Chấm dứt nuôi cá bè trên lòng hồ Dầu Tiếng: Vẫn loay hoay tìm cách giải quyết!

Cập nhật: 09-09-2010 | 00:00:00

Tuy đã có nhiều chính sách khuyến khích di dời và cũng đã có những đợt cưỡng chế nhưng cho đến nay tình hình nuôi cá bè (CB) trên lòng hồ Dầu Tiếng thuộc lưu vực tỉnh quản lý vẫn tiếp tục diễn ra. Vấn đề tất yếu là nguồn nước tại khu vực có các bè cá vẫn đang trong tình trạng ô nhiễm.

Người nuôi cá dây dưa

Lòng hồ Dầu Tiếng lâu nay đã trở thành môi trường chăn nuôi lý tưởng của các hộ nuôi CB vì tại đây có nguồn nước tự nhiên rất ổn định, khu vực hồ thuộc địa phận Bình Dương lại là nơi khuất gió nên rất thuận lợi cho cá phát triển. Chính vì vậy, nhiều năm qua khu vực này đã thu hút nhiều hộ dân từ các địa phương khác đến nuôi CB. Nuôi CB cũng là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng kéo theo một số hệ lụy như ô nhiễm môi trường nước và mất an ninh trật tự.

Nếu không có các biện pháp mạnh thì tình trạng nuôi cá bè sẽ tái diễn

Xác cá chết là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm

Không thể phủ nhận những nỗ lực của UBND huyện Dầu Tiếng trong việc giải quyết vấn đề này. Thông qua các đợt vận động và các đợt cưỡng chế từ năm 2008, đến nay trên lòng hồ Dầu Tiếng chỉ còn 12 bè cá đang tiếp tục nuôi tại khu vực bến Đầu Bò thuộc xã Minh Hòa so với vài chục hộ trước kia. Tuy nhiên việc giải quyết là không dễ, có nhiều hộ nuôi tuy đã cưỡng chế nhưng vẫn nuôi lại. Có nhiều nguyên nhân nhưng có thể dễ dàng nhận ra rằng thời gian qua vẫn chưa thật cương quyết trong việc giải quyết vấn đề. Việc gia hạn thời gian nuôi cho các hộ để họ cải thiện thu nhập cũng đã làm cho các hộ này “lờn” với các biện pháp của UBND huyện. Người nuôi CB cũng đưa ra nhiều lý do để biện minh cho tình trạng dây dưa của họ. Ông Nguyễn Văn Hợi - chủ bè cá tại đây biện minh cho việc nuôi lại của mình: “Lúc trước, UBND huyện có đưa ra quyết định cưỡng chế nhưng chỉ là cưỡng chế với các hộ nuôi cá điêu hồng chứ tôi nuôi cá lăng thì không nằm trong diện phải cưỡng chế nên tôi vẫn cứ nuôi. Tôi cũng không chống đối lại với các quyết định của huyện nhưng khi nào biểu tôi không nuôi nữa thì tôi sẽ không nuôi”. Ông Hợi cũng đã cất nhà trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng nhưng ông vẫn duy trì bè cá của mình. Còn anh Nguyễn Chí Thanh - một chủ bè cá khác thì cho biết: “Năm 2008, UBND huyện có tổ chức cưỡng chế các bè nuôi cá tại đây và tôi cũng đã di dời sang nuôi tại các khu vực khác như đập Thị Tính, hồ Cần Nôm nhưng vì nuôi tại đó chết nhiều quá nên tôi lại quay lại đây nuôi. Tôi cũng có biết về việc huyện sẽ tiếp tục cưỡng chế nhưng tôi cứ nuôi được ngày nào thì hay ngày đó”. Từ một vài hộ nuôi lại đến nay đã có 12 hộ quay lại với việc nuôi CB trên lòng hồ. Con số các hộ nuôi sẽ tiếp tục tăng thêm nếu không có các biện pháp căn cơ để giải quyết vấn đề từ phía các cơ quan liên quan.

Cần giải quyết dứt điểm

Hiện các hộ tại đây nuôi nhiều loại cá khác nhau như điêu hồng, lăng, lóc, sặt... Một số bè cá là nơi sinh sống thường xuyên của các gia đình 2 - 3 thế hệ. Một số hộ là dân địa phương và một số hộ từ các nơi khác đến như Tây Ninh, Bình Phước và một số tỉnh miền Tây. Mọi sinh hoạt như ăn uống, vệ sinh đều được thực hiện ngay trên các bè cá. Khi được hỏi về các tác động của việc nuôi CB đến vấn đề môi trường, tất cả họ đều không hề biết là sẽ gây ảnh hưởng xấu như thế nào. Họ đều cho rằng việc nuôi với quy mô nhỏ và với loại cá họ nuôi sẽ không ảnh hưởng gì xấu đến môi trường. Thực tế cho thấy thức ăn thừa, chất thải, xác cá chết và rác thải sinh hoạt của các hộ dân tại đây chính là các nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước hồ. Một vấn đề nghiêm trọng nữa là một số hộ dân dùng hình thức đánh lưới bắt các loại cá nhỏ tại đây làm nguồn thức ăn cho cá nuôi dẫn đến nguy cơ hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Nhiều hộ dân tại đây cũng rất mong muốn được di chuyển lên đất liền để ổn định cuộc sống nhưng họ vấp phải một số khó khăn như không có đất và cũng không biết làm nghề gì khác ngoài việc nuôi CB.

Trong việc giải quyết vấn đề này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng vẫn cho nuôi nhưng cần kiểm soát chặt, ý kiến khác thì cho rằng cho nuôi hạn chế hoặc là kiên quyết không cho nuôi. Thông qua các ý kiến này cũng cho thấy rằng để giải quyết vấn đề cần có các biện pháp hiệu quả và phù hợp. Ông Nguyễn Phương Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho rằng: “Đối với các hộ nuôi CB là dân địa phương thì UBND huyện sẽ có các biện pháp hỗ trợ di dời và ổn định cuộc sống cho họ, còn các hộ nuôi là dân các địa phương khác rất khó giải quyết. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ có các phương hướng giải quyết dứt điểm tình trạng này như: quy hoạch đất để di dời các hộ dân này, đào tạo cho họ các nghề phù hợp như: trồng nấm, chăn nuôi... Nếu họ muốn duy trì nghề nuôi CB thì có thể bố trí cho họ nuôi tại các địa điểm khác ngoài hồ Dầu Tiếng. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng sẽ phối hợp với các địa phương của các tỉnh khác để giải quyết vấn đề một cách dứt điểm và hiệu quả”.

Đúng là để giải quyết vấn đề này cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía. Nếu không giải quyết triệt để thì vấn đề nuôi cá bè trên hồ Dầu Tiếng sẽ lại tái diễn. Bên cạnh đó khi nguồn nước từ hồ Phước Hòa sẽ được chuyển dẫn về hồ Dầu Tiếng để cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho các địa phương lân cận thì việc bảo vệ nguồn nước tại đây là vấn đề bức thiết.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên