Cây cầu... Bà Cưởng

Cập nhật: 15-10-2010 | 00:00:00

Đầu năm 2009, khi cây cầu ở tổ 6, ấp Quyết Thắng, xã Bình Thắng, Dĩ An được khánh thành và đưa vào hoạt động, hàng chục hộ dân ở đây không giấu được niềm vui. Vì hàng ngày họ không còn đi vòng hàng cây số đưa con đến trường, hàng trăm công nhân không phải vội vã đạp xe đến nhà máy như trước. Cây cầu này vốn không có tên, nhưng bây giờ người dân trong ấp đã quen gọi là cầu Bà Cưởng.

Đứng trên thành cầu, ông Nguyễn Văn Hương (Ba Hương), người dân ở tổ 6 dùng tay lắc mạnh vào lang cang cầu rồi cười khà: “Đã đưa vào hoạt động hơn một năm nay nhưng vẫn còn chắc chắn lắm, bằng bê tông cốt thép không đó. Ít nhất phải sử dụng vài chục năm mới hư”. Theo ông Hương thì ngày trước con kênh này khá nhỏ, có bề rộng chưa đến 5 mét. Nhưng do lượng nước mưa, nước thải từ các nhà máy đổ về kênh ngày một nhiều, khiến con kênh ngày càng nới rộng, vậy là cây cầu sắt cũ dần mất chân rồi rơi tỏm xuống dòng kênh. Không có cầu, tuyến giao thông nối giữa tổ 4 với tổ 6 trong ấp bị chia cắt hoàn toàn. Nhà này muốn sang nhà kia phải xách xe máy chạy vòng đến mấy km. Không ít học sinh, người lớn ái ngại đi vòng, sắn quần lội qua kênh đã nhiều lần dẫm phải vật nhọn gây chấn thương nặng. Nguy hiểm nhất là lúc trời mưa to...

 

Bà Cưởng bên cây cầu mà bà cùng nhiều bà con trong ấp đã bỏ nhiều công sức xây dựng

Nhìn cây cầu cũ nằm vắt vẻo dưới lòng kênh hết ngày này sang ngày khác mà không ai ngó ngàng, vậy là bà Huỳnh Thị Cưởng, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ ấp Quyết Thắng quyết ra tay xây cầu. Việc đầu tiên bà làm là nhờ người đo đạc chiều rộng của con kênh, sau đó nhờ các kỹ sư trẻ là con cháu trong ấp ước tính chi phí. “Muốn xây được cây cầu bằng bê tông có bề rộng khoảng 1,2 mét, chiều dài độ hơn chục mét phải tốn không dưới 60 triệu, thực sự tôi cũng thấy lo. Đây không phải số tiền lớn, nhưng cũng không nhỏ. Nếu vận động người dân trong hai tổ đóng góp thì mỗi nhà phải mất đến gần cả triệu, nhưng đâu phải ai cũng khá giả, có người người còn phải chạy ăn chạy mặc cho con. Khó thì có khó, nhưng không phải không có cách” - bà Cưởng tủm tỉm nói về việc xây cầu.

Đã quyết là phải xây cho bằng được. Sau một thời gian suy tính, bà mạnh dạn tìm đến mạnh thường quân là Công ty Vật liệu Xây dựng Bình Dương nhờ giúp đỡ. Năm lần bảy lượt tới lui rồi bà cũng gặp được Ban lãnh đạo công ty, trình bày nguyện vọng của người dân trong ấp. Phía công ty nhanh chóng cho người xuống giám sát, lên thiết kế, báo giá. Bà Cưởng cho biết: “Mấy ngày sau, khi nghe mức giá hoàn thiện cây cầu chỉ tốn 40 triệu đồng, họ hứa sẽ trực tiếp cho người xuống thi công và sẽ ủng hộ bà con phân nửa số tiền xây cầu tôi vui không thể tả. Chỉ đóng góp 20 triệu đồng là chúng tôi làm được chắc”. Những tháng cuối năm 2008, tết nhất cận kề, nhưng ngày nào bà Cưởng cũng chạy vận động bà con họp bàn việc xây cầu. Người nào khá giả ủng hộ nhiều, khó khăn thì đóng ít hơn.  Vậy là chưa đầy nửa tháng, bà đã quyên góp đủ số tiền. Việc xây cầu nhanh chóng diễn ra. Lễ khởi công tuy nhỏ, nhưng đầy ấp niềm vui. Số sắt vụn từ cây cầu cũ cũng tận thu, số tiền ấy bà vận động bà con tiếp tục bỏ công làm hai đường dẫn bê tông lên cầu thật khang trang...

Năm nay đã 66 tuổi nhưng ngày nào bà cũng rong ruổi xe máy lên xã, về ấp để họp bàn, vận động bà con tham gia sống lành mạnh, sống có ích. Ngoài việc vận động bà con làm cầu, đường giao thông, giữ gìn vệ sinh khu phố, bà thường xuyên họp bàn với người dân trong tổ về công tác chủ động phòng ngừa tội phạm, tố giác tội phạm... Bà đảm đương một lúc nhiều công việc ở ấp, đồng lương tuy chỉ đủ đổ xăng, nhưng không có việc gì là không hoàn thành nhiệm vụ.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên