Cần lắm sự quan tâm đầu tư

Cập nhật: 16-09-2011 | 00:00:00

Năm 2011, cơ quan bảo hiểm y tế (BHYT) ký kết hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) cho các đối tượng có thẻ BHYT với 51 cơ sở y tế. Đặc biệt, công tác KCB BHYT đã được triển khai đến 100% trạm y tế (TYT): 91 TYT xã, phường, 11 TYT nông trường. KCB BHYT tại TYT góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội có tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, đồng thời góp phần hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, giảm quá tải tuyến trên. Khám bệnh cho người cao tuổi tại Trạm y tế phường Dĩ An, thị xã Dĩ An

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tỉnh Bình Dương đã đi đầu trong cả nước thực hiện KCB bằng thẻ BHYT ngay tại TYT xã, phường, nông trường cao su, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND) ngay tại địa phương. Ngành y tế đã bố trí nhân lực, kinh phí, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý cho cán bộ TYT triển khai khám chữa bệnh BHYT. Sở Y tế cũng xây dựng, trình UBND tỉnh duyệt mục giá dịch vụ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) thực hiện tại TYT xã, phường; chỉ đạo chuyên khoa đầu ngành tổ chức giám sát, ưu tiên hỗ trợ chuyên môn trong quá trình thực hiện KCB BHYT. Nhờ vậy, ở các TYT xã ngày nào cũng có đông bệnh nhân KCB BHYT; song thời gian gần đây, nhiều TYT xã trở nên vắng lặng, vắng bóng bệnh nhân...

Tại TYT xã Bình An (Dĩ An), các chị Lê Thị Thìn, Lê Thị Tính, y sĩ đa khoa cho biết: “Từ đầu năm 2011, lượng bệnh nhân BHYT dù đăng ký KCB ban đầu ở huyện, tỉnh, song số bệnh nhân BHYT đến TYT Bình An khá đông, khoảng 45 lượt người/ngày. Nhưng vào ngày 18-8-2011, chúng tôi nhận được văn bản của Sở Y tế ban hành đề ngày 21-12-2009, quy định việc đăng ký KCB ban đầu. Nếu thực hiện theo đúng quy định, khi người có thẻ KCB Tây y phải đồng chi trả 30% mà đa số bệnh nhân là người già, người nghèo không có tiền đóng.

Tại xã Chánh Phú Hòa (Bến Cát), bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, Trưởng TYT xã, cho biết: “Mấy tháng nay, ngành y tế chấn chỉnh lại công tác KCB BHYT, cụ thể: đăng ký KCB ban đầu ở huyện phải về huyện, trong khi bấy lâu nay họ lên tỉnh khám quen rồi, vì tuyến xe buýt từ Chánh Phú Hòa đi lên BVĐK tỉnh thuận tiện hơn. Nay theo quy định phải quay ngược về huyện. Trước đây một số người có thẻ đăng ký KCB ban đầu ở tỉnh, vẫn thường về xã KCB. Nay bắt họ phải đóng tiền đồng chi trả cao, dĩ nhiên là họ... chia tay trạm luôn!”.

Các anh chị ở TYT cho biết: Về CMKT cũng có nhiều thay đổi, tuyệt đối không cho chích thuốc ở TYT. Trong khi ở trạm hiện có đầy đủ các chức danh như bác sĩ, y sĩ đa khoa, Đông y sĩ, nữ hộ sinh... Ngay cả kháng sinh để trị bệnh giờ cũng hạn chế, chỉ còn vài món.

Các nhân viên ở các xã, phường có KCB BHYT tâm sự: “Bệnh nhân đến đông, chúng tôi có điều kiện để trau dồi tay nghề và còn vui vì được CSSKND, chứ vắng tanh như “chùa Bà Đanh” thì buồn lắm”!

Chuyển tải những ý kiến của các bác sĩ, cán bộ y tế tuyến xã đến cơ quan BHYT, chúng tôi được dược sĩ Lê Quang Doãn, Phó Giám đốc BHXH cho biết: “Chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước tổ chức thực hiện từ năm 1992. Ngày 14-11-2008, Quốc hội nước CHXHCNVN khóa XII đã thông qua Luật BHYT. Theo điều 26 Luật BHYT, người tham gia BHYT có quyền đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện, hoặc tương đương. Trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở KCB tuyến tỉnh, Trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký KCB ban đầu vào đầu mỗi quý. Theo quy định tại khoản 3 điều 7 Nghị định số 62/2009 của Chính phủ, người tham gia BHYT không đúng nơi đăng ký KCB ban đầu, hoặc không đúng tuyến CMKT quy định của Bộ Y tế (trừ trường hợp cấp cứu), có xuất trình thẻ BHYT, mức hưởng như sau: 70% chi phí KCB tại cơ sở KCB đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng III, hạng IV và chưa xếp hạng. 50% chi phí KCB tại cơ sở KCB đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II. 30% chi phí KCB tại cơ sở KCB đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I hoặc hạng đặc biệt. Phần chi phí chênh lệch còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB”.

Tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ giữa người mạnh khỏe với người ốm đau, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Việc chấn chỉnh các hạn chế để thực hiện đúng luật là cần thiết; song cơ quan BHYT và ngành y tế cũng cần xem xét lại cơ số thuốc, cũng như các hoạt động CMKT, đủ để CSSKBĐ cho người dân tại tuyến cơ sở. Có bất cập không, khi ngành y tế đang tích cực đầu tư thực hiện Đề án nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, mà ngay tại tuyến xã lại bị giảm bớt các hoạt động: không chích thuốc, không điều trị các bệnh viêm hô hấp nặng, viêm dạ dày do vi trùng..., gây hụt hẫng cho cả cán bộ y tế lẫn bệnh nhân. Và để người tham gia BHYT  hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình, ngành BHXH và y tế cần phối hợp tốt với các cấp, các ngành, tăng cường tuyên truyền, đưa Luật BHYT đến với mọi nhà, mọi người, góp phần thực hiện tốt chính sách nhân văn, nhân đạo sâu sắc này.

Bảo Anh

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=376
Quay lên trên