Cầu Cần Thơ chính thức nối liền hai bờ sông Hậu

Cập nhật: 24-04-2010 | 00:00:00

 

Toàn cảnh cầu Cần Thơ.

Hôm nay (24-4), cầu Cần Thơ chính thức nối liền hai bờ sông Hậu. Quốc lộ 1A giờ đây đã nối liền suốt từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau, không còn cảnh đò ngang cách trở.

Hàng triệu triệu người dân ĐBSCL và các tỉnh phía Nam đang háo hức hướng về miền sông nước Cửu Long, chờ giây phút công trình cầu Cần Thơ khánh thành.

Người dân ĐBSCL mong chờ ngày này từ lâu lắm rồi bởi ở đây cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều hưởng lợi từ những công trình giao thông cực kỳ quan trọng này.

Tiết kiệm thời gian

Hàng chục năm qua điểm yếu chí tử làm cho nền kinh tế vùng ĐBSCL ì ạch, chậm phát triển và cứ mãi là vùng đất nghèo nhất nhì của cả nước chính là hệ thống giao thông chưa kết nối giữa các tỉnh và giữa ĐBSCL với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Cầu Cần Thơ được khởi công vào tháng 9-2004, là công trình lớn nhất trên quốc lộ 1, nối đôi bờ sông Hậu giữa tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Tổng vốn đầu tư 4.832 tỉ đồng (thời điểm năm 2001), tức khoảng 342,6 triệu USD, bằng nguồn vốn viện trợ ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ VN.

 

Dự án cầu Cần Thơ có tổng chiều dài 15.850m. Trong đó, cầu chính dài 2.750m, rộng 24,9m cho bốn làn xe và hai lề bộ hành. Đường dẫn phía tỉnh Vĩnh Long dài 5.410m, đường dẫn phía TP Cần Thơ dài 7.600m.

Nay trên tuyến QL1A đã có cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ và một đoạn cao tốc; QL60 đã có cầu Rạch Miễu, Hàm Luông... đã góp phần giải được bài toán phức tạp về kinh tế của vùng ĐBSCL tồn tại hàng chục năm qua.

 

Trước hết ai cũng thấy cái lợi lớn nhất, rõ nhất khi có cầu Cần Thơ là tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Đầu tháng 2-2010, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, đi lại giữa TP.HCM và Cần Thơ khoảng 30 phút.

 

Nay có cầu Cần Thơ, thời gian ấy tiếp tục được rút ngắn thêm 30-60 phút. Đó là chưa kể sẽ không còn cảnh bị kẹt xe hàng giờ ở bến phà lúc cao điểm lễ, tết. Tính ra thời gian đi từ TP.HCM - Cần Thơ khi có cầu trung bình đã rút ngắn 1-3 giờ.

 

Một doanh nghiệp vận tải hành khách đã tính được thời gian vận chuyển từ TP.HCM - Cần Thơ tiết kiệm được 30-40% so với trước đó. Trung bình đoàn xe của họ chạy 22 chuyến/ngày thì khi có cầu Cần Thơ có thể tăng lên 23 chuyến/ngày mà không cần đầu tư mua thêm xe. Như vậy một thời gian sau họ sẽ hạ giá vé vận chuyển, khi đó cả người dân và nhà xe đều có lợi.

 

Ngoài ra, trung bình mỗi ôtô chờ qua phà Cần Thơ còn mất thêm khoảng 2 lít xăng (dầu)/lượt. Mỗi ngày tại hai đầu bến ôtô, xe máy đã đốt không hàng chục ngàn lít xăng (dầu) và làm ô nhiễm môi trường. Cũng có doanh nghiệp tính được thiệt hại mỗi lần chờ phà khoảng 25.000-30.000 đồng. Nếu cộng nhiều tháng, nhiều năm thì rõ ràng lãng phí, thiệt hại khi chưa có cầu Cần Thơ là vô cùng lớn.

 

Một điều dễ nhận thấy nữa là thời gian vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản từ các tỉnh ĐBSCL lên các cảng ở TP.HCM bây giờ nhanh hơn, xuất khẩu được nhiều hơn. Chi phí vận chuyển giảm sẽ kéo giá thành sản phẩm giảm theo và đương nhiên khả năng cạnh tranh sẽ tăng lên. Ngay cả hàng hóa nông sản, thủy sản của ĐBSCL đưa lên tiêu thụ tại TP.HCM cũng sẽ nhanh hơn, tươi sống hơn và giá rẻ hơn.

 

Ngược lại, hàng hóa từ TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vận chuyển về ĐBSCL sẽ nhanh hơn, rẻ hơn. Cầu Cần Thơ và các công trình giao thông kết nối trên tuyến QL1A, QL60... lúc này sẽ giúp cả hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL được hưởng lợi. Đặc biệt, khi đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ hoàn thành thì cái lợi đó sẽ nhân lên gấp nhiều lần.

 

Khi giao thông thuận lợi thì tổng mức bán lẻ hàng hóa sẽ tăng rất nhanh. Bằng chứng là trước khi có cầu Mỹ Thuận, tổng mức bán lẻ khu vực ÐBSCL chỉ 12,8%, nhưng giai đoạn 2001-2007 tăng tới 18%, đặc biệt là tỉnh Vĩnh Long và An Giang tăng khoảng 2,5 lần. Trong khi đó tỉnh Tiền Giang lại giảm gần 50% (do cầu Mỹ Thuận nằm ở cuối tỉnh Tiền Giang bắc qua Vĩnh Long).

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của ĐBSCL

Trước năm 2000 (chưa có cầu Mỹ Thuận)

Năm 2001 và 2002 (sau khi có cầu Mỹ Thuận)

2001-2005

 

8%/năm

hơn 8%/năm

10,5%/năm

Khi giao thông thuận lợi thì tổng mức bán lẻ hàng hóa sẽ tăng rất nhanh. Bằng chứng là trước khi có cầu Mỹ Thuận, tổng mức bán lẻ khu vực ÐBSCL chỉ 12,8%, nhưng giai đoạn 2001-2007 tăng tới 18%, đặc biệt là tỉnh Vĩnh Long và An Giang tăng khoảng 2,5 lần. Trong khi đó tỉnh Tiền Giang lại giảm gần 50% (do cầu Mỹ Thuận nằm ở cuối tỉnh Tiền Giang bắc qua Vĩnh Long).

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ nhanh hơn

 

Có cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông và tới đây là đường cao tốc nối đến Cần Thơ, chắc chắn tốc độ tăng trưởng cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các tỉnh ĐBSCL sẽ vọt lên rất nhanh. Những con số trong bảng về tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của ĐBSCL trước và sau khi có cầu Mỹ Thuận là cơ sở để cho thấy khi có cầu Cần Thơ và Hàm Luông thì các tỉnh ĐBSCL sẽ phát triển nhanh, trong đó TP Cần Thơ tăng trưởng mạnh hơn cả. Ngoài ra, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỉ trọng nông nghiệp sẽ nhanh hơn, rõ nét hơn.

 

Có thể nói về cơ bản, ĐBSCL không còn được xem là ốc đảo nữa. Triển vọng kinh tế ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 rất sáng sủa khi có thêm cầu Cần Thơ và Hàm Luông. Rồi đây người dân ở TP.HCM và nơi khác sẽ đến Cần Thơ và ĐBSCL nhiều hơn để du lịch, để hưởng những dịch vụ chất lượng cao với giá rẻ hơn so với các đô thị lớn.

 

Khi có cầu Cần Thơ, người dân và doanh nghiệp sẽ có cơ hội lựa chọn bán sản phẩm cho thị trường TP.HCM hay Cần Thơ nếu họ thấy việc vận chuyển thuận lợi và giá tốt hơn, chứ không phải chỉ nhắm đến thị trường TP.HCM như hiện nay. Ngoài ra đội ngũ trí thức, nhà khoa học, doanh nghiệp, sinh viên ở những nơi khác sẽ đến ĐBSCL làm việc, trao đổi kinh nghiệm... dễ dàng hơn, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên hiện nay hệ thống giao thông ĐBSCL chưa thật sự thông suốt khi còn thiếu cầu Vàm Cống (QL 80), Cổ Chiên (QL 60) và Mỹ Lợi (QL 50). Khi Chính phủ đầu tư xây dựng ba cây cầu này và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không theo quy hoạch thì khoảng cách giữa vùng ĐBSCL với các tỉnh phía Nam không còn quá xa. Khi đó kinh tế - xã hội của vùng đất này sẽ chuyển biến mạnh mẽ, không còn là “vùng trũng” nữa.

Tưởng niệm các nạn nhân

Chiều 23-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng làm lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ sập đường dẫn cầu Cần Thơ vào ngày 26-9-2007 tại khu tưởng niệm ở ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức nói: “Chúng tôi bày tỏ lòng tri ân những kỹ sư, công nhân đã góp một phần công sức, sinh mạng vào việc hoàn thành cây cầu to đẹp như ngày hôm nay... Xin các anh nhận nơi đây sự ghi ơn lớn lao...”.

(THEO TUỔI TRẺ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên