Cánh đồng “khát”

Cập nhật: 14-10-2010 | 00:00:00

Trở lại cánh đồng, nơi một thời gắn bó với cuộc đời người nông dân xóm Bưng lam lũ, chưa đầy 10 năm mà sắc xanh mướt mát mắt ngày nào giờ trở nên khô cằn, hoang hóa. Cùng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, những năm gần đây nông dân bắt đầu bỏ ruộng, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần. Ruộng hoang xóm Bưng giờ vắng bóng những chiếc áo chàm…

Ông Tư xóm Bưng kể chuyện ngày xưa cả xóm đi “mần” ruộng thay “công” vui biết mấy, giờ đồng ruộng bỏ hoang đến là tội. Thi thoảng, người ta thấy bóng dáng đôi vợ chồng “thất thập cổ lai” lăm lăm “tay liềm tay cuốc” như những đốm đen mờ nhạt, loa lóa giữa cánh đồng nắng gắt. Đó là những người nông dân ít ỏi còn sót lại của xóm Bưng ngày nay…

Nông dân bỏ ruộng, vì sao?

Một buổi sáng trung tuần tháng 9, con hẻm ngoằn nghèo khu phố 7 vô tình đưa tôi trở lại xóm Bưng, phường Phú Thọ, vùng đất “bán đô thị” thuộc TX.TDM. Đi hết con đường đất ngoằn nghèo, đập vào mắt tôi là cánh đồng thênh thang, cảnh tượng hiếm thấy giữa một vùng đô thị đua tranh, nhốn nháo. Ruộng rộng, đất khô và…cỏ tươi tốt đúng nghĩa “cánh đồng hoang” như tôi biết. Diện tích khoảng 16 ha kéo dài từ suối Nhỏ đầu đường Lê Hồng Phong đến suối Cát trên Đại lộ Bình Dương, phía Đông Nam tiếp giáp thị trấn An Thạnh (Thuận An). Chú Chín Khang, một trong những hộ dân có ruộng bỏ hoang dắt tôi dạo quanh khu ruộng mà gia đình chú một thời lam lũ. Bỏ làm nông đã lâu nhưng được nhắc lại quá khứ, ánh mắt chú sáng lên sự hồ hởi đến lạ, cứ như thể người ta nhớ về “quá khứ vàng son” của thời trai trẻ. “Một lý do đơn giản, có ruộng nhưng không có người làm. Xóm này bỏ ruộng để hoang là vì vậy. Tôi cũng bỏ làm ruộng lâu rồi, giờ ở nhà phụ vợ buôn bán”, Chú Chín lắc đầu ngao ngán khi được hỏi lý do vì sao bỏ cái danh “nông dân chính gốc” như vậy. Tìm hiểu, tôi biết chú có hai con trai, đứa đầu 20 tuổi học nghề rồi ra làm điện lạnh, đứa út vẫn đi học. Thế nhưng, dù có đi học hay đi làm, chú khẳng định “chúng nó cũng không theo nghề nông đâu”.

 

Thiếu công làm, ruộng bỏ hoang

Khu ruộng xóm Bưng trước thuộc sở hữu của hàng chục hộ dân, dần dà chỉ còn 7 hộ. Thiếu công làm, không “kham” nổi kinh tế gia đình, một số bà con đua nhau bán ruộng với giá “bèo” cho cò đất, số khác chuyển thổ cư, xây nhà khiến đất ruộng hẹp dần. Ông Tư Sớt chia sẻ: “Thanh niên xóm này giờ bỏ ruộng đi làm xí nghiệp. Còn lại những người già ở nhà trông cháu chứ làm gì nổi”. Câu hỏi “tại sao nông dân bỏ ruộng?” có lẽ cũng đơn giản như cách trò chuyện mộc mạc của nông dân . Bà Võ Thị Huệ, con gái ông Tư Sớt tỏ vẻ chán ngán: “Phải có ăn thì người ta mới làm, chứ đằng này thất mùa, thu nhập thấp thì thanh niên nào dám theo nghề. Chị em tôi sức này chỉ nhận hạt điều về nhà làm kiếm thêm chút đỉnh chứ không dám ra đồng”. Nói về chuyện thiếu công, bà Năm Hùng một hộ dân tổ 10 khu 7 giải thích: “Trồng lúa hay hoa màu thì phải tích cực làm trong một ngày, có khi thấy trời âm u phải tranh thủ làm cho xong trong buổi trưa chứ để mưa là hư đất. Một buổi sáng mà nào là cày, vón, xạ, vét mượng,…phải có đủ công mới xong. Thiếu công, đi thuê thì còn gì mà ăn?”

Cây lúa, củ sắn vẫn chưa no?

Lúa được sạ hai vụ mỗi năm là đông xuân và hè thu. Nếu đất khô, tốt trong một năm bà con có thể trồng xen hoa màu như củ sắn, đậu phộng, rau cải để kiếm thêm thu nhập. Rằm tháng giêng, du khách hành hương đi lễ chùa bà Thiên Hậu trên tuyến Đại Lộ Bình Dương, CMT8, ĐT745 lúc về không quên mua chùm củ sắn bày bán rải rác hai bên đường để lấy lộc. Hiển nhiên, ở xóm Bưng nghề trồng củ sắn có giá trị kinh tế hơn hẳn các loại hoa màu khác. Mới chớm rằm, các lái buôn, chủ hàng vội vã đến ruộng gom củ sắn. Chú Chín Khang kể ngày còn khỏe, một mình chú quần quật với hơn 2000m2 ruộng vừa trồng lúa vừa trồng sắn nuôi cả nhà. “Giờ già tôi ham lắm mà làm không nổi”, chú tiếc nuối.

Tuổi “thất thập cổ lai” ông bà Tư Sớt là một trong những nông dân ít ỏi còn lại của xóm Bưng

Bà Huệ, bà Lan nhận hạt điều về gia công “chứ không đủ sức ra đồng”

Trong số 7 hộ có ruộng, hiện chỉ có hộ ông Nguyễn Văn Sớt, tức Tư Sớt và hộ bà Nguyễn Thị Bông vẫn bám trụ với nghề nông. Để giảm chi phí mua hạt giống, gia đình bà Bông tự trồng giàn lấy hạt. Cuối mỗi vụ sắn, bà giữ lại những củ hành (củ sắn tròn, ngọt - PV) treo khô. Sau một tháng, củ nảy mầm được gieo xuống đất trồng thành giàn cho ra trái dài, dẹp. Trung bình quá trình trồng giàn lấy giống như vậy mất khoảng 6 tháng, cộng vụ sắn 3 tháng cũng đã “ngốn” hết 9 tháng lao động. Vợ chồng ông Tư Sớt năm nay ngoài 70 nhưng xem chừng nhờ lao động chân tay mà sức còn rất khỏe. Vác bao lúa trên đôi vai gầy guộc, bà Tư vui vẻ trò chuyện: “Gia đình bà nhiều đời “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” vẫn không khá được. Thiếu công, mỗi năm chỉ trồng mỗi một vụ lúa và một vụ sắn. Vụ lúa năm ngoái thu được 10 bao nhà để dành ăn. Vậy mà có lúc ổng phải xách thúng ra tiệm mua gạo vì lúa hết “bất tử””. Còn vụ sắn, ông Tư tặc lưỡi “Giá hạt giống lên cao, phải mua thuốc diệt cỏ, diêm (ure) và thuê người cày đất thành ra cuối năm thu không được là bao. Củ sắn thì bán được, người ta chuộng lắm nhưng năm nào củ đẹp, ngọt bán mới có giá. Có năm tôi bán tới 3000 đồng/kg, mùa thất bát “xả” 200 đồng/kg cũng không chủ hàng nào ghé nhổ…”. Theo bà Tư thì trồng củ sắn cũng tùy hên xui, mà quan trọng nhất là phải có công.

Hầu hết bà con đều cho biết lợi ích kinh tế từ việc trồng củ sắn mang lại là khá cao nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để kéo nông dân trở về với ruộng. Thanh thiếu niên, thế hệ thứ ba, thứ tư không còn mặn mà với nghề nông. Nhiều gia đình bán ruộng cho “cò” giá chưa tới 600.000 đồng/m2 để lấy tiền nuôi con ăn học, mong con thoát kiếp làm nông “một nắng hai sương” như cha mẹ chúng.

Trở lại mảnh ruộng của xóm Bưng, mùa này vẫn còn “hiu quạnh” vì bà Bông và ông bà Tư Sớt chưa ra đồng. Liền kề ruộng họ những mảnh ruộng vắng chủ khác cỏ mọc xanh um, có nơi khô cằn đến mức tội nghiệp bởi thiếu bàn tay của con người cày cấy. Trước xu hướng bán đất giá rẻ, cơn lốc quy hoạch cũng làm nhiều hộ phân vân: Liệu công trình nào sẽ  mọc trên khu đất ruộng này hay chỉ chỉ là cánh đồng khô khát đã được các cá nhân, doanh nghiệp “mua sào bán m” kiểu đầu cơ trục lợi? Đô thị hóa khiến nông dân mất lòng tin với nghề nông; có người bán đất để chuyển đổi nghề, có người cay cú tiếc thương cho một thế hệ làm nông nay đã “sức cùng lực kiệt”.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên