Cần sửa đổi luật để diệt tận gốc vấn nạn tín dụng “đen”!

Cập nhật: 02-11-2011 | 00:00:00

Lâu nay, tại các khu dân cư, chợ, quán cà phê khắp hang cùng ngõ hẻm... hoạt động tín dụng “đen” vẫn âm thầm diễn ra và mọi người không còn lạ lẫm với các đường dây tín dụng “đen” này. Nhiều đường dây, tổ chức hoạt động tín dụng “đen” núp bóng dưới hình thức cầm đồ, kinh doanh bất động sản, dịch vụ đáo nợ ngân hàng... Nhiều người buôn bán, kinh doanh do cần vốn nhanh thường tìm đến các tổ chức tín dụng “đen”, chấp nhận LS cao, chấp nhận “luật chơi” mà các đối tượng cho vay đặt ra. Để có tiền cho vay, các đường dây, tổ chức tín dụng “đen” sẵn sàng huy động vốn từ người khác với LS cao ngất ngưởng so với LS ngân hàng. 

Về lý thuyết, trường hợp con nợ không chịu trả tiền, chủ nợ phải có đơn khởi kiện ra tòa theo trình tự tố tụng dân sự. Song cách thức này ít khi được các chủ nợ thực hiện, bởi các chủ nợ cho vay nặng lãi có biện pháp đơn giản hơn là thuê người đi đòi nợ. Thông thường thì các chủ nợ chấp nhận trả công hậu hĩnh cho các đối tượng đòi nợ. Bị “ma lực” đồng tiền hấp dẫn, các đối tượng đòi nợ sẽ dùng mọi thủ đoạn để đòi được nợ. Thực tế cho thấy, các đối tượng lưu manh, côn đồ hoạt động đòi nợ hết sức manh động, coi thường pháp luật. Đây chính là nguyên nhân gia tăng tội phạm hình sự, hình thành các băng nhóm đòi nợ với sự tham gia của các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự; gây mất an ninh trật tự xã hội.

Trả lời câu hỏi vì sao tình trạng huy động lãi cao và cho vay nặng lãi vẫn có đất sống, ngoài các căn nguyên về kinh tế, phải chăng do hiện nay các quy định của pháp luật chưa có hay chưa đủ sức răn đe? Rà soát lại các quy định của pháp luật cho đến thời điểm này, duy nhất chỉ có Bộ luật Hình sự (BLHS) là có quy định tội cho vay lãi nặng. Dẫu vậy, theo quy định tại điều 163 của BLHS thì chỉ khi cho vay với LS gấp 10 lần LS cao nhất do Ngân hàng Nhà nước quy định và phải có tính chất chuyên bóc lột thì mới bị truy tố, nhưng hình phạt cũng thuộc loại nhẹ nhất trong số các loại tội phạm của bộ luật này! Ngoài quy định của BLHS, tính đến nay chưa hề có văn bản nào quy định xử phạt hành chính các đối tượng cho vay nặng lãi hoặc huy động vốn với LS cao. Ngay cả Nghị định 202/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng và Nghị định 95/2011/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 202 cũng không áp dụng cho đối tượng là cá nhân cho vay nặng lãi hay huy động vốn LS cao.

Có lẽ vì vậy mà thời gian qua ngành chức năng chưa phanh phui được những đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi, ngoại trừ những trường hợp có dính đến yếu tố xã hội đen! Để diệt tận gốc vấn nạn tín dụng “đen” đang hoành hành, cần nhanh chóng sửa đổi luật hoặc bổ sung các quy định về xử phạt hành chính và xử lý hình sự để chế tài hành vi cho vay hoặc huy động vốn với LS cao.Lê Quang
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên