Câu chuyện giết cha và vấn nạn bạo hành!

Cập nhật: 22-09-2010 | 00:00:00

Ngày 21-9, bị cáo Phan Minh Mẫn, 20 tuổi, sinh viên một trường cao đẳng tại TP.HCM ra tòa phúc thẩm và đã thoát án tử hình sau tội danh “giết cha” mà tòa sơ thẩm đã tuyên trước đó. Lẽ đương nhiên, với bất cứ người nào khi phạm vào tội danh tày đình kia thì việc nhận án tử chẳng có gì phải bàn cãi nhiều và chắc rằng dư luận xã hội sẽ đồng tình. Nhưng với vụ án này, lại có phản ứng rất trái chiều từ công luận, hàng loạt các ý kiến đăng tải trên các phương tiện truyền thông đều mong tòa phúc thẩm giảm án cho “hung thủ”, bởi đằng sau vụ án này là cả một câu chuyện dài về vấn nạn bạo hành.

Vẫn biết phản ứng của Phan Minh Mẫn là hoàn toàn tiêu cực và phải chịu hình phạt của pháp luật là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên qua câu chuyện này đã thêm một lần cảnh báo về hậu quả khó lường của vấn nạn bạo hành, đặc biệt là với những gia đình đang “tiềm ẩn nguy cơ”. 20 tuổi phạm tội “giết cha”, nhưng trước đó là cả một khoảng thời gian dài bị cáo phải chịu cảnh bạo hành tệ hại mà người cha mang lại. 20 tuổi vướng vào vòng lao lý chỉ vì lý do duy nhất là bảo vệ mẹ và em trước những trận đòn từ người cha mang lại. 20 năm phải sống trong “ngục tù gia đình” đã đẩy bị cáo đến hành động tiêu cực không mong muốn.Lý giải cách nào thì đây quả thực là một câu chuyện đau lòng mà xã hội phải gánh lấy từ vấn nạn bạo hành. Trách nhiệm chính vẫn là người lớn, của những bậc làm cha làm mẹ. Người mẹ tội nghiệp kia cũng không mong muốn chút nào cái ngày con mình giết cha, người cha nạn nhân kia cũng không ngờ mình lại chết dưới bàn tay con trẻ. Nhưng sự thực đau lòng là vậy, với gia đình này tất cả đã muộn màng, bị cáo thoát án tử nhưng nỗi đau gia đình thật khó nguôi ngoai.Câu chuyện giết cha chỉ là một trong vô số vụ bạo hành gia đình mà thời gian gần đây công luận đã biết. Gần như đó là những góc khuất trong cuộc sống có rất nhiều câu chuyện bi thương. Những góc khuất này nếu không được “khai sáng” bằng những phương pháp hữu hiệu từ các tổ chức, đoàn thể và của chính những người trong cuộc thì xã hội chắc còn phải tiếp nhận những “câu chuyện giết cha” tiếp theo sau vấn nạn bạo hành. 

TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên