Nghiện ma túy (drug-addiction) hay lạm dụng thuốc (drug abuse) là một trạng thái rối loạn tâm thần và thể chất con người do sử dụng các chất đó. Hậu quả nghiện ma túy là ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tâm thần của người nghiện, là suy sụp về kinh tế, băng hoại đạo đức, phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng, gây rối loạn xã hội và trở thành một tệ nạn cần phải dẹp bỏ.
Trước tác hại ghê gớm của tệ nạn lạm dụng ma túy, việc phòng chống đang là một công việc bức xúc, đòi hỏi mọi lực lượng trong toàn xã hội tích cực tham gia, trong đó ngành y tế đã và đang tiến hành nhiều nghiên cứu để tìm ra những phương pháp y học bằng Tây y và Đông y nhằm tác động để giúp cho người nghiện ma túy có thể cai nghiên như dùng thuốc Methadol, Fuhusa, Bông sen... và các phương pháp tác động tâm lý.
Bác sĩ Lương Tấn Thông, Chủ tịch Hội Đông y - Châm cứu Bình Dương cho biết, theo y học, nghiện ma túy là trạng thái nhiễm độc chất ma túy, nhiễm độc mãn tính hay chu kỳ với những đặc điểm cơ bản như sau: có nhu cầu không cưỡng được phải dùng chất ma túy; liều lượng chất ma túy có khuynh hướng tăng dần lên mới thỏa mãn được nhu cầu về chất ma túy về mặt cơ thể học và tâm thần học (hiện tượng dung nạp); người nghiện biết tác hại của chất ma túy đối với bản thân và xã hội nhưng vẫn tiếp tục dùng. Như vậy 3 trạng thái cơ bản trong nghiện ma túy là trạng thái dung nạp, trạng thái lệ thuộc về mặt cơ thể và trạng thái lệ thuộc về tâm thần.
Khám y học triệu chứng như sau: thiếu ma túy thấy người mệt mỏi, thèm ma túy, tức ngực, khó thở, đau mỏi xương khớp, thắt lưng, rối loại thân nhiệt, ăn ngủ kém, thích ăn chua, mát, uống nước nhiều, bị rối loạn đại tiện...
Nghiện ma túy không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh chính trị. Điều trị cai nghiện ma túy đóng vai trò quan trọng trong chiến lược giảm cầu các loại ma túy. Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam có các loại thuốc và phương pháp điều trị ma túy phổ biến: phương pháp cai khô, dùng các thuốc hướng tâm thần, phương pháp dùng thuốc đối kháng, phương pháp điều trị bằng chất thay thế, phương pháp điện châm...
Bác sĩ Lương Tấn Thông cho biết phương pháp châm cứu đã đem lại kết quả rất khả quan. Châm cứu có tác dụng điều hòa khí huyết, kích thích cơ thể tạo ra những chất mà nó còn thiếu và thải ra những chất không cần thiết, dựa vào những huyệt đạo thích nghi với từng triệu chứng bệnh. Tiến hành châm cứu cho người bệnh khi họ chuẩn bị lên cơn nghiện. Sau 5 phút, cơn nghiện sẽ dịu đi. Châm thêm 20 phút nữa thì cơ thể trở lại bình thường.
Châm cứu góp phần trong việc cắt cơn đói ma túy: Phép trị: Điện châm cắt cơn đói ma túy; luân phiên huyệt nhóm 1 và nhóm 2.
Huyệt nhóm 1: Tả: Trung phủ, Đản trung, Hợp cốc, Thái dương.
Bổ: Túc tam lý, Tam âm giao.
Huyệt nhóm 2: Tả: Khúc trì, Phong trì, Giáp tích L2 - L3, Ủy trung.
Bổ: Thận du, Thái khê.
Thủy châm: Để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, thủy châm luân phiên 2 nhóm huyệt sau: Dùng vitamin B12 (1.000mcg x 1 ống) hoặc dùng vitamin B1 (100mg x 1 ống).
Huyệt nhóm 1: Túc tam lý, Tỳ du, Phế du.
Huyệt nhóm 2: Thận du.
Nguyên tắc điều trị: Là sử dụng liệu pháp tâm lý kết hợp với liệu pháp môi trường, phải tạo ra một môi trường sống lành mạnh với sự quan tâm động viên của gia đình, kết hợp sự tự phấn đấu của bản thân, bệnh nhân phải tự nguyện vào điều trị nội trú tại cơ sở y tế, nhằm tạo một phản xạ có điều kiện sợ ma túy.
Tóm lại các thuốc và phương pháp y học cũng chỉ dừng ở mức độ hỗ trợ cắt cơn nghiện, mà việc hỗ trợ cắt cơn chỉ là một giai đoạn đầu của quá trình cai nghiện, hiện nay chưa có một loại thuốc hay một phương pháp tối ưu nào có thể đáp ứng được về cai nghiện và chống tái nghiện ma túy. Vì vậy, nghị lực của người nghiện và sự chia sẻ, tình thương, sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng vẫn là một yếu tố quyết định để cai nghiện thành công.
T.PHƯƠNG