Cần phối hợp từ nhiều phía

Cập nhật: 25-08-2011 | 00:00:00

Nhiều đề án, dự án, chiến lược, kế hoạch hành động... “tất cả vì môi trường xanh, sạch” ở Bình Dương đã và đang tập trung triển khai thực hiện từ những việc nhỏ nhất, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nhà không ngừng phát triển.

 Tạo mảng xanh, làm đẹp môi trường ở KCN Đại Đăng

Mang lại kết quả nhất định

Theo đánh giá, mặc dù không có cơ sở nào nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ONMT) nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Bình Dương vẫn quan tâm thực hiện giám sát thường xuyên. Báo cáo kiểm tra của ngành, cho biết từ năm 2007 đến 2010, Bình Dương đã công bố danh mục 91 cơ sở gây ONMT, ONMT nghiêm trọng cần phải xử lý dứt điểm. Sau khi giám sát, xử lý liên tục, toàn tỉnh đã có 61% doanh nghiệp thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm, hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để. Cán bộ quản lý môi trường còn cho biết: năm 2011 này, tỉnh tiếp tục công bố 20 cơ sở gây ONMT và 31 cơ sở gây ONMT nghiêm trọng; đồng thời, ban hành danh sách 16 cơ sở sản xuất gây ONMT phải di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị (đợt 1) nhằm khắc phục và cải thiện môi trường, góp phần quy hoạch, chỉnh trang đô thị.

Đối với việc xử lý các điểm nóng về ô nhiễm như kênh Ba Bò, suối Bưng Cù... đến nay, Bình Dương đã thực hiện một số giải pháp, góp phần hạn chế và kiểm soát ô nhiễm. Các ngành chức năng cho biết, cụ thể như suối Bưng Cù, thời gian qua, ngành chức năng đã kiểm soát nước thải của doanh nghiệp và các khu nhà trọ nhằm trong lưu vực suối; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn dân cư giữ vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi xuống suối; xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; thực hiện dự án trình diễn quản lý ô nhiễm công nghiệp tại lưu vực...

Việc giải quyết ONMT kênh Ba Bò, ngành chức năng cũng tiến hành kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải của các khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần I, II; cải tạo hồ chứa nước trong KCN Sóng Thần I; kiểm soát các nguồn thải từ các khu dân cư xả thải vào kênh Ba Bò; đồng thời thực hiện quan trắc tuân thủ nước thải theo kế hoạch và quan trắc nguồn thải kênh Ba Bò 24/24 giờ để phục vụ cho công tác đánh giá nguồn thải...

Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm không của riêng ai?

Đó là nhận định của các cấp, các ngành đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của tỉnh nhà. Vì thế, kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2012 của Bình Dương nhấn mạnh: phải tiếp tục xử lý các điểm gây ONMT bức xúc ở các địa phương, cụ thể như kênh Ba Bò, suối Siệp, suối Bưng Cù; lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; tổ chức di dời và hỗ trợ di dời số cơ sở sản xuất đang nằm xen lẫn trong khu dân cư, vùng đô thị và các khu, cụm công nghiệp (CCN) tập trung.

Công tác phòng ngừa, kiểm soát ONMT chú ý từ việc xây dựng quy hoạch thoát nước của tỉnh đến năm 2020; điều tra khảo sát, lập dự án cải tạo hạ tầng CCN hiện hữu, CCN tự phát; ưu tiên tập trung xử lý dứt điểm các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng; tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm và thanh kiểm tra việc bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và KCN trên địa bàn; hoàn thiện hệ thống giám sát tự động nước thải của một số KCN và doanh nghiệp có lưu lượng thải lớn. Song song đó tiếp tục điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường các làng nghề để có biện pháp quản lý tốt hơn...

Ngoài ra, Bình Dương tiếp tục quan tâm quản lý chất thải, tìm giải pháp quản lý, mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Mặt khác cần xây dựng phương án ứng phó sự cố tràn dầu; phòng chống sự cố môi trường rò rỉ, tràn đổ chất thải và hóa chất... Tỉnh cũng nghiên cứu quy hoạch chi tiết về quản lý, khai thác 3 khu vực quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, đó là khu di tích rừng Kiến An, khu vực Núi Cậu và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Dương, giai đoạn 2011-2013 và đề xuất một số giải pháp phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái vườn cây ăn trái Lái Thiêu...

Làm tốt kế hoạch này, Bình Dương sẽ tăng cường năng lực quản lý môi trường từ củng cố nguồn nhân lực, cơ sở vật chất; tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xã hội hóa về bảo vệ môi trường, tạo điều kiện nhân rộng điển hình về Sách Xanh và mô hình tự quản môi trường ở các khu dân cư... Có như vậy, mọi lĩnh vực hoạt động ở Bình Dương chắc chắn sẽ hướng đến một môi trường thân thiện, vì cuộc sống xanh, sạch của cộng đồng.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên