Cha và tình yêu của tôi...

Cập nhật: 19-09-2012 | 00:00:00

Ngày mẹ tôi và anh hai lên tàu vào Nam, tôi mới 6 tuổi. Hôm đó chị ba, anh tư cứ đứng mãi ở sân ga, không chịu về. Cuối cùng cha phải bế xốc tôi lên, bảo chị ba: “Thôi, về đi, nhìn gì mà nhìn…”.

Năm đó chị ba tôi 15 tuổi, đã có thể phụ cha chuyện đồng áng. Một buổi đi học, buổi còn lại chị ra ruộng tát nước, nhổ cỏ, trồng thêm rau cải để bán kiếm tiền phụ cha lo cho em. Còn tôi chỉ biết quẩn quanh ở nhà. Do trường học ở xa, đi lại khó khăn, tôi lại yếu nên mãi đến năm 8 tuổi, cha mới cho tôi đi học.

Sau này cha kể với tôi, khi quyết định để mẹ vô Nam, cha đã cân nhắc rất nhiều. Cha muốn giành phần bôn ba để gánh vác trách nhiệm nặng nề của gia đình, lo cho các con ăn học nhưng mẹ không chịu. Lý do mẹ đưa ra là cha có bệnh, đi vô Sài Gòn lạ nước, lạ cái, không có nghề ngỗng gì thì biết làm sao? Còn mẹ thì dù sao cũng cực khổ quen rồi. Ở quê, mẹ buông việc này, bắt việc kia nên vô trong đó, chắc chắn sẽ có việc làm. Nếu không, mẹ sẽ nấu chè đi bán. Sài Gòn đất chật người đông, nghe những người đi trước bảo là bán buôn rất dễ dàng, chắc chắn mẹ sẽ trụ được.

 Mà đúng là mẹ đã trụ được. Từ gánh chè đậu đen ngày đầu, chỉ 1 năm sau, mẹ sắm được chiếc xe đẩy để bán hàng chục loại chè. Bước chân của mẹ đã rong ruỗi khắp đường phố Sài Gòn. Khi anh hai học năm thứ ba đại học thì chị ba vào năm nhất. Nhà chỉ còn lại 3 cha con. Rồi anh tư đậu đại học, mẹ quyết định đưa cả nhà vào Sài Gòn để “vợ chồng, cha con đoàn tụ”. Thế nhưng cha không đồng ý. Cha bảo còn phải trông coi mồ mã tổ tiên, ông bà. Nhưng sâu xa trong lòng, tôi biết cha sợ cuộc sống xô bồ trong đó. Dường như lúc ấy, giữa cha và mẹ bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. Tôi mơ hồ nhận ra mối đe dọa đối với sự toàn vẹn của gia đình mình bởi trong một lần mẹ về thăm, tôi nghe cha mẹ nói đến hai tiếng “ly dị”. Tôi sợ hãi vô cùng và không hình dung một ngày nào đó, tôi sẽ mất hoặc là cha, hoặc là mẹ…

Rồi chuyện gì đến đã đến. Cha mẹ tôi bỏ nhau. Năm ấy tôi bắt đầu vào cấp 3 nhưng vì học trễ nên tôi đã 17 tuổi. Chị ba nói với tôi: “Em vô trong đó học trường tư cũng được mà. Bây giờ có anh hai và chị đi làm phụ mẹ nuôi em…”. Tôi nhìn chị thật lâu rồi lắc đầu: “Em ở với cha”.

Trong suy nghĩ của tôi, không có bất cứ lý do gì để rời bỏ cha, nhất là khi cha chỉ còn lại một mình. Tôi đã lớn lên bên cha, người cha khô khan, ít nói nhưng yêu thương con hết mực. Còn mẹ, kỷ niệm về mẹ trong tôi dường như chỉ có những lần giỗ, tết; mẹ vội về rồi lại vội đi. Chưa bao giờ mẹ dám ở lâu với cha con tôi vì sợ bỏ bê chuyện buôn bán. Bây giờ thì mẹ đã trở thành bà chủ một quán chè khá nổi tiếng trong đó. Mẹ cũng đã quen với lối sống ở thị thành và chán ghét những ngày mưa bão mịt mùng của dãi đất miền Trung quê tôi. Mới có hơn 10 năm mà mẹ đã trở thành người khác…

Rồi tôi vào Đại học Sư phạm Quy Nhơn với ước mơ trở thành cô giáo. Cha bảo tôi: “Nghề giáo bây giờ nghèo lắm con, sao không chọn nghề khác?”. Tôi nói với cha: “Con học ở đó cho gần nhà. Mỗi lần nhớ cha là con có thể chạy về. Với lại con cũng muốn giống như cô Mai”. Cô Mai là cô giáo đầu tiên của tôi. Chính cô là người đã kiên trì dạy cho tôi tô từng nét chữ, làm từng con tính để tôi theo kịp bạn bè và không mặc cảm những ngày đầu đến lớp. Cô đã theo tôi suốt những năm tháng tiểu học và mãi đến bây giờ cô vẫn tận tụy với nghề…

Thế nhưng mọi thứ lại không như suy tính của tôi. Trong một lần tham dự trại hè sinh viên toàn quốc ở Hà Nội, tôi đã gặp một người con trai của miền sông nước miền Nam. Cuộc gặp định mệnh khiến tôi cứ mãi vấn vương. Rồi tôi lặn lội vào tận nhà anh... Để rồi nỗi nhớ cứ ngày càng đong đầy. Cảnh vật, con người miền Nam hiền hòa khiến tôi bắt đầu lung lay quyết tâm “sống chết với đất Quảng quê mình”.

Nhưng đó cũng không phải là vấn đề quan trọng nhất. Điều bận tâm lớn nhất của tôi là, tốt nghiệp đại học, tôi không xin được việc làm. Ở Quảng Ngãi người ta không nhận, xin về các huyện thì nơi nào cũng đã đủ giáo viên. Kết cục là tôi phải nhận làm nhân viên văn phòng cho một công ty tư nhân ở Khu kinh tế Dung Quất. Anh gọi điện ra thuyết phục tôi vào Sài Gòn vì nơi ấy dù sao cũng có nhiều việc làm hơn. Nếu không thì cũng có thể đến Bình Dương hoặc Đồng Nai… Mẹ và các anh chị tôi cũng thúc giục.

Tôi còn chưa quyết định thì anh đã bay từ Sài Gòn ra. Anh đến gặp cha để thưa chuyện của chúng tôi và xin phép cho tôi được vào trong ấy. Cha lặng đi rất lâu rồi bảo: “Được như vậy thì cha mừng...”.

Hôm sau tôi xin phép đưa anh vào Quy Nhơn chơi mấy hôm, sẵn tiện sắm sửa thêm ít đồ đạc cho chuyến đi xa sắp tới... Hôm tiễn anh lên tàu, anh nắm chặt tay tôi: “Hẹn gặp em ở Sài Gòn. Khi nào lên tàu thì gọi để anh ra đón”. Tôi đứng nhìn theo con tàu chuyển bánh. Bất giác trong lòng trào lên một cảm xúc thật lạ. Tôi mơ hồ nhớ lại chuyến đi của mẹ và anh hai nhiều năm về trước và thấy mắt mình cay cay…

Tôi về nhà khi đã tắt nắng. Từ xa, tôi đã nhận ra bóng dáng quen thuộc của ngôi nhà mà mình đã sống suốt những năm tháng tuổi thơ. Rồi đây tôi sẽ rời xa nơi này. Có thể là mãi mãi. Nghĩ đến đó, tôi thấy ngực mình nhói lên…

Về đến nhà, tôi gọi mãi vẫn không thấy cha ra mở cửa nên phải vòng ra sau để leo vào. Nhà cửa tối om. Tôi đốt đèn lên và thấy cha đang ngồi nơi ngạch cửa, chỗ tiếp giáp giữa phòng khách và nhà bếp. Linh tính báo cho tôi biết đã có một chuyện gì đó rất nghiêm trọng vừa xảy đến cho mình. Tôi lao tới ôm lấy cha. Toàn thân cha lạnh giá. Tôi cố lay, cố gào thét gọi... Nhưng trả lời tôi chỉ có sự im lặng của bóng đêm chung quanh. Trên trần nhà, con thạch sùng tặc lưỡi...

Bệnh tim của cha tôi ngày càng nặng, vậy mà tôi không hề nhận thấy. Giá như tôi đừng đi Quy Nhơn mấy ngày với người yêu thì tôi đã không trở thành đứa trẻ mồ côi... Mỗi lần định cất tiếng gọi "Cha ơi", tôi lại nghẹn lời...

Cô Mai bảo tôi: “Cha không muốn con lo nên không nói... Hai hôm trước, cô sang chơi, cha nói chuyện rất nhiều về con. Cha nói không muốn là gánh nặng, không muốn cản trở hạnh phúc của con...”.

Tôi chỉ còn biết khóc.

Đưa cha về nằm cạnh ông bà nội xong, mẹ và các anh chị bàn nhau đóng cửa nhà, đem tôi theo cùng. Ngay cả anh cũng muốn tôi rời xa nơi này càng sớm càng tốt. Nhưng tôi làm sao có thể bỏ cha trong lúc này? Và có thể, tôi không thể nào từ bỏ được bởi cảm giác tội lỗi cứ đè nặng trong lòng...

Cuối cùng tôi đã chọn lựa dù sự chọn lựa ấy, nếu cha còn sống có thể sẽ không hài lòng. Mẹ, các anh chị và cả anh cũng không mang đến cho tôi cảm giác ấm áp, tin cậy như cảm giác tôi từng có những năm tháng được ở bên cha.

Tôi không biết đó có phải là sự lựa chọn sáng suốt hay không nhưng tôi không hề hối tiếc dù có những đêm nằm một mình, tôi thấy lòng quay quắt một nỗi buồn...

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên