Cần định hướng tốt để chọn ngành nghề phù hợp

Cập nhật: 22-06-2011 | 00:00:00

(BDO) Mới đây, các trường đại học trên địa bàn tỉnh Bình Dương đưa ra con số thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành làm nhiều người không khỏi giật mình. Đó là thí sinh đăng ký vào các ngành kinh tế, công nghệ thông tin tăng cao, trong khi số thí sinh đăng ký vào ngành xã hội – nhân văn giảm xuống rõ rệt.

Điển hình là tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Khóa Ngữ văn đầu tiên trường tuyển được trên 300 sinh viên, nhưng đến khóa thứ năm  (năm 2010) chỉ tuyển được 30 sinh viên; còn ở trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, Sở Giáo dục – Đào tạo cho biết, năm nay sở chỉ nhận được…1 hồ sơ dự thi khối C của trường này. Số hồ sơ còn lại chủ yếu chọn các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin.

  Xã hội đang cần người tài ở mọi lĩnh vực chứ không riêng gì ngành kinh tế. Ảnh minh họaThực trạng nói trên không chỉ diễn ra ở tỉnh Bình Dương mà còn ở hầu hết các trường đại học trong cả nước. Những năm gần đây, nhất là 2 năm qua, nhiều trường đại học, thậm chí cả những trường đại học có uy tín ở Hà Nội, TP.HCM, đều “than” khó tuyển đủ sinh viên theo học các ngành xã hội, đặc biệt là ngành Triết học, Lịch sử, Việt Nam học…; có trường tuyển đến nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cũng chưa đủ chỉ tiêu

Theo ý kiến nhiều phụ huynh và thí sinh, sở dĩ họ “chạy” theo khối kinh tế vì đây là những ngành “thời thượng”, sau khi ra trường dễ xin việc, có thu nhập cao và “oai” hơn so với các ngành xã hội – nhân văn. Xét ở khía cạnh nào đó, xu thế nói trên có phần hợp lý, bởi trong điều kiện đất nước đang tập trung phát triển, mở rộng giao lưu hợp tác kinh tế với các nước trên thế giới, nhiều ngành nhiều nghề đang rất cần nhân lực có năng lực tham gia thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong những năm gần đây đa số thí sinh chọn ngành kinh tế là theo tâm lý, cảm tính mà chưa thật sự dựa vào sở trường, năng lực của mình và ngành gì xã hội thật sự đang cần; bên cạnh đó, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trước khi chọn ngành nghề để thi của các trường và ngành chức năng chưa thật sự mang lại hiệu quả, do đó hầu hết các thí sinh “tự bơi” trong việc lựa chọn ngành nghề.

Có một thực tế khác mà các ngành chức năng, phụ huynh và học sinh cần suy nghĩ là hiện nay, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” đang phổ biến. Nhiều doanh nghiệp khi tham gia các hội chợ việc làm hay có dịp “tâm sự” với giới báo chí đều than rất khó tuyển được người mình cần. Đó là cán bộ có tay nghề kỹ thuật, người trực tiếp vận hành quản lý máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất…, chứ không tuyển nhiều người làm kế toán, quản trị - kinh doanh hay nhân viên văn phòng.

Theo nhiều nhà chuyên môn, xã hội có nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không riêng gì lĩnh vực kinh tế; do đó, ai giỏi ở ngành gì, lĩnh vực gì xã hội đều cần cả. Vấn đề là ở chỗ, phụ huynh, học sinh cần xác định rõ khả năng, thực lực của mình để lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và nhà trường phối hợp cùng phụ huynh cần làm tốt, làm thật hiệu quả công tác tư vấn, định hướng ngành nghề cho học sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời. Làm sao chọn được những ngành nghề vừa phù hợp với năng lực, sở trường của mình vừa phù hợp với những gì xã hội, đất nước đang cần.

HOÀNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X