Chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman: Nhìn từ góc độ pháp lý- Bài 1

Cập nhật: 21-07-2014 | 00:00:00
Bài 1: “Tiền hậu bất nhất”, có hay không?

 Thời gian gần đây, một số chủ cơ sở sản xuất gạch ngói trên địa bàn tỉnh gửi đơn kiến nghị nhiều nơi xin gia hạn thời gian hoạt động của các lò Hoffman. Một vài tờ báo mạng cũng đưa tin kèm theo ý kiến bình luận của một số luật sư và chủ cơ sở sản xuất, cho rằng: “Chính quyền xử lý theo kiểu tiền hậu bất nhất”, “Chính quyền tỉnh Bình Dương làm ngơ nguyện vọng doanh nghiệp và người lao động”, “…ép doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản”…

   DNTN Minh Khánh 1, Tân Phước Khánh, Tân Uyên dọn dẹp chuẩn bị đóng cửa chấm dứt hoạt động lò gạch Hoffman Ảnh: T.BÌNH

 Thậm chí, có ý kiến cho rằng có vấn đề “khuất tất”, “lợi ích nhóm” trong việc đề ra lộ trình chấm dứt lò Hoffman. Sự thật đằng sau câu chuyện chấm dứt hoạt động của các lò gạch Hoffman là gì? Chiều 13- 6-2014, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức buổi thông tin báo chí để cung cấp thông tin về vấn đề này.

Theo lộ trình của UBND tỉnh đưa ra, chậm nhất đến ngày 30-6-2014 các lò gạch sản xuất gạch ngói nung theo công nghệ lò vòng cải tiến (lò Hoffman) phải chấm dứt hoạt động. Căn cứ quan trọng nhất để địa phương đưa ra lộ trình này chính là Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24-7- 2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy định về việc đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung, trong đó nêu rõ trách nhiệm: Chính quyền địa phương phải xây dựng lộ trình di dời các cơ sở gạch, ngói nung ra khỏi khu vực dân cư, đô thị “đến năm 2005 loại khỏi các vùng ven đô thị, thành phố, các thị xã, thị trấn huyện các lò thủ công hiện có, tới năm 2010 không còn lò thủ công sản xuất gạch ngói đất sét nung tại tất cả các địa phương”; đồng thời hướng dẫn các chủ đầu tư lựa chọn giải pháp công nghệ, sấy nung sản phẩm bằng lò tuynel liên hoàn bằng thiết bị sản xuất trong nước (quy định tại điều 6).

Các chủ đầu tư sản xuất gạch, ngói nung phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật; phải có báo cáo đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương (điều 1); đồng thời phải lựa chọn công nghệ, thiết bị sản xuất đạt trình độ tiên tiến, cụ thể là công nghệ tuynel (điều 7). Thực hiện Quyết định của Bộ Xây dựng, ngày 25-7-2001, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 115/2001/QĐ-CT phê duyệt kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gốm sứ, gạch ngói ra khỏi khu đông dân cư, trong đó có xác định lộ trình “đến năm 2005 loại khỏi các khu vực đông dân cư, khu vực đô thị các lò thủ công hiện có, đến năm 2010 chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các lò thủ công”. Đồng thời, để định hướng cho các cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công chuyển đổi địa điểm đầu tư và công nghệ sản xuất sau khi chấm dứt lò gạch thủ công trong giai đoạn 2005 đến năm 2010, ngày 26- 7-2006, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 181/2006/QĐ-UBND quy định về việc bố trí các ngành, nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Xuất phát từ thực tế có một số cơ sở sản xuất gạch ngói tự ý chuyển từ lò nung thủ công sang lò nung công nghệ Hoffman (theo rà soát của Sở Xây dựng và các UBND cấp huyện, năm 2009, toàn tỉnh có 5 cơ sở gạch ngói áp dụng công nghệ Hoffman), năm 2009, UBND tỉnh quyết định giao cho Sở Khoa học - Công nghệ tiến hành thí điểm 1 lò gạch theo công nghệ Hoffman tại Công ty TNHH Việt Linh (Phú Giáo), làm cơ sở để trình Bộ Xây dựng xem xét. Sau thời gian thí điểm, một số sở, ngành của tỉnh báo cáo kết quả và đề xuất UBND tỉnh xem xét chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế, cho phép các lò gạch Hoffman được hoạt động.

Ngày 5-4-2010, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã có Công văn số 458/SXD-KTKT báo cáo, xin ý kiến của Bộ Xây dựng về việc đầu tư xây dựng lò nằm Hoffman thay thế lò đứng thủ công để trả lời cho các cơ sở sản xuất gạch ngói. Tuy nhiên, tại Công văn số 25/ BXD-VLXD ngày 26-4-2010, Bộ Xây dựng trả lời: “Đối với lò nằm Hoffman, chỉ được đầu tư ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, có thị trường tiêu thụ thấp, năng lực nhà đầu tư hạn chế và phải bảo đảm các điều kiện về công nghệ, không gây ô nhiễm môi trường”.

Bình Dương là một tỉnh công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa nhanh, thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng lớn. Mặt khác, mô hình lò Hoffman qua thí điểm đã bộc lộ nhiều hạn chế về công nghệ, vệ sinh môi trường nên căn cứ Công văn số 25/BXD-VLXD của Bộ Xây dựng, ngày 29-6-2010 UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1867/UBND-VX, chỉ đạo: “Từ nay trở đi ngừng việc triển khai mở rộng thí điểm và xây dựng mới lò gạch nằm Hoffman trên địa bàn tỉnh”.

Ngày 15-8-2011, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 252/TB-UBND chỉ đạo UBND các huyện, thị kiểm kê, yêu cầu ngưng hoạt động các lò gạch Hoffman trước ngày 1-10-2011. Ngày 14-2-2012, UBND tỉnh ban hành Công văn số 328/ UBND-KTN đưa ra lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch Hoffman trước ngày 30-6-2012. Cũng trong năm 2012, khi nhận được đơn kiến nghị của các chủ cơ sở sản xuất gạch Hoffman xin được gia hạn hoạt động đến hết năm 2015, Bộ Xây dựng tiến hành khảo sát thực tế tại Bình Dương và sau đó ban hành Công văn số 679/BXD-VLXD ngày 3-5-2012, kết luận: “Các lò Hoffman có cải tiến để tận dụng khí nóng, một số lò khói thải được xử lý qua hệ thống lọc nước. Tuy nhiên, ống khói lò chỉ xây cao 15m không bảo đảm các yếu tố về môi trường, việc ra vào lò hoàn toàn làm bằng thủ công trong môi trường nóng, bụi, không bảo đảm sức khỏe cho người lao động. UBND tỉnh cần chỉ đạo các cấp, các ngành có biện pháp để dừng ngay việc đầu tư mới lò Hoffman trên địa bàn tỉnh; đối với gạch đất sét nung, chỉ được phát triển bằng lò nung Tuynel”.

Căn cứ chỉ đạo của Bộ Xây dựng, ngày 2-7-2012, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 169/TB-UBND về ý kiến kết luận của Chủ tịch Lê Thanh Cung: “Đối với lò Hoffman, lò gạch liên tục kiểu đứng xây dựng trước ngày 29-6-2010 cho phép gia hạn thời gian hoạt động đến ngày 30- 6-2014 chấm dứt vĩnh viễn; đối với lò Hoffman, lò gạch liên tục kiểu đứng xây dựng sau 29-6-2010 (không phép, không đúng quy hoạch); giao UBND cấp huyện xem xét, chấm dứt ngay hoạt động hoặc cho tồn tại nhưng cũng không quá 30-6- 2014”. Chủ trương chấm dứt hoạt động của lò gạch Hoffman là có đầy đủ cơ sở pháp lý, gắn với chính sách phát triển vật liệu xây không nung, hạn chế, đi đến chấm dứt công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường theo đúng chính sách, quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các văn bản chỉ đạo của Bộ Xây dựng, đồng thời cũng phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, công nghiệp của tỉnh Bình Dương.

Vấn đề “tiền hậu bất nhất”, nếu có ở đây chính là việc sau khi Bộ Xây dựng có văn bản chỉ đạo chấm dứt hoạt động của lò Hoffman, UBND tỉnh đã nhiều lần gia hạn thời gian chấm dứt hoạt động, tạo điều kiện để các chủ cơ sở sử dụng hết nguyên liệu và thu hồi vốn đầu tư. Đây là cách giải quyết có tình, có lý, thể hiện sự quan tâm của chính quyền tỉnh Bình Dương đến quyền lợi của các chủ cơ sở sản xuất gạch Hoffman.

Bài 2: Sai phạm hàng loạt ở các cơ sở sản xuất gạch Hoffman

 SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên