Bấy lâu nay chúng ta cứ loay hoay tuyên truyền HIV/AIDS cho người lớn, mà quên đi một đối tượng cũng có khả năng bị nhiễm HIV là trẻ em, nhất là trẻ lang thang, cơ nhỡ. Thế nên, năm 2009 tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Bám theo chủ trương này, xã Thuận Giao (Thuận An) đã tập hợp, thành lập được 5 câu lạc bộ (CLB) trẻ em với phòng chống HIV/AIDS, mỗi CLB có 30 thành viên, đối tượng là trẻ em lang thang, trẻ bán vé số, con em dân nhập cư.
Chúng tôi đã được tham dự một buổi sinh hoạt ở CLB ấp Hòa Lân 2, xã Thuận Giao (Thuận An) mới thấy rằng, sự ra đời của các CLB thật ý nghĩa, cần được nhân rộng ra các địa phương khác.
Các em thích thú với những trò chơi vận động
Chiều thứ tư vừa qua, văn phòng ấp Hòa Lân 2 chộn rộn hẳn vì sự có mặt của đông đủ 30 thành viên CLB trẻ em với phòng chống HIV/AIDS. Mặc dù các anh chị đoàn viên thanh niên ấp dặn kỹ là 15 giờ mới bắt đầu sinh hoạt, nhưng mới 14 giờ bọn trẻ đã tụ tập đông đủ. Em Nguyễn Thị Thùy Trang hồ hởi nói: “Buổi sáng con học lớp tình thương, chiều đi bán vé số, nhưng chiều nay con nghỉ bán đến đây sinh hoạt để được ca hát, chơi trò chơi với các bạn, vì có mấy khi con được vui chơi như thế này”. Để làm nóng buổi sinh hoạt, Đỗ Thanh Phong, Phó Bí thư Xã đoàn, Bí thư Đoàn ấp Hòa Lân 2 bắt nhịp cho các em hát. Những bài hát được các anh chị dạy, các em đều nhớ cả và hát rất to. Kế đến, các em được chơi nhiều trò chơi vận động. Nhiều em cố tình làm sai để được mời lên phạt bằng những trò vui nhộn khác. Thế, những tiếng cười giòn tan mãi tiếp diễn. Niềm vui thể hiện ra nét mặt, em Nguyễn Thị Kim Xuân, quê An Giang theo ngoại đến Thuận Giao sinh sống nói: “Tụi con đâu có bạn ngoài các bạn trong CLB này, cũng đâu được vui chơi thỏa thích như ở đây, nên con không bỏ sót buổi sinh hoạt nào cả. Phải chi ngày nào cũng được chơi như thế này thì vui biết mấy”.
Sau phần khởi động, nội dung chính của buổi sinh hoạt là tuyên truyền cho trẻ em những kiến thức về HIV/AIDS. Những kiến thức các em cần phải biết là: HIV là gì, có mấy con đường lây truyền, bắt tay nhau có lây không... Những câu hỏi, nhưng đồng thời là nhắc nhở các em nên tránh như: đi đường gặp kim tiêm không nhặt, không đạp; không nghe lời người khác dụ dỗ, cho tiền, mời vô phòng chơi (nhất là các bé gái); không la cà ở các điểm chơi game... Thùy Trang cho biết: “Từ khi được các anh chị dạy bảo, buổi tối con không ra đường một mình, thấy mấy ông say xỉn con không mời mua vé số. Con còn nhắc những bạn khác không sinh hoạt CLB cũng làm như con vậy để tránh chuyện xấu có thể xảy ra”. Thanh Phong tỏ ra tâm đắc, được sinh hoạt, trẻ trong CLB không chỉ nâng cao ý thức phòng chống HIV/AIDS cho bản thân mà các em còn tuyên truyền cho người thân và bạn bè cùng hiểu rõ những tác hại của HIV/AIDS.
Bà Huỳnh Thị Xanh, cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em xã Thuận Giao cho biết, qua khảo sát toàn xã có trên 300 trẻ em lang thang, trẻ bán vé số, trẻ con em dân nhập cư. Thời gian qua địa phương đã quan tâm chăm lo cho trẻ em ở đối tượng này như tổ chức lớp học tình thương, tặng quà nhân dịp lễ tết, hỗ trợ trẻ hồi gia, giới thiệu học nghề uốn tóc, sửa xe...
Trẻ em lang thang, mồ côi rất dễ bị tác động xấu ngoài xã hội, nhất là với bệnh HIV/AIDS, nên từ tháng 6 xã đã thành lập 5 CLB trẻ em với phòng chống HIV/AIDS. Định kỳ 3 tháng sinh hoạt một lần, nhưng vì sự hồ hởi của các em nên đến nay các CLB đã sinh hoạt được 3 lần. Nội dung tuyên tuyền kiến thức về HIV/AIDS, cách tự bảo vệ để không bị lây nhiễm HIV, tư vấn kỹ năng sống cho các em, sinh hoạt, tổ chức trò chơi dân gian. Tham gia sinh hoạt các em còn được tặng tập (đối với những em học lớp tình thương), quà bánh, được phát tiền. Thanh Phong cho biết, sắp tới Đoàn thanh niên sẽ đa dạng hình thức sinh hoạt, vừa tạo sân chơi bổ ích cho các em và thu hút ngày càng nhiều đối tượng trẻ lang thang, mồ côi tham gia sinh hoạt CLB, giúp các em nâng cao được kiến thức về HIV/AIDS.
A.SÁNG