Cảnh báo bệnh mùa nóng ở trẻ

Cập nhật: 09-05-2012 | 00:00:00

Vào mùa hè nóng nực, việc phòng bệnh chủ yếu là nhờ cung cấp đủ nước uống, vitamine, khoáng chất và có một chế độ ăn cân đối, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chống muỗi, giữ vệ sinh thân thể, quần áo thoáng mát, tránh dùng thức ăn đồ uống quá lạnh và sử dụng máy lạnh, quạt hợp lý cũng giúp chống được nhiều bệnh tật cho trẻ em cũng như cho cả gia đình. Những bệnh nào đã có thuốc chủng ngừa thì nên dùng cho trẻ để chủ động phòng tránh trước. Khi trẻ bị bệnh, trẻ cần được theo dõi kỹ, vẫn cho trẻ ăn uống đầy đủ và có chế độ ăn thích hợp với bệnh, cho trẻ đi khám bác sĩ sớm và tái khám đúng hẹn để việc điều trị có kết quả nhất.  Việc thực hiện tốt các nguyên tắc vệ sinh ăn uống còn là cách dự phòng hữu hiệu viêm não do các virut đường ruột gây nên

Đừng uống nước đá quá lạnh

Trời nóng nực làm người khó chịu, mất nhiều mồ hôi gây ra khát, để giải nhiệt thì mọi người có xu hướng dùng nước đá thật lạnh cho đã. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân làm cho siêu vi và vi trùng ở vùng hầu họng phát triển gây viêm hô hấp trên, sốt siêu vi có hay không kèm phát ban. Trẻ sốt, ho, sổ mũi và có thể xuất hiện ban đỏ lúc đầu ở mặt, sau lan xuống bụng, rồi chân tay. Trẻ cũng có thể diễn tiến đến viêm phế quản.

Ho là triệu chứng chủ yếu thường gặp, lúc đầu trẻ bị ho khan, ho từng cơn và thường ho vào ban đêm, sau đó có sốt nhẹ, trẻ lớn có thể thấy đau ngực. Bệnh viêm phế quản cấp là bệnh nhẹ nhưng hay mắc phải, đa số bệnh khỏi sau một tuần bệnh, có thể tái phát và cũng có thể diễn tiến đến viêm phổi, hay gây ra viêm tai giữa. Ngoài nước và thức ăn lạnh, việc sử dụng máy lạnh quá lạnh, dùng quạt thốc thẳng vào người, thay đổi nhiệt độ đột ngột từ bên ngoài trời quá nóng đến vào trong phòng quá lạnh cũng là nguyên nhân gây bệnh. Máy lạnh cũng làm cơ thể mất nước nhiều hơn.

Để phòng chống các bệnh lý đường hô hấp này, chúng ta phải hạn chế uống nước đá quá lạnh, nếu quá khát và nóng thì hãy dùng một ít nước lọc để mát và pha thêm nước thường để bớt độ lạnh hơn. Không nên để máy lạnh quá lạnh, phải thay đổi nhiệt độ trong phòng dần dần để cơ thể thích nghi. Để quạt xoay chứ không đứng yên một chỗ và thốc thẳng vào người. Cũng cần chú ý bù đủ nước mất cho cơ thể, cung cấp nhiều vitamine từ trái cây, rau tươi để tăng cường sức đề kháng. Nếu ra quá nhiều mồ hôi thì có thể phải bù lại lượng khoáng để cơ thể đỡ mệt bằng nước giải khát có khoáng (thường sử dụng sau khi tập thể thao) hay một cốc chanh muối. Cần hạn chế các loại nước ngọt vì làm khát hơn và dễ viêm họng. Với trẻ nhỏ cũng không nên sử dụng các loại nước mát có tính lợi tiểu cao vì làm cho trẻ mất nước nhiều hơn, mà khi khát trẻ nhỏ chưa biết tự cung cấp nước uống cho bản thân.

Lưu ý thức ăn

Thời tiết mùa hè là điều kiện để vi khuẩn hoạt động mạnh khiến thức ăn nhanh chóng bị ôi thiu và gây ra ngộ độc thức ăn, độc tố của vi khuẩn trong thức ăn sẽ phát tác trong khoảng từ 12 - 36 giờ và các triệu chứng gồm buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Vi khuẩn E.coli, tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm thường có nhiều trong nước uống, rau sống, thịt nhiễm khuẩn. Ngoài ra trẻ còn có thể bị tiêu chảy do virus hay nhiễm trùng tiêu hóa do tả, lỵ, thương hàn...

Khi tiêu chảy hay nôn ói, việc bù đủ lượng nước mất đi là rất quan trọng, cho trẻ uống dung dịch oresol bằng thìa, uống chậm sẽ hiệu quả, trong trường hợp bị nặng, trẻ khát nước nhiều, nôn ói nhiều, không uống được, mệt hay phân có máu thì nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Trẻ em và người già rất hay bị viêm nhiễm do có sức đề kháng yếu, nhất là khi họ đang bị tổn thương hoặc mắc bệnh nào đó thì nguy cơ nhiễm vi khuẩn càng cao. Bảo đảm thực phẩm an toàn là điều rất quan trọng, đồng thời phải hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, không nên đưa họ tới bệnh viện hay chỗ đông người khi không thực sự cần thiết, hạn chế tiếp xúc với các nhà vệ sinh công cộng.

Phòng bệnh tiêu chảy, nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 4 - 6 tháng đầu để trẻ có các kháng thể bảo vệ từ mẹ. Cung cấp cho trẻ các loại vitamine và các loại nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt, đồng, acid folic... Và quan trọng hơn cả là khi chế biến thức ăn cho trẻ, các bậc cha mẹ phải chú ý tới việc chế biến, việc bảo quản thức ăn và nguồn nước phải được bảo đảm vệ sinh.

Mùa hè cũng là mùa của các bệnh do virus, trong đó phải kể đến viêm não và sốt xuất huyết. Viêm não virut là một tình trạng viêm cấp tính ở não và tủy sống. Có nhiều loại virut gây ra những dấu hiệu và triệu chứng, nhưng khác nhau về mức độ nặng nhẹ và sự tiến triển, tuy nhiên trẻ cần được khám và theo dõi bởi bác sĩ. Biện pháp điều trị chủ yếu hiện nay là điều trị triệu chứng và chăm sóc tích cực.

BS.CK2 NGUYỄN THỊ THU HẬU

(Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2, TP.HCM)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên