Cấp bách phục hồi, phát triển kinh tế

Cập nhật: 03-07-2020 | 08:33:45

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt thấp, thương mại - dịch vụ gần như đình trệ đã thúc đẩy Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đặt ra nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay là phục hồi, phát triển kinh tế. Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương vào sáng qua (2-7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ nhanh chóng hành động để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, duy trì đà tăng trưởng, không để đổ gãy nền kinh tế.

 “Mục tiêu kép” mà Thủ tướng Chính phủ đề cập không gì khác là vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong trạng thái bình thường mới, vừa phục hồi, phát triển kinh tế nhằm duy trì đà tăng trưởng.

Về phòng, chống dịch bệnh, với những bước đi thích hợp, Việt Nam đã nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam được cả thế giới ghi nhận và ca ngợi. Tính đến nay, Việt Nam đã qua 76 ngày không có ca bệnh mới trong cộng đồng. Đây là thành công lớn, nhưng không vì thế mà Việt Nam lại lơ là với công tác phòng, chống dịch bệnh. Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh luôn được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh đã tác động mạnh đến phát triển kinh tế. Mặc dù được xem là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của khu vực, nhưng tăng trưởng kinh tế quý II của Việt Nam chỉ đạt 0,36%, 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Riêng khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng thấp chưa từng thấy của cả giai đoạn 2011-2020. Khách quốc tế đến Việt Nam giảm đến 55,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp mới giảm cả về số lượng lẫn số vốn đăng ký. Trước tình hình đó, thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: “Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”.

Để phục hồi, phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm, Chính phủ cũng đã chọn 3 trụ cột chính là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Đây được xem là “cỗ xe tam mã” giúp đẩy mạnh đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020. Đầu tư được xác định là một trong những cấu phần quan trọng trong “cỗ xe tam mã”. Với “gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, nếu giải ngân tốt thì đây là biện pháp kích cầu hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng âm, thành quả mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua trên lĩnh vực kinh tế đã là “kỳ tích”. Với những quyết sách đúng đắn của Chính phủ, sự đồng thuận của các địa phương, doanh nghiệp và người dân, tin rằng Việt Nam sẽ đạt “kỳ tích” mới và bức tranh kinh tế những tháng còn lại của năm 2020 sẽ sáng sủa hơn.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên