Câu cá, thú chơi tao nhã

Cập nhật: 15-03-2010 | 00:00:00

Nếu như trước đây cái thú câu cá chỉ là dành cho các bác hưu trí hay các bậc cao niên thì giờ đây nó đã trở thành thú đam mê của đủ mọi tầng lớp, mọi thành phần và mọi thế hệ trong xã hội. Còn gì thú vị hơn khi vào những ngày nghỉ cuối tuần, xách chiếc cần câu đến hồ cá, tìm một vị trí thích hợp, buông cần, ngồi hít thở không khí trong lành giữa mênh mông gió và nước rồi ngồi tĩnh lặng hồi hộp chờ cá đớp mồi.

Sáng chủ nhật, tôi theo một anh bạn đến khu giải trí câu cá Sinh Đôi, số 197/4 quốc lộ 13, xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An, Bình Dương. Bạn tôi, anh Nguyễn Minh Hùng, là một “tín đồ” của cái thú tiêu khiển này. Ngày nào cũng vậy, cứ sau khi rời khỏi công ty là anh về nhà lấy cần câu rồi chạy thẳng ra các hồ cá. Khi thì hồ câu gần nhà, có khách thì rủ đến các khu du lịch sinh thái, lúc muốn đổi gió có khi anh đi đến tận các hồ câu ở Thái Hòa, Tân Uyên... 31 tuổi, nhà ở Lái Thiêu, làm việc tại Khu công nghiệp VSIP, anh Hùng đã đến với thú câu cá được gần 3 năm nay. Không ngày nào là anh Hùng không có mặt ở hồ câu cá, 3 hồ câu mà anh hay lui tới nhất là: khu câu cá giải trí Sở Cải, Út Hiệp và Vườn Đào tại Lái Thiêu. Anh nói: “Lúc đầu đi câu cá chỉ là để thư giãn sau giờ làm việc, nhưng đi riết rồi đâm ra ghiền hồi nào không hay. Bây giờ, ngày nào không được cầm cần câu là cảm thấy bứt rứt, khó chịu lắm!”.

Tại một hồ câu, tôi gặp bác Trần Văn Năm, một tay câu cá trong đội ngũ U60 cũng thể hiện niềm đam mê câu cá của mình qua việc ngày nào cũng cắm cần ở hồ cá. Bác Năm tâm sự: “Về hưu rồi, không biết làm gì cho hết thời gian. Mấy ông bạn già rủ tham gia câu cá mấy lần rồi bỗng ghiền luôn. Bây giờ, ngoài những lúc ở nhà sinh hoạt, tôi chủ yếu là cắm cần ở hồ câu cá”. Cái thú vui tao nhã này tưởng đơn giản nhưng cũng ngốn khá nhiều thời gian của những người đam mê nó, từ việc chọn cần, chọn phao, chăm lưỡi câu cho đến việc chế biến mồi làm thức ăn cho cá... tất cả đều là đam mê.

Đồ nghề câu cá cũng rất phong phú, mỗi loại cá có những đồ nghề riêng. Nếu là dân câu sành điệu thì trong bộ đồ nghề cũng phải có ít nhất từ 5 - 6 bộ lưỡi câu. Dân câu chuyên nghiệp nhìn lưỡi câu là đã biết lưỡi đó dùng để câu loại cá gì. Cần câu cũng có năm bảy loại, cần câu cac-bon có thể thu ngắn kéo dài đến cả chục mét. Một cần gọi là câu được thì giá thấp nhất là 400.000 đồng, còn loại xịn thì có khi cả 10 triệu đồng/cần. Bây giờ hầu hết khách đi câu phải tự mang cần vào chứ ít có dịch vụ cho thuê cần như trước đây. Có hồ cũng cho thuê với giá 20.000 - 30.000 đồng/cần nhưng chủ yếu là để dành cho khách quen. Vì bình quân một cần có giá rẻ nhất khoảng 300.000 - 400.000 đồng, nếu ai không biết câu có thể làm đứt, gãy nên các chủ hồ đều rất ít cho thuê.

Mồi câu cá cũng rất đa dạng. Với dân chuyên nghiệp thì cái thú đi câu còn hấp dẫn ở chỗ tự tay chế biến mồi. Mồi bao gồm cám, mẻ khô (mẻ nước trộn với cơm thiu), dế, trùn... Câu mỗi loại cá cũng phải có mồi riêng. Chẳng hạn như câu cá tra thì dùng mồi cám, mẻ; câu cá trê dùng mồi dế, trùn... Nếu người câu sành điệu thì có thể biết giấc nào cá sẽ ăn, vì đa phần chủ ao thường là thả cá bè. Dân câu chuyên nghiệp biết sau khi cá được thả xuống hồ thì cá chim nhỏ và cá trê sẽ đớp mồi liền, nhưng cá chim lớn thì phải 8 - 10 tiếng mới cắn câu, còn cá tra thì có khi 10 bữa, nửa tháng nó mới ăn. Riêng cá chép được cho là cá nhà giàu. Vì câu cá chép tốn tiền nhất mà cũng mất thời gian nhất. Mồi cho cá chép là loại trùn chỉ, 30.000 đồng/kg, còn cám để câu cá chép thì không phải chỗ nào cũng bán. Người “sát cá” có khi ngồi cả ngày cũng chưa chắc đã câu được. trong khi đó, nếu các loại cá khác người ta thả 3 - 4 lần/tuần thì cá chép chỉ 1 lần/tuần. Và cũng chỉ có những tay chuyên nghiệp câu mới dính, còn những người tay ngang thì đều phải bó tay với loại cá này.

Bây giờ phần lớn các hồ đều không tính giờ như trước nữa mà tính theo cần. Mỗi khách đến câu mất khoảng 80.000 - 100.000 đồng/lần, có thể câu thoải mái từ sáng đến tối. Vào chủ nhật mỗi tuần, các hồ tổ chức cho câu giải. Mỗi người câu đóng 200.000 đồng. Nếu trong ngày hôm đó (từ 8 giờ đến 17 giờ), ai câu dính con cá nặng nhất sẽ được thưởng tiền, bao nhiêu thì tùy nội quy mỗi nơi. Ai câu dính con cá đầu tiên sẽ hoàn vốn lại tiền cần. Cá câu được muốn làm mồi nhậu, chủ hồ sẽ làm luôn mà chỉ tính tiền công và tiền gia vị của tùy vào món cá, như chiên thì 15.000 đồng, nấu lẩu thì 30.000 đồng. Cứ như vậy, đi câu cá đã trở thành một thú vui xa xỉ về thời gian mà không kể đến kinh tế. Trung bình một tuần anh Hùng đem về nhà hơn chục kg cá, lúc thì để vợ anh xào nấu, làm món nhậu, khi thì cho bạn bè, hàng xóm. Nhưng ăn cá mãi cũng ngán nên đa phần anh đem về bỏ xuống ao nhà mình. Bây giờ trong bộ sưu tập cá câu được, trong ao của anh có con cá trê phải nặng đến gần 6kg.

Những người câu cá chuyên nghiêp thường chọn những hồ câu tự nhiên, yên tĩnh, không lều xá. Họ ngồi phệt ngay trên bờ hồ, buông cần và đắm mình trong niềm đam mê đến kỳ lạ. Với niềm đam mê này, thú câu cá được nâng lên thành “đạo”. Và người đi câu đắc đạo biết quên đi những mệt mỏi, lo toan khi chăm chăm nhìn phao, qua đó tích lũy thêm thể lực, trí tuệ và niềm vui cho ngày mai.

HỒ NGỌC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên