Câu chuyện làm ăn: Lão nông mê nuôi gà thả vườn

Cập nhật: 17-03-2010 | 00:00:00

Trại gà được phủ kín bằng tấm bạt vừa đỡ tốn kém, vừa bảo đảm giữ nhiệt cho gà vào ban đêm

Nuôi gà thả vườn đã trở thành phong trào của nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi gà thả vườn của lão nông Thân Văn May (ấp 6 xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo) là một trong những mô hình như thế.

Với lợi thế có vườn cao su rộng hơn 1 ha, lão nông 78 tuổi này đã xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn từ năm 2006 và đến nay mô hình này đã phát huy hiệu quả cao. Để có được mô hình nuôi gà như hiện nay, ông May đã đi nhiều nơi chỉ để tham khảo cách thức chăn nuôi gà, rồi ông tự tìm hiểu qua sách vở và mày mò xây dựng mô hình. Khác với nhiều hộ gia đình chăn nuôi gà thả vườn khác, ông May không làm hàng rào nuôi nhốt tập trung và hạn chế sự di chuyển của đàn gà mà thả cho chúng tự do đi lại trong vườn cao su. Ông cũng không nuôi nhốt tập trung đàn gà của mình trong 1 chuồng mà chia ra làm nhiều chuồng nhỏ, mỗi chuồng rộng khoảng 6m2, nuôi nhốt được từ 80 đến 100 con và khoảng cách giữa các chuồng là khoảng 50m. Mỗi chuồng ông lại nuôi nhốt một lứa gà riêng.

Chi phí làm chuồng trại của mô hình này cũng không cao vì chủ yếu là lấy tre làm khung và lấy bạt vây kín nhưng vẫn bảo đảm giữ được nhiệt độ thích hợp cho đàn gà. Theo ông May, ông chia ra các trại nhỏ như vậy vì thấy tỷ lệ gà con sống cao hơn, dễ chăm sóc và gà cũng tăng trọng đều hơn. Ông còn tự thiết kế máy ấp trứng với công suất khoảng 200 trứng/lần ấp. Gà mái được tập trung vào 1 trại cho đẻ, sau đó trứng được thu gom để đem đi ấp. Gà con sau khi nở đem nhốt chung vào một trại riêng, 2-3 ngày sau mới thả ra vườn. Vào thời gian cao điểm, mô hình của ông May có khoảng 300 con gà thịt, trong đó có 70 mái. Ông May tâm sự: “Tôi xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn như vậy là vì thấy nó phù hợp với thời gian và sức lao động của người già như chúng tôi. Chi phí hình thành mô hình cũng không cao và rất phù hợp với những hộ gia đình có vườn cao su”.

Về thức ăn cho đàn gà, ông cho biết mua cám gà về trộn với bắp, hèm rượu sau đó đem ủ ấm lên khoảng 40 độ C mới đem cho gà ăn. Gà ăn thức ăn loại này ít bệnh, tăng trọng nhanh, thịt chắc và thơm ngon hơn. Ngoài ra, do nuôi thả nên gà có khả năng tự tìm kiếm thức ăn, giảm bớt một phần chi phí thức ăn. Theo ông May, khâu quan trọng nhất trong việc nuôi gà thả vườn là việc giữ nhiệt độ hợp lý. Gà con từ khi nở cho đến 1 tháng tuổi cần phải được giữ ấm mới có thể phòng được nhiều loại bệnh. Đối với mô hình này muốn đạt hiệu quả cao phải bảo đảm các yếu tố là gà phải được ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh thường xuyên.

Mỗi năm ông May nuôi được 3 lứa gà, với giá bán gà thịt từ 60.000 đến 80.000 đồng như hiện nay, hàng năm 3 trại gà của ông cho thu nhập gần 30 triệu đồng. Đầu ra của con gà thả vườn cũng rất ổn định. Ông May tính toán, nếu hộ gia đình nào có vườn cao su chỉ cần cho xây dựng 7 trại nhỏ trên 1 ha cao su thì với số lượng chăn thả gần 1.000 con đã cung cấp số lượng phân bón đáng kể cho cây cao su. Ông cho hay đã có nhiều người đến tham quan, học hỏi mô hình của ông và ông cũng đã nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật xây dựng mô hình và chăm sóc gà. Ông khẳng định, nếu gia đình nào xây dựng mô hình hợp lý thì việc chăn nuôi gà thả vườn theo cách như ông làm cũng là một hướng thoát nghèo hiệu quả.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên