Cần thiết thành lập lực lượng “Phản ứng nhanh xử lý giao thông”

Cập nhật: 26-11-2020 | 09:59:10

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại cuộc họp nhằm giải quyết một số vấn đề về giao thông được Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh tổ chức vào trung tuần tháng 11 vừa qua.


Các lực lượng được huy động hỗ trợ tham gia giữ gìn an toàn giao thông trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một

Phản ứng nhanh để tránh kẹt xe

Trước tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh có diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là tình trạng kẹt xe ở các giao lộ, khu vực trọng điểm, 2 tuần liên tiếp trong tháng 11, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, trưởng Ban ATGT tỉnh đã chủ trì hai cuộc họp nhằm nghe các địa phương báo cáo tình hình, các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên. Ngoài các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng thì việc kiện toàn Ban ATGT của các địa phương cũng được nêu lên, trong đó đáng chú ý là việc cần thiết phải thành lập lực lượng “Phản ứng nhanh xử lý giao thông” nhằm hỗ trợ cảnh sát giao thông phân luồng, điều tiết và xử lý tai nạn giao thông để tránh ùn tắc cục bộ, đặc biệt là khi xảy ra các tình huống giao thông bất ngờ.

Theo ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh, để tăng cường thực hiện các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông, Ban ATGT tỉnh đề xuất thành lập mô hình tạm gọi là “Đội phản ứng nhanh khắc phục sự cố giao thông” ở các huyện, thị, thành phố. Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ để hỗ trợ di dời nhanh chóng phương tiện bị sự cố hư hỏng trên đường có nguy cơ gây ùn tắc giao thông; hỗ trợ cấp cứu người bị tai nạn giao thông; phối hợp bảo vệ hiện trường, điều tiết giao thông khi xảy ra TNGT. Lực lượng này làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và duy trì ứng trực hoạt động 24/24 giờ. Bảo đảm tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời, nhanh nhất để hỗ trợ khắc phục sự cố giao thông. Lực lượng nòng cốt là cảnh sát phản ứng nhanh (113) và lực lượng phối hợp tại chỗ gồm công an, dân phòng, bảo vệ dân phố.

Cũng theo ông Trần Bá Luận, UBND cấp huyện căn cứ tình hình, thực trạng giao thông trên địa bàn để tổ chức thành lập thí điểm mô hình này, có quy chế hoạt động và quy định cụ thể về số lượng nhân sự; đưa vào hoạt động vào đầu quý 1-2021. Đưa nội dung báo cáo kết quả hoạt động của lực lượng này vào nội dung báo cáo tình hình trật tự ATGT của địa phương định kỳ hàng tháng, quý, năm theo quy định.

Huy động nhiều lực lượng tham gia

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng trước yêu cầu phải tăng cường lực lượng tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, Công an tỉnh đã xây dựng đề án thành lập lực lượng 113 bán chuyên trách, đến nay có 181 đồng chí được bố trí ở các huyện, thị. Lực lượng này do trưởng công an cấp huyện chỉ đạo hỗ trợ cảnh sát trật tự, giao thông tham gia bảo vệ an toàn giao thông, trật tự đô thị... và đã phát huy được hiệu quả. Đại tá Trần Văn Chính đề nghị huy động lực lượng 113 bán chuyên trách tham gia đội phản ứng nhanh xử lý giao thông để phát huy thế mạnh.

Ý kiến về việc thành lập lực lượng này, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho rằng là cần thiết nhưng phải bài bản, phù hợp với quy định của pháp luật. Theo ông Tâm, mỗi khi trên địa bàn TP.Thuận An có sự cố giao thông, trong khi cảnh sát giao thông chưa đến nơi kịp hoặc không đủ lực lượng thì phải huy động các lực lượng tại chỗ như công an phường, bảo vệ dân phố cùng hỗ trợ xử lý.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp ngày 13-11, ông Nguyễn Hoàng Thao thống nhất xây dựng mô hình tạm gọi là “Phản ứng nhanh xử lý giao thông”; đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng xây dựng cơ chế hoạt động của mô hình để trình HĐND tỉnh thông qua. Ông Nguyễn Hoàng Thao cũng đồng ý với phương án huy động lực lượng 113 bán chuyên trách cấp huyện tham gia vào mô hình này để giải quyết tình hình giao thông hiện nay, bảo đảm đường sá thông suốt, góp phần cho sự phát triển của địa phương.

Kiện toàn Ban ATGT

Tại cuộc họp vào ngày 13-11, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị phải kiện toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm, vị trí của Ban ATGT từ tỉnh đến cấp huyện. Theo đó một số đơn vị có chức năng, trách nhiệm khá quan trọng thì cơ cấu cấp trưởng vào Ban ATGT cấp tỉnh. Trong khi đó ở cấp huyện duy trì mô hình trưởng Ban ATGT là Chủ tịch UBND; Phó Chủ tịch UBND hoặc trưởng công an cấp huyện là phó trưởng ban thường trực hoặc phó ban, tùy theo tình hình trật tự giao thông ở từng địa phương.

 L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên