Cao su rụng lá do nhiễm bệnh: Nông dân đừng quá hoang mang

Cập nhật: 23-08-2010 | 00:00:00

  Cao su bị lá rụng do nhiễm bệnh đã ảnh hưởngnhiều đến năng sất mủTừ những ngày đầu tháng 6 đến nay, nhiều hộ trồng cao su (CS) trên địa bàn tỉnh đã tỏ ra lo lắng vì vườn CS đã qua mùa rụng lá nhưng vườn cây nhà mình lá vẫn tiếp tục rụng. Hiện tượng này đã làm cho sản lượng của nhiều vườn cây giảm mạnh gây ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng CS.

Bị động đối phó!

Thông thường, các vườn CS chỉ rụng lá vào mùa khô, đây cũng là thời điểm nông dân ngưng khai thác mủ nhưng thời điểm cách đây khoảng 2 tháng, tức là các nhà vườn chính thức bước vào mùa cạo mới, nhưng một số vườn cây CS tại các huyện phía bắc của tỉnh đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng rụng lá vào mùa mưa. Đến nay, số vườn CS bị nhiễm loại bệnh này xuất hiện ngày càng nhiều. Bệnh xuất hiện làm vườn CS khai thác giảm năng suất trong thời điểm mủ CS đang có giá cao đã gây ra tâm lý hoang mang cho nhiều người trồng CS. Trong thời điểm hiện tại, nhiều người trồng CS đã ví von rằng:  “Tiền tự chảy ra khỏi túi mà không biết làm cách nào để có thể ngăn lại được”. Anh Cường - người trồng CS lâu năm tại xã An Long (Phú Giáo) than thở: “Vườn cây CS của tôi đang xanh tốt tự nhiên lại bị rụng nhiều lá. Tôi cũng không khai thác quá mức hay tác động xấu đến vườn cây. Hiện năng suất vườn cây của tôi đã giảm gần một nửa, mỗi ngày tôi mất hơn 1 triệu đồng tiền thu từ mủ CS. Tôi cũng đã phun xịt các loại thuốc nhưng đến nay vẫn chưa thấy hiệu quả, cây thì vẫn bệnh và người trồng CS như chúng tôi vẫn chịu mất tiền”. Anh Cường cho biết thêm, lúc đầu bệnh chỉ xuất hiện tại một số diện tích nhỏ, loại cây giống mới, sau đó thì lan rộng dần. Đến nay không riêng gì vườn cây của anh bị nhiễm bệnh mà nhiều vườn cây khác xung quanh cũng đang phải hứng chịu loại bệnh này.

Vấn đề làm cho nhiều người trồng CS hoang mang chính là đã phun xịt thuốc thường xuyên nhưng vườn cây của họ vẫn chưa hết bệnh. Nhiều người dân rất bị động trong việc phòng chống, đến khi bệnh lây lan trên diện tích rộng mới triển khai các biện pháp phòng trừ. Hiện nay, tiền công cho việc phun xịt thuốc đang tăng cao dần lên từng ngày, nhưng không phải vườn cây nào nhiễm bệnh muốn thuê người phun thuốc là có ngay vì có rất nhiều diện tích CS bị nhiễm bệnh. Với việc bị nhiễm bệnh trên diện tích rộng như vậy thì các hộ trồng CS không thể dùng các loại bình xịt nhỏ mà phải thuê các loại bình bơm cao áp có công suất lớn. Hiện với 1 ha diện tích trồng CS phải bỏ ra từ 400.000 - 600.000 đồng tiền công và gần 400.000 đồng tiền thuốc cho mỗi lần xịt... Ông Đinh Văn Quyền - ngụ tại xã Phước Sang (Phú Giáo) cho biết: “Vườn cây của tôi cũng chỉ mới bị nhiễm bệnh. Thấy người ta phun xịt thuốc như thế nào tôi cũng phun theo chứ tôi cũng không rõ vườn cây của mình bị bệnh gì. Nhưng dù đã phun xịt rồi mà vườn CS nhà tôi vẫn chưa thấy bớt bệnh. Nếu cứ phun xịt mãi như thế này thì người trồng CS sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi mà vườn cây bị giảm sản lượng mạnh”.

Đừng quá hoang mang

Thông báo vào giữa tháng 6 năm nay của Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Phú Giáo gửi cho các đơn vị trên địa bàn huyện cho thấy đây là loại bệnh do nấm CORYNESPORA gây ra trên các vườn cây CS và kiến thiết cơ bản. Đặc biệt là bệnh thường xuất hiện trên các loại cây thuộc dòng RRIV như RRIV 4, RRIV 3, RRIV 2, PB 255... Triệu chứng của loại bệnh này là trên lá non vết bệnh có hình tròn màu xám đến nâu với vòng màu vàng xung quanh, tại trung tâm đôi khi tạo thành lỗ thủng, lá quăn và biến dạng, sau đó rụng toàn bộ lá. Ngoài ra, vết bệnh còn có màu đen có hình dạng xương cá dọc theo gân lá, gặp điều kiện thuận lợi chúng lan rộng gây chết từng phần, sau đó toàn bộ lá chuyển sang màu vàng và rụng từng lá một. Bệnh xảy ra khi trên vườn CS có độ ẩm và nhiệt độ cao. Đây là bệnh lây lan nhanh nếu gặp điều kiện thuận lợi. Báo cáo của Chi cục BVTV tỉnh cho biết, đến ngày 17-8, toàn tỉnh đã có diện tích CS nhiễm lũy tiến là hơn 4.100 ha, trong đó có gần 2.300 ha diện tích đã được phun thuốc lần 1. Trước tình hình dịch bệnh như trên, Chi cục BVTV tỉnh, Viện Nghiên cứu cao su Lai Khê, Trạm BVTV các huyện đã đi khảo sát và đã có hướng dẫn các biện pháp phòng trừ loại bệnh này. Ông Nguyễn Phong Huy, Trưởng phòng BVTV - Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Hiện nay, Chi cục BVTV tỉnh đang phối hợp với các địa phương triển khai các buổi hội thảo về phòng chống loại dịch bệnh này cho nông dân. Ngoài ra, chi cục cũng đã thực hiện các buổi tuyên truyền trên các đài phát thanh để người dân hiểu rõ về dịch bệnh và lựa chọn các biện pháp phòng chống hiệu quả. Trong tình hình hiện tại người dân không nên quá hoang mang mà nên thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh”. Người trồng CS cần phát hiện sớm dịch bệnh để việc phun thuốc có hiệu quả và ít tốn thuốc.

Đây là lần đầu tiên bệnh xuất hiện trên địa bàn tỉnh với diện tích lớn và nặng nề nên nhiều hộ trồng CS tỏ ra hoang mang khi thấy sản lượng mủ vườn cây xuống thấp. Trong việc phòng chống loại dịch bệnh này, các cơ quan chuyên môn cần có sự hướng dẫn tỉ mỉ, kịp thời cho nông dân nhằm tránh các thiệt hại. Bên cạnh đó, các chủ vườn CS cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc phun thuốc phòng bệnh và thực hiện đúng, kịp thời để khống chế tốt loại bệnh này.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên