Cây cao su: Đem tết sớm cho nhiều nông dân!

Cập nhật: 20-01-2011 | 00:00:00

Giá mủ cao su (CS) trong năm 2010 vừa qua đã thiết lập những mức kỷ lục mới, điều đó đã đem lại mức thu nhập cao cho nhiều người trồng CS ở Bình Dương. Người trồng CS trên địa bàn tỉnh hiện nay đang hân hoan chuẩn bị chào đón một năm mới với niềm vui thắng lợi.

Thay đổi cuộc sống

Trong những ngày giáp tết này, tại các địa bàn trồng CS tình hình mua bán mủ CS diễn ra rất tấp nập khi mà giá mua mủ CS  tiếp tục duy trì ở mức cao và niềm vui được mùa đã đến với nhiều người khiến cho họ thêm hăng say sản xuất. Hiện nay, giá mua mủ CS tại các điểm thu mua nhỏ, lẻ tiếp tục được duy trì ở mức trên 800 đồng/độ, thậm chí có thời điểm nhiều nông dân đã bán với giá 900 đồng/độ. Đây là những mức giá cao nhất từ trước đến nay và cao hơn gần một nửa so với mức giá kỷ lục của năm ngoái (khoảng hơn 500 đồng/độ). Có thể nói đây là một mức giá “trong mơ”.

 

Nhiều người trồng cao su sẽ có một mùa xuân vui vẻ

Người trồng CS trên địa bàn tỉnh chưa bao giờ gặp điều kiện thuận lợi về giá như trong năm nay khi mà giá mua mủ cứ tăng cao vùn vụt. Khởi đầu mùa cạo, giá mua mủ đã đạt mức 500 đồng/độ, nhiều người trồng CS nhận định giá mua mủ sẽ tăng cao trong thời điểm cuối năm nên đã chú ý đầu tư cho vườn cây nên hiện nay họ đã bội thu. Anh Úy - một người trồng CS ngụ tại xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng tâm sự: “Từ khi tham gia trồng CS đến nay, chưa bao giờ tôi thấy giá mủ CS cao như hiện nay. Giá mua cao làm cho người nông dân chúng tôi rất vui mừng. Nếu giá mua mủ CS cứ cao như vậy và duy trì cho đến hết cuối mùa thì chắc chắn đời sống của những  người trồng CS như chúng tôi sẽ được thay đổi rất nhiều”. Niềm vui của anh Úy cũng là niềm vui chung của rất nhiều người trồng CS trên địa bàn tỉnh. Nếu như mùa cạo năm ngoái người trồng CS thu nhập ròng trên 100 triệu đồng/ha thì với giá mua mủ như hiện nay, mùa cạo năm nay người trồng CS sẽ còn đạt được lợi nhuận cao hơn nữa. Hiện nay, diện tích CS trên địa bàn tỉnh khoảng 130.000 ha. Năng suất các vườn cây CS tiểu điền cũng đã tăng dần qua từng năm, trung bình khoảng 1,8 tấn/ha. Tuy trong năm qua, bệnh nấm Corynespora gây ảnh hưởng đến năng suất của một số vườn cây nhưng nhờ được khống chế kịp thời và với giá bán mủ cao như thời gian qua nên người trồng CS vẫn có thu nhập cao.

Tết này vui hơn

Tuy đã đến thời gian gần hết năm âm lịch và cũng đã bước vào cuối mùa cạo nhưng nhịp điệu sản xuất của những người trồng CS trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra hối hả. Nhiều người đã bắt đầu sắm sửa đồ đạc cho gia đình đón tết. Có thể nói chỉ với khoảng thời gian một năm qua thôi nhưng đời sống của người trồng CS trên địa bàn tỉnh đã có những sự thay đổi mạnh mẽ. Anh Vỹ, ngụ tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo cho biết: “Tuy chưa đến tết nhưng gia đình tôi cũng đã chuẩn bị để mua sắm. Năm ngoái, gia đình tôi sắm tết nhiều nhưng chắc chắn năm nay gia đình tôi sẽ mua sắm nhiều hơn”. Niềm vui của anh Vỹ cũng như của những người trồng CS khác là có cơ sở vì theo đánh giá của nhiều người giá mua mủ CS  sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong một thời gian dài. Mức giá duy trì cao như trên đã tạo điều kiện cho nhiều người trồng CS có điều kiện xây cất nhà cửa và chuẩn bị đón tết trong những căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi.

Tuy nhiên với tình hình giá mủ cao như hiện nay, người trồng CS cũng cần có các chế độ khai thác vườn cây hợp lý. Đừng vì thấy được giá mà khai thác theo kiểu “tận thu” vườn cây nhà mình sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình phát triển sinh học của cây trong thời gian sau này và có thể làm cho vườn cây yếu đi, dễ nhiễm bệnh. Cần có sự phối hợp hợp lý giữa khai thác - đầu tư phân bón để cho vườn cây phát triển bền vững lâu dài và để cho vườn cây có thể cho mức thu hoạch cao trong những năm sau...

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên