Cần quan tâm chất lượng văn bản quy phạm pháp luật

Cập nhật: 23-03-2019 | 09:08:56

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ và thường xuyên, nhưng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thời gian qua vẫn còn hạn chế. Thậm chí có những quy định, những văn bản QPPL khi ban hành khiến dư luận xã hội bức xúc.

Lấy ví dụ, mới đây Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất mất bằng lái xe phải thi lại, đó là đề xuất vô cùng lạc hậu trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện cơ sở dữ liệu cư dân toàn quốc và khi công nghệ đang phát triển như vũ bão, chỉ cần nhấp chuột là mọi dữ liệu đều có thể nắm bắt để phục vụ việc quản lý… thì những đề xuất như thế rõ ràng là khó được người dân chấp nhận.

Trong năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, gồm 26 văn bản của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh. Trong đó, có 85 văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực kinh tế (gồm 10 văn bản của bộ, 75 văn bản của địa phương), chiếm 54%. Năm 2018, Cục Kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp qua kiểm tra đã phát hiện, kết luận kiểm tra đối với 84 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung (27 văn bản cấp bộ và 57 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh). Tính đến cuối tháng 12-2018, có 52/84 văn bản đã được xử lý; vẫn còn 32 văn bản chưa xử lý, trong đó có 21 văn bản trong thời hạn xử lý.

Như vậy, hiện vẫn còn khá nhiều văn bản QPPL ban hành trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Cần phải kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3-2019. Việc rà soát các văn bản quy phạm phát luật theo chỉ đạo của Thủ tướng phải cải cách thực chất, những điều kiện, thủ tục đã cắt bỏ phải áp dụng thực chất, công bố cụ thể cho người dân, doanh nghiệp biết. Phải triệt để loại bỏ tham nhũng vặt, lợi ích nhóm cài cắm trong chính sách, thủ tục…

Rõ ràng, chất lượng văn bản QPPL không bảo đảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, hoạt động của người dân, doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trong các lĩnh vực liên quan. Để nâng cao chất lượng văn bản QPPL, nhiều chuyên gia đề nghị cần tập trung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng và thi hành văn bản QPPL. Những vấn đề cấp thiết của đời sống, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, việc đánh giá tác động trong quá trình xây dựng chính sách là rất cần thiết…

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên