Cảnh giác nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm

Cập nhật: 07-12-2010 | 00:00:00

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Diệp Kỉnh Tần lưu ý, sự gia tăng về giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm lớn khi dịp Tết Nguyên đán sắp đến và thời tiết cuối năm lạnh, ẩm sẽ là điều kiện để dịch cúm gia cầm tái phát và lây lan nhanh.

 

Chiều 7-12, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC), Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đề nghị, Cục Thú y cần chỉ đạo quyết liệt, tập trung xử lý dứt điểm, không để lây lan dịch, nhất là trong giai đoạn “năm hết Tết đến”.

 

Chủ động phòng chống dịch

 

Trong 3 tuần qua, dịch đã xuất hiện ở 3 tỉnh là Nam Định, Nghệ An, Cà Mau. Gia cầm mắc bệnh tại các hộ ở Nam Định, Nghệ An đều đã được tiêu hủy. Cà Mau là tỉnh mới nhất xuất hiện dịch cúm gia cầm vào ngày 3-12 vừa qua tại 3 hộ gia đình thuộc ấp Nhà Diệu, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Hiện địa phương đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

 

 Tiêu hủy gà nhiễm cúm

Như vậy tổng số đàn gia cầm mắc bệnh hiện nay khoảng trên 2.500 con, tất cả đều đã được khoanh vùng và tiêu hủy.

 

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), dịch cúm gia cầm xảy ra tại 3 tỉnh trên báo hiệu đợt dịch mới. Từ kết quả giám sát của Dự án Thu thập số liệu cho việc chuyển đổi chiến lược tiêm phòng cúm gia cầm độc lực cao H5N1 ở Việt Nam (GETS), tỷ lệ đàn vịt có lưu hành virus cúm gia cầm trung bình là 4,2%, nguy cơ dịch tiếp tục xuất hiện tại các địa phương là rất cao. Điều đó cho thấy có thể xảy ra dịch bất kỳ lúc nào.

 

Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do virus cúm gia cầm vẫn đang lưu hành trong đàn thủy cầm chưa tiêm phòng; thời tiết lạnh và diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của gia cầm, tạo thuận lợi cho virus tồn tại, phát triển và lây lan; ngoài ra còn do hoạt động chăn nuôi gia cầm tăng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

 

Tiêm phòng đầy đủ có ý nghĩa quyết định

 

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mặc dù từ năm 2009 đến nay về cơ bản dịch đã được khống chế và hiện nay, dịch mới chỉ xuất hiện trên phạm vi hẹp nhưng nguy cơ từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn rất cao, do đó không thể chủ quan và cần nhắc nhở người chăn nuôi và tiêu dùng chủ động phòng chống.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, đây cũng là thời điểm phải tập trung chỉ đạo tiêm phòng đạt tỷ lệ cao nhất. Nguy cơ tái phát dịch thường ở đàn gia cầm từ 100 – 200 con vì vệ sinh thú y kém, tiêm phòng chưa được chú trọng..

 

Trước diễn biến trên, vừa qua Bộ NNPTNT đã liên tiếp tổ chức 2 cuộc họp quan trọng nhằm chỉ đạo phòng chống dịch một cách quyết liệt tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Chỉ trong vòng tháng 11, đã có 11 chỉ thị của Bộ tập trung vào phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm.

 

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng lưu ý ĐBSCL, ĐBSH là hai vùng có tỷ lệ dịch cao. Đặc biệt là Cà Mau luôn là tỉnh đầu tiên xuất hiện dịch và từ đó lây lan đi các nơi. Do đó, Cục Thú y cần chỉ đạo quyết liệt Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau tập trung xử lý dứt điểm bởi đây là giai đoạn các tỉnh ĐBSCL trong đó có Cà Mau bắt đầu thu hoạch lúa mùa, vịt chạy đồng, là điều kiện cho dịch dễ lây lan cao. Các cơ quan báo chí cần tuyên truyền nhiều hơn nhằm nâng cao ý thức của người dân.

 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần yêu cầu cần xem xét và làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo ở các địa phương có điều kiện thuận lợi hơn trong phòng chống dịch nhưng năm nào cũng để dịch bệnh xảy ra. Thậm chí có tình trạng vaccine cấp cho một số tỉnh không được sử dụng, để hết hạn. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần giao Cục Thú y phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh khảo sát, nắm chắc vấn đề, tìm rõ nguyên nhân từ đâu để có biện pháp xử lý triệt để.

 

Đối với dịch lở mồm long móng, trong 3 tuần qua, dịch phát sinh thêm tại 8 tỉnh, nâng số tỉnh có dịch trên cả nước là 12 tỉnh. Dịch xuất hiện ở hai khu vực chính là các tỉnh miền núi phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Bắc Ninh) và khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi).

 

Theo nhận định của Cục Thú y, dịch xuất hiện tại hai khu vực trên trong cùng một khoảng thời gian cho thấy dịch có dấu hiệu lây lan do các hoạt động vận chuyển gia súc bất hợp pháp mang mầm bệnh làm xuất hiện dịch..

 

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do tỷ lệ tiêm phòng quá thấp. Trong đó, hai tỉnh năm nào cũng có tên là Sơn La và Nghệ An. Nếu tiêm đầy đủ vaccine thì sẽ khống chế được 100% dịch lở mồm long móng.

 

Riêng với dịch lợn tai xanh, hiện nay dịch cơ bản đã được khống chế trên phạm vi cả nước, chỉ còn 2 tỉnh là Đắk Lắk và Cà Mau có dịch. Cục Thú y nhận định, trong vài tuần tới sẽ khống chế được dịch lợn tai xanh.

 

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên