Cẩn trọng với thông tin trứng gà giả

Cập nhật: 30-12-2010 | 00:00:00

Thông tin liên quan đến loại trứng gà nhân tạo được sản xuất theo công nghệ mới tại Trung Quốc đang khiến dư luận hoang mang trong mấy ngày qua, bởi trứng gà có nguồn gốc từ Trung Quốc đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam.

Ngay sau khi các tờ báo đưa tin về một số công ty tại Trung Quốc công khai quảng cáo công nghệ mới sản xuất trứng gà giả trên mạng internet, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP - Bộ Y tế lên tiếng khẳng định, Việt Nam chưa phát hiện trứng gà giả như mô tả theo công nghệ này. Tuy vậy, ông Nguyễn Công Khẩn vẫn tỏ ra khá thận trọng và cho rằng, các cơ quan chức năng không thể chủ quan và sẽ tiến hành xác minh thêm trong thời gian tới.

Cần lựa chọn mua trứng gà có nguồn gốc, xuất xứ

Tương tự, GS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, người dân không nên quá hoang mang bởi đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin trứng gà giả hay trứng gà Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Ở các đợt kiểm tra trước đây cho thấy, tại Hà Nội hiện có khoảng 13-15 triệu con gà, trung bình mỗi ngày cung cấp khoảng 6 triệu quả trứng cho thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trứng gà là mặt hàng không để lâu được nên lượng trứng gà từ Trung Quốc nhập lậu về Hà Nội là khá hạn chế… Dù vậy, Hà Nội là một thị trường lớn nên cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh thông tin nói trên, đồng thời kiểm tra trứng gà trên thị trường, lấy mẫu kiểm nghiệm để xem có phát hiện loại trứng gà giả được bày bán hay không.

Hơn nữa, khi trứng gà đã bày bán trên thị trường thì rất khó phân biệt được đâu là trứng gà công nghiệp trong nước và đâu là trứng nhập lậu. Do đó, chúng ta không nên quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan với các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ nói chung, mặt hàng trứng gà nói riêng. Mới đây, ngành y tế cũng đã triển khai đợt kiểm tra quyết liệt đối với mặt hàng gia vị, sa tế lẩu Tứ Xuyên của Trung Quốc sau khi tại Trung Quốc có thông tin loại gia vị này có nguy cơ gây ung thư.

Ông Tuấn nhấn mạnh, kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện, do đó không chỉ mặt hàng trứng gia cầm mà tất cả các mặt hàng thực phẩm khác đều phải có đầy đủ các điều kiện VSATTP mới được kinh doanh. Về phía người dân chỉ nên mua ở những cơ sở kinh doanh trứng đã công bố đủ điều kiện, đã đóng mác, đóng vỉ và có dấu kiểm định của cửa hàng hay các cơ quan chức năng. Không nên mua trứng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y.

Cũng trong buổi làm việc này, GS.TS Lê Anh Tuấn cho biết, sau khi Báo ANTĐ có bài phản ánh về hiện tượng bùng nổ dịch vụ massage bằng “cá bác sĩ” trên địa bàn Hà Nội trong thời gian gần đây, Sở Y tế đã đề nghị các quận, huyện trên địa bàn đề nghị tiến hành kiểm tra liên ngành các cơ sở, điểm cung cấp dịch vụ này.

Theo đó, các loại hình dịch vụ massge nằm trong danh mục dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Bộ Y tế chỉ gồm các loại hình massage bằng người (xông hơi, bấm huyệt…) hoặc một số máy massage chứ hoàn toàn không có loại hình massage bằng cá. Ngành y tế cũng không cấp phép cho bất cứ cơ sở massage cá nào, nhất là massage bằng “cá bác sĩ” có tác dụng chữa bệnh. Việc các cơ sở massage treo biển hay quảng cáo dịch vụ massage cá có tác dụng chữa bệnh là trái quy định của pháp luật.

Theo ANTĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên