Cần lập bản đồ vùng có nguy cơ lũ quét ở Tây Nguyên

Cập nhật: 29-10-2013 | 00:00:00
 

Hậu quả một trận lũ quét. Ảnh minh họa.

Tây Nguyên là một trong những vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, chủ yếu là lượng mưa, phân bố mưa và cường độ mưa ngày càng khốc liệt, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho đồng bào các dân tộc.

Chỉ riêng tại Đắk Lắk, mới đây do ảnh hưởng của cơn bão số 8 kết hợp với gió mùa Tây Nam cường độ mạnh đã xảy ra lũ quét, làm chết 7 người tại các huyện Ea Súp, Cư M’gar...

Tại tọa đàm về Chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức mới đây tại thành phố Buôn Ma Thuột, giáo sư-tiến sỹ Lê Huy Bá, Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, cần sớm lập bản đồ khu vực có nguy cơ lũ quét vùng Tây Nguyên nhằm góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản cho người dân.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên Những năm gần đây, lượng mưa ở Tây Nguyên đã thay đổi nhiều theo hướng nơi mưa nhiều thì càng nhiều hơn và ngược lại, nhất là hiện tượng mưa tập trung với cường độ mạnh và lượng lớn có tần suất xuất hiện nhiều hơn.

Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất xuất hiện ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên lại có địa hình chủ yếu là đồi, núi, cao nguyên; riêng địa hình có độ dốc từ 10 độ trở lên chiếm gần một phần hai diện tích của khu vực.

Những vùng đất dốc này, trước đây được che chở khá tốt của cây rừng nhưng những năm gần đây rừng bị chặt phá nghiêm trọng nên độ che phủ không những giảm sút mà chất lượng rừng cũng suy giảm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tổng diện tích rừng của toàn vùng chỉ còn trên 2,848 triệu ha, độ che phủ còn 51,3%; trong đó, rừng có trữ lượng là 1,772 triệu ha, chỉ đạt độ che phủ là 32,4%... nên càng làm cho những vùng đất dốc trở thành đất trống, đồi núi trọc hoặc có rừng nhưng cũng chỉ là các loại cây có độ che phủ thấp như cây sắn, cây bụi ít có tác dụng điều hòa dòng chảy mặt.

Cũng theo các nhà khoa học, mất rừng, nhất là rừng ở những nơi đất dốc làm cho dòng nước mưa tập trung vào các sông, suối nhiều gấp 3-5 lần và nhanh hơn gấp 8-10 lần khi không có rừng nên tần suất, cường độ lũ quét xuất hiện nguy hiểm ngày càng nhiều hơn mỗi khi có mưa.

Mất rừng, mặt đất nhanh chóng phân hóa, suy giảm kết cấu liên kết nên khi mưa xuống, đất bão hòa nước, dòng nước mặt tập trung nhanh, chảy mạnh dễ gây nên tình trạng xói lở đất, thậm chí, có nơi đất bị sụt lở cả một vùng rộng lớn…

Giáo sư-tiến sỹ Lê Huy Bá cũng như các nhà khoa học đã đề xuất, các tỉnh Tây Nguyên trước mắt cần nhanh chóng đầu tư xây dựng bổ sung mạng lưới trạm quan trắc đo đạc, nhất là các trạm đo mưa tại các vùng đã từng có mưa lớn sinh ra lũ quét, sạt lở đất.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc, nghiên cứu các hình thể gây mưa có lượng và cường độ lớn, xây dựng bản đồ dự báo nguy cơ lũ quét, lũ ống cho toàn vùng.

Các ngành chức năng nhanh chóng khảo sát, cập nhật hàng năm hiện trạng lũ quét, sạt lở đất và xác định vùng có nguy cơ lũ quét , sạt lở đất cao, xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ lũ quét… để không những hạn chế thiệt hại về con người và tài sản của đồng bào các dân tộc mà còn phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cho vùng Tây Nguyên.

Các nhà khoa học cũng đề xuất, kiến nghị các tỉnh Tây Nguyên cần bảo vệ, phục hồi diện tích rừng hiện có; đồng thời, tăng cường đầu tư trồng mới thêm rừng để nâng độ che phủ rừng, quy hoạch, bố trí lại các khu dân cư, sản xuất, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi…hợp lý, khoa học, hiệu quả trong việc phòng chống thiên tai./.

 

 (TTXVN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên