Cảnh giác với thủ đoạn làm giấy tờ giả ngày càng tinh vi

Cập nhật: 01-12-2018 | 16:08:07

Gần đây, tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Hành vi này không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của cơ quan, tổ chức mà còn xâm hại đến quyền lợi và đời sống của người dân. Với quyết tâm không để loại tội phạm này gây mất an ninh trật tự (ANTT), công an (CA) các địa phương đã chủ động triệt xóa nhiều đường dây làm giấy tờ giả.

Là địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp, Bình Dương đã thu hút hàng trăm ngàn lao động đến làm việc và sinh sống. Một số người vì muốn thuận lợi cho quá trình xin việc cũng như “thăng tiến” trong công việc nên đã tìm đến các dịch vụ làm bằng cấp giả. Bên cạnh đó, một số đối tượng còn nảy sinh ý định sử dụng giấy tờ giả nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Nắm bắt được “thị trường” tiềm năng này, một số đối tượng am hiểu về công nghệ máy tính đã “đầu tư” máy móc để “sản xuất” bằng cấp giả bán cho người có nhu cầu.

Công an TX.Thuận An thu giữ số lượng lớn bằng giả trong đường dây làm giấy tờ giả do Quách Đức Toàn cầm đầu

Đáng nói là hành vi này không những vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức và quyền lợi của người dân. Với quyết tâm không để loại tội phạm này gây mất ANTT, CA các địa phương đã triệt xóa nhiều đường dây làm giấy tờ giả, bắt giữ nhiều đối tượng, thu giữ một số lượng lớn các giấy tờ như bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, giấy khai sinh, giấy phép lái xe…

Điển hình mới đây, CA TX.Thuận An đã phát hiện và bắt giữ 2 đối tượng “sản xuất” giấy tờ giả. Theo điều tra của CA TX.Thuận An, thông qua mạng xã hội, Đinh Văn Huân biết nhiều người muốn có “bằng cấp” để thuận lợi cho việc đi làm nhưng ngại đi học nên nảy sinh ý định “sản xuất” bằng giả để bán. Để thực hiện ý định trên, Huân thuê phòng trọ ở phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An để làm bằng giả. Huân vào mạng xã hội và tìm được đối tượng tên Tùng (không rõ lai lịch) để mua công cụ, phương tiện làm bằng cấp giả. Qua trao đổi, Huân mua của Tùng 93 con dấu cùng bộ dữ liệu hình ảnh phôi bằng cấp 3, đại học, cao đẳng…

Sau khi “đầu tư” xong, Huân rao thông tin nhận làm bằng giả trên mạng xã hội Zalo kèm theo số điện thoại của bản thân. Để mở rộng thêm “thị trường”, Huân kết bạn trên Zalo với tài khoản tên Trịnh Xuân Bảy, cũng là người đang đăng thông tin nhận làm bằng cấp giả với mục đích “hợp tác” bán bằng cấp giả. Sau đó, Huân và Bảy đã liên lạc với nhau và thỏa thuận cùng nhau làm bằng giả để bán kiếm lời.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 2-9, CA TX.Thuận An bắt quả tang Bảy đang cất giữ 2 bằng tốt nghiệp trung học, 9 bản sao y, 4 giấy phép lái xe hạng A1, 2 giấy chứng minh nhân dân và một giấy chứng nhận kết quả học tập. Tất cả số giấy tờ trên đều là giả. Từ lời khai của Bảy, CA TX.Thuận An xác định được lai lịch của Đinh Văn Huân. Tiến hành khám xét nơi tạm trú của Huân tại phường Bình Chuẩn, CA TX.Thuận An cùng lực lượng chức năng thu giữ 93 con dấu giả cùng nhiều phương tiện và giấy tờ giả khác. Tính đến thời điểm bị phát hiện, CA TX.Thuận An xác định Huân cùng Bảy đã làm 30 bằng cấp giả cùng các giấy tờ khác.

Trước đó, CA TX.Thuận An đã triệt xóa đường dây làm giấy tờ giả liên tỉnh. Vào ngày 11- 7, CA TX.Thuận An tiếp nhận tin báo của CA phường Bình Chuẩn về việc Phòng Cảnh sát cơ động CA tỉnh bàn giao đối tượng Danh Phận (SN 1991, quê Kiên Giang) bị lực lượng Cảnh sát cơ động tuần tra phát hiện đang lưu giữ 8 bằng cấp giả.

Từ lời khai của Phận, CA TX.Thuận An tiến hành xác minh và mời Bùi Văn Mạnh (SN 1976, quê Thái Bình), Quách Đức Toàn (SN 1993, quê Thanh Hóa) về trụ sở để làm việc. Qua đấu tranh, Toàn khai nhận bắt đầu làm bằng giả từ tháng 5-2018. Khi người nào có nhu cầu đặt làm bằng giả thì liên hệ với Toàn thông qua trang web: lambang...com.vn. Sau khi nhận thông tin từ khách hàng, Toàn trực tiếp làm bằng giả. Thông qua quen biết với Mạnh, Toàn đặt vấn đề về việc Mạnh tìm “đầu ra” bằng cấp giả cho Toàn. Sau khi làm xong bằng giả, Toàn đưa cho Mạnh giao cho khách hàng với giá từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/bằng giả. Mỗi bằng giả giao cho khách hàng thành công, Mạnh được chia 500.000 đồng. Sau khi nhận lời Toàn, Mạnh gặp và thỏa thuận với Phận về việc nhận bằng giả của Toàn và Mạnh giao cho khách hàng với mức lương thỏa thuận hàng tháng là 6,5 triệu đồng.

Toàn đã giao tổng cộng cho Mạnh 60 bằng giả, chứng chỉ giả của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học, chứng chỉ học tập của nhiều tỉnh, thành thu về 150 triệu đồng. Trong đó Mạnh được Toàn chia cho 30 triệu đồng. Còn Mạnh đã giao cho Phận 40 bộ bằng giả. Phận đã giao thành công 20 bằng giả.

Ngoài ra, khám xét nơi ở của đối tượng Toàn tại quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng thu giữ 220 bằng trung cấp, cao đẳng, đại học, bản sao bằng cấp, bảng điểm, giấy chứng nhận kết quả học tập…; 180 con dấu giả các loại, hơn 1.000 phôi bìa bằng tốt nghiệp các loại, 60 học bạ; 30.600 tem bằng thể hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều dụng cụ khác được Toàn dùng vào việc “sản xuất” bằng cấp giả. Toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được CA TX.Thuận An bàn giao cho CA quận Bình Thạnh xử lý theo quy định.

Một cán bộ điều tra CA TX.Thuận An cảnh báo gần đây nổi lên tình trạng tội phạm sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi. Một trong những thủ đoạn chính của các đối tượng này là sử dụng “công nghệ” làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng), bằng mắt thường rất khó phát hiện. Sau đó, chúng rao bán “thửa đất” với “giá hời” nhằm lôi kéo người mua. Khi người nào có nhu cầu liên hệ thì chúng cho họ xem sổ hồng. Để tạo thêm lòng tin, chúng dẫn người mua đi xem “thửa đất” nhưng thật ra đối tượng chỉ cho người mua xem một khu đất bỏ hoang không thuộc quyền sử dụng của chúng. Sau khi người mua “đặt tiền cọc” thì những đối tượng này “đánh bài chuồn”. Lúc này, người mua mới tá hỏa phát hiện đã bị lừa.

Cùng với thủ đoạn này, một số đối tượng còn tìm những người cung cấp dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái để thuê xe. Sau khi làm hợp đồng thuê xe và được chủ xe tin tưởng giao giấy tờ xe, đối tượng làm giả hợp đồng với nội dung chủ xe “ủy quyền” cho đối tượng được sử dụng xe vào các mục đích như cầm cố, cho thuê lại. Sau đó, đối tượng sử dụng hợp đồng giả này cùng với giấy tờ xe mang đi cầm cố hoặc bán lấy tiền tiêu xài rồi bỏ trốn.

 NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên