Cần phải “thoát nước thông minh”

Cập nhật: 19-07-2019 | 08:48:52

Hàng năm, mỗi khi bước vào mùa mưa, tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện ở một số địa bàn, gây không ít khó khăn cho người dân trong quá trình tham gia giao thông cũng như sinh hoạt hàng ngày. Làm sao để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng cục bộ cũng là vấn đề được người dân nêu ra tại các diễn đàn, hay các buổi tiếp xúc cử tri thời gian qua.

 Bình Dương với địa hình khá cao ráo, lại gần nhiều tuyến sông lớn chảy ra biển, tiêu nước dễ hơn giữ nước, nên về mặt vị trí địa lý mà nói, khả năng ngập úng nặng rất khó xảy ra. Tuy nhiên, trong suốt mấy chục năm đẩy mạnh công nghiệp hóa, đặc biệt là hiện nay quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, bên cạnh việc tạo nên những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, thì cũng xuất hiện những tác động tiêu cực, trong đó có vấn đề ngập úng cục bộ ở một số địa bàn có tốc độ phát triển nhanh như TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An, TX.Thuận An...

Theo con số thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 100 điểm ngập úng mang tính cục bộ; trong đó có nhiều điểm ngập úng dù đã có những giải pháp để chống ngập nhưng chưa xử lý được dứt điểm, một số điểm ngập úng mới phát sinh do nhiều nguyên nhân. Những điểm ngập úng này đã gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc đi lại, cũng như trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày.

Có thể nói, ngập úng là một vấn đề không chỉ xảy ra ở các địa phương có tốc độ phát triển đô thị nhanh tại Việt Nam mà nhiều nước phát triển trên thế giới cũng phải đối mặt. Để giải quyết tình trạng này, một số quốc gia đã có những giải pháp chống ngập lụt hiệu quả nhằm giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chẳng hạn như thành phố Kuala Lumpur của Maylaysia đã cho xây dựng đường hầm có tên Stormwater Management and Road Tunnel dài 9,7km vừa dùng để thoát lũ vừa phục vụ giao thông. Nhật Bản thì xây dựng kênh thoát nước ngầm nằm dưới một sân bóng đá và công viên trượt băng ở ngoại ô Tokyo với tên gọi “điện Pantheon dưới lòng đất”...

Bình Dương đang trong quá trình phát triển mạnh về đô thị, công tác quy hoạch được thực hiện khá bài bản, nên về cơ bản tình trạng ngập úng chỉ mang tính cục bộ trên một số địa bàn. Và để giải quyết tình trạng này, những năm qua, tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp. Trong đó phải kể đến là triển khai dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh thoát nước KCN Bình Hòa. Dự án này sẽ bảo đảm tiêu thoát nước cho diện tích 1.143 ha, cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng ngập úng cục bộ tại một số khu vực phía nam của tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều dự án thoát nước khác đi kèm với việc nạo vét, duy tu sửa chữa hệ thống thoát nước, khai thông dòng chảy, miệng hố ga cũng đã được triển khai...

Bình Dương đang hướng tới trở thành thành phố thông minh trong tương lai. Một trong những điều mà người dân dễ cảm nhận nhất ở một đô thị thông minh là giao thông thông minh, thoát nước thông minh... và không có tình trạng ngập úng cục bộ... Tất nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng cục bộ, thoát nước thông minh, thiết nghĩ cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là quy hoạch và quản lý quy hoạch, cả trong trước mắt và lâu dài. 

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên