Cao su khô ngọn, rụng lá có phải do khói thải từ một doanh nghiệp?

Cập nhật: 30-11-2010 | 00:00:00

Trong mấy tháng qua, hơn chục hộ dân có vườn cao su nằm tiếp giáp với Công ty Cổ phần (CTCP) gạch Đông Nam Á (ấp 9, xã Chánh Phú Hòa, Bến Cát) mất ăn mất ngủ vì sản lượng mủ thu hoạch ngày càng giảm sút, có vườn cao su cạo không có mủ vì cây cao su bị khô ngọn, rụng lá, có cây bị chết. Vì sao như vậy?

 Bức xúc của người dân

Nghe tin có phóng viên (P.V) của báo đến tác nghiệp, hơn 10 người dân đã trực tiếp đưa chúng tôi đến vườn cao su của họ để chứng kiến thực tế và trình bày nỗi bức xúc của mình. Anh Nguyễn Văn Hoàng ở ấp 9 là người có vườn cao su nằm tiếp giáp với Công ty gạch Đông Nam Á nói: “Vườn cao su của anh có diện tích 1,3ha đang thu hoạch với sản lượng rất tốt nhưng từ khi CTCP gạch Đông Nam Á đi vào hoạt động từ khoảng cuối năm 2008 thì đến đầu năm 2010, hơn 1/4 diện tích (khoảng 200 cây cao su) bắt đầu khô ngọn, rụng lá, vỏ cây sần sùi, có cây đã chết khô. Chính vì vậy nên sản lượng mủ rất thấp và đến hiện tại thì ngoài việc không có mủ để cạo mà anh còn lo vườn cây cao su sẽ không thể phục hồi vì rất nhiều cây đã khô thân chết dần. Về nguyên nhân gây ra tình trạng này, theo anh Hoàng là do khói thải than đá của CTCP gạch Đông Nam Á, bởi nếu là nguyên nhân khác thì tại sao chỉ có những khu vực giáp ranh mới bị tình trạng này còn chỗ khác thì không?...”.

  Nhiều người tập trung để bày tỏ sự bức xúc

Luật sư Trần Như Lực, Văn phòng Luật sư Thông Hữu, Đoàn Luật sư TP.HCM: Nếu có căn cứ xác định những vườn cao su của người dân bị thiệt hại là do tác động từ khí thải của CTCP Gạch Đông Nam Á thì công ty phải có trách nhiệm hỗ trợ cho người dân (nếu thương lượng được). Nếu không thương lượng được, người dân có quyền khiếu kiện lên tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 Anh Nguyễn Văn Mười cũng ngụ tại ấp 9, tỏ ra vô cùng bức xúc khi trao đổi với chúng tôi: “Vườn cao su của anh có diện tích 1,7ha đã khai thác được 5 năm nhưng từ khi CTCP gạch Đông Nam Á đi vào hoạt động thì sản lượng mủ thu hoạch ngày càng giảm sút. Đến giữa tháng 2-2010 thì tình trạng càng nghiêm trọng hơn, ngọn cao su bắt đầu khô, rụng lá, vỏ cây sần sùi, có cây chết hẳn. Trước đây anh thu hoạch mủ 1 ngày được khoảng 4 triệu đồng nhưng hiện tại chỉ còn hơn 1 triệu đồng. Về nguyên nhân, anh Mười nói ngay rằng, chắc chắn là do khói thải từ công ty gạch bởi không chỉ một mình anh mà rất nhiều hộ dân có cao su xung quanh công ty đều bị như vậy...”.

Ngoài phản ánh của anh Hoàng và anh Mười, chúng tôi còn ghi nhận những ý kiến của một số người dân khác cũng có diện tích cao su bị thiệt hại như hộ của bà Phạm Thị Tám, Trần Thị Thu... Và nguyên nhân theo những hộ dân này là do khói thải từ Công ty Gạch Đông Nam Á.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại vườn cây cao su của anh Nguyễn Văn Hoàng (nằm sát tường của CTCP gạch Đông Nam Á) tuy chưa tới mùa rụng lá nhưng vườn cây đã trơ trọi, ngọn cây thì khô héo, vỏ cây cao su sần sùi, nhiều cây đã chết khô. Đương nhiên, với hiện trạng cây cao su như vậy thì chắc chắn sẽ không thể cho mủ, dù theo anh Hoàng thì cao su của anh đang trong giai đoạn cho mủ nhiều nhất.

Vườn cây của anh Mười và một số hộ dân khác tình trạng cũng tương tự, lá thì rụng tơi tả, ngọn khô héo...

Qua trao đổi, chúng tôi ghi nhận nguyện vọng của người dân là mong muốn công ty phải bồi thường thiệt hại do khí thải của nhà máy làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vườn cao su. Bên cạnh đó, công ty phải có biện pháp hiệu quả để hạn chế khí thải hoặc di dời nhà máy đến khu vực khác để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ý kiến  của công ty

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự, CTCP gạch Đông Nam Á cho rằng, việc một phần diện tích cao su của người dân giáp ranh công ty bị rụng lá, khô ngọn, sần sùi không phải do nguyên nhân từ khí thải của nhà máy. Ông Trường trưng ra kết quả đo môi trường trong không khí do một trung tâm công nghệ hóa học và môi trường ở TP.HCM thực hiện. Theo kết quả này thì ngoài khí SO2 là cao hơn chút đỉnh so với mức cho phép, còn lại các khí thải khác đều ở mức cho phép thải ra môi trường. Bên cạnh đó, ông Trường còn cho biết công ty cũng đã có mời một chuyên gia về cao su đến để tìm hiểu về nguyên nhân tại sao những vườn cao su sát nhà máy xảy ra tình trạng như vậy. Theo vị chuyên gia này thì vườn cao su bị khô ngọn, rụng lá nguyên nhân chính không phải từ khí thải của nhà máy mà có thể do tác động từ nhiều yếu tố như: chăm sóc chưa chu đáo, do trời nắng nóng kéo dài hoặc do một loại nấm nào đó gây ra?

  Ống khói nhà máy mà theo ngời dân là nguyên nhân dẫn tới vườn cao su bị thiệt hạiTuy nhiên, ông Trường cũng thừa nhận rằng, những vườn cao su của người dân bị thiệt hại cũng có một phần tác động của nhà máy. Do vậy, lãnh đạo công ty đã nhiều lần họp và thương lượng hỗ trợ cho người dân. Cụ thể, công ty đã hỗ trợ cho ông Mười, bà Lan, bà Thu với số tiền là 45 triệu đồng và phân bón. Vừa qua, công ty cũng đã tiếp tục thương lượng để hỗ trợ cho người dân. Theo đó, những hộ dân yêu cầu công ty hỗ trợ 125 triệu đồng/ha, phía công ty đề nghị 110 triệu đồng/ha. Quyết định hỗ trợ bao nhiêu sẽ do lãnh đạo công ty họp và quyết định, ông Trường nói.

Một điều đáng nói thêm rằng, trước đây những hộ dân có vườn cao su bị thiệt hại đã gởi nhiều đơn khiếu nại đến Sở Tài nguyên Môi trường (TN-MT) để phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường của CTCP gạch Đông Nam Á. Sở TN-MT đã cử đoàn thanh tra đến thanh kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của công ty và đã trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt công ty với số tiền là 164 triệu đồng (Quyết định số 1433/QĐ-UBND ngày 20-5-2010) nhưng đến hiện tại công ty cũng chưa hoàn thành xong hệ thống xử lý nước thải?

Tại biên bản làm việc ngày 3-6-2010 với các bên liên quan, đoàn làm việc của Sở TN-MT cũng nêu rõ: “Hiện tượng cây cao su bị úa, nhăn, héo rìa lá của 7 hộ dân phản ánh là có thật, hiện tại giáp tường rào công ty có khoảng 12 hộ dân có cao su. Các hộ dân còn lại cây cao su phát triển bình thường lá xanh...”.

Các hộ dân có cao su xung quanh CTCP gạch Đông Nam Á đang gánh chịu tổn thất nặng nề do cây cao su bị thiệt hại là điều không bàn cãi. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là nguyên nhân nào làm cho những vườn cây cao su bị hư hại thì còn bỏ ngõ. Trong khi CTCP gạch Đông Nam Á thì không thừa nhận là do khí thải từ nhà máy. Câu hỏi này chỉ có cơ quan chứa năng mới có thể trả lời.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chánh Phú Hòa: Chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn khiếu nại của người dân ở ấp 9 khiếu nại CTCP Gạch Đông Nam Á gây ô nhiễm môi trường làm hư hại vườn cây cao su. Tuy nhiên, trong phạm vi quyền hạn của xã chỉ có thể tổ chức hòa giải và chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền cao hơn để giải quyết.

 

NHÂN QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên