việc xử lý vi phạm chưa đạt hiệu quả như mong muốn khiến người tiêu dùng bị động. Do vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ tạo khung pháp lý vững chắc để bảo vệ người tiêu dùng mà còn góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Theo VOV News

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên