Chấm dứt tình trạng nuôi cá bè trên sông Đồng Nai: Cần một chính sách hỗ trợ hợp tình

Cập nhật: 21-10-2010 | 00:00:00

UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 27-5-2009 về việc bảo vệ môi trường nước trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn không bị ô nhiễm, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực. Trong đó, việc nghiêm cấm nuôi cá bè trên các nhánh sông Đồng Nai và sông Sài Gòn là phải chấm dứt từ cuối năm 2009. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, đã gần 10 tháng mà tình trạng nuôi cá lồng bè trên đoạn sông này vẫn còn tồn tại.

Ô nhiễm môi trường

Việc nuôi cá bè trên sông Đồng Nai, đoạn thuộc địa bàn huyện Tân Uyên: Thái Hòa, Thạnh Hội, Thạnh Phước, Khánh Bình, Bạch Đằng, Thường Tân, Lạc An đã hình thành từ rất lâu và đem lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống của các hộ dân ở đây cũng khấm khá hơn nhiều. Tuy nhiên, hình thức nuôi cá bè trên sông như thế này về lâu về dài sẽ gây ảnh hưởng môi trường trầm trọng, đặc biệt là môi trường nước. Tính đến thời điểm hiện nay vẫn còn hơn 130 hộ tham gia nuôi cá bè trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung nhiều ở xã Lạc An, Thái Hòa, Thạnh Hội. Mỗi lần cho cá ăn ở những bè này, người nuôi thường thả thức ăn trực tiếp xuống bè. Lượng thức ăn thả xuống, một phần cá ăn không hết hoặc một phần thức ăn lọt qua các khe lướt rơi xuống đáy sông. Mỗi nơi có những phương thức cho ăn khác nhau. Mặt khác, số cá chết được các hộ nuôi chế biến lại làm thức ăn cho các gia súc, gia cầm nuôi ngay trên các nhà bè. Phân, thức ăn dư thừa của các vật nuôi này được trực tiếp thả ra dòng sông này gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

 

Vẫn còn tồn tại các hộ nuôi cá bè

Trước tình hình ô nhiễm môi trường nguồn nước do việc nuôi cá bè trên sông Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 13/CT-UBND. Theo đó, các hộ dân nuôi cá bè trên sông Đồng Nai đoạn thuộc huyện Tân Uyên phải chấm dứt từ cuối năm 2009. Song, tình trạng nuôi cá bè trên địa bàn huyện Tân Uyên vẫn đang tiếp diễn. Mặc dù, chính quyền địa phương ở đây thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, tiến hành lập biên bản cam kết đối với từng hộ nuôi cá bè. Trong đó đã quy định cụ thể chủ hộ chỉ được nuôi đến hết chu kỳ theo từng loại thủy sản, không được nuôi tiếp, đồng thời tự tháo gỡ lồng bè sau khi hết chu kỳ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Tân Uyên cho biết: “Nguyên nhân tăng là do khi đoàn thống kê đến làm việc, lập phiếu điều tra thì các hộ chia thành nhiều cá nhân nuôi. Ngoài ra, số lồng bè của các số hộ ngưng nuôi thì chuyển nhượng lại cho những hộ còn nuôi. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá bè cũng đề nghị hỗ trợ vay vốn chuyển đổi ngành nghề khi chấm dứt nuôi cá bè”.

Một bài toán khó

Trong thời quan qua, tại xã Thạnh Phước, số hộ nuôi cá bè giảm đáng kể. Tính đến thời điểm này, chỉ còn lại 3 hộ nuôi cá bè với tổng số 12 lồng. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cho biết: “Địa phương đã tiến hành tuyên truyền giải thích cho người dân biết vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Theo tinh thần của Chỉ thị 13, địa phương đã tạo nhiều điều kiện để người dân chuyển đổi ngành nghề như: hỗ trợ vay vốn, bố trí đất công để người dân nhận sản xuất, ngoài ra hướng dẫn khoa học kỹ thuật và tham gia vào tổ sản xuất rau an toàn của địa phương. Đồng thời, tác động ý thức của người dân không chỉ vì quyền lợi của một vài hộ cá nhân mà ảnh hưởng chung của toàn cộng đồng trong việc sử dụng nguồn nước. Qua tuyên truyền vận động giải thích, người dân đã ý thức và chấp hành tốt. Còn lại 3 hộ thì họ cũng đã cam kết chấm dứt sau khi hết chu kỳ và sẽ chuyển đổi ngành nghề”. Người dân mong muốn có những chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, trong các chủ trương của tỉnh hỗ trợ các chi phí để ổn định đời sống và các vấn đề chính sách xã hội liên quan. Đồng thời, triển khai chỉ đạo đồng bộ việc chấm dứt tình trạng nuôi cá bè trên sông Đồng Nai đoạn thuộc huyện Tân Uyên, một số xã lân cận vẫn còn tồn tại rất nhiều, từ đó ảnh hưởng khó khăn cho địa phương về nhiều mặt.

Trong quá trình vận động, thành lập đoàn kiểm tra các hộ nuôi cá bè, nhiều vấn đề nan giải cần được giải quyết. UBND xã Thạnh Hội cũng nhận được nhiều phản ánh từ các hộ nuôi cá bè. Tại sao tại địa phương thì cấm nuôi cá bè, nhưng một số xã ven sông Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Tân Uyên vẫn còn tồn tại. Và ngay tại địa phương, nhiều hộ ngưng nuôi cá bè nhưng lại cho thuê bãi để người khác làm (không phải người địa phương). Cũng vì sự chưa kiên quyết và giải quyết không đồng bộ nên tình trạng dây dưa kéo dài cho đến ngày hôm nay. Hộ anh Mai Văn C. ở ấp Tân Hội (xã Thạnh Hội) đã tham gia nuôi cá bè từ hơn 8 năm nay, với tổng số bè hiện nay đã lên con số 40. Là một trong những hộ nuôi cá bè nhiều nhất ở xã Thạnh Hội. Khi được hỏi về tình trạng chấm dứt nuôi cá trên sông nữa, anh trả lời một cách tiếc nuối: “Gia đình tôi từ đó đến nay sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá bè này, bây giờ ngưng nuôi nữa thì chúng tôi cũng cảm thấy buồn và lo. Kinh tế gia đình sau này chắc phải vất vả hơn nhiều. Chủ trương của Nhà nước thì phải chấp hành. Người ta như thế nào thì gia đình tôi như thế đấy. Nhưng tôi cũng mong sao Nhà nước có những chính sách hỗ trợ hợp lý cho những hộ nuôi cá bè này. Vì chúng tôi đã bỏ biết bao vốn liếng vào đây, mà bây giờ phải chấm dứt thì không biết lấy đâu ra mà thu hồi vốn lại nữa”.

Để giải quyết thực trạng này một cách triệt để và hợp lòng dân thì đây quả là một bài toán khó. Ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội cho biết: “Tại địa phương, chủ yếu vận động là chính và thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc các hộ nuôi cá phải chấm dứt ngay sau khi chu kỳ hết, không được thả giống cá mới nữa. Đồng thời cần phải giải quyết sao cho đồng bộ và có biện pháp kiên quyết hơn trong việc kiểm tra thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của UBND tỉnh”.

THOẠI PHƯƠNG

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Tân Uyên cho biết: “Phòng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn ven sông Đồng Nai tiến hành lập biên bản cam kết đối với từng hộ nuôi cá bè, trong đó đã quy định cụ thể chủ hộ chỉ được nuôi đến hết chu kỳ theo từng loại thủy sản, không được nuôi tiếp, đồng thời tự tháo gỡ lồng bè sau khi hết chu kỳ. Tuy nhiên trong quá trình theo dõi thực hiện ngưng nuôi cá bè trên sông Đồng Nai đã phát sinh việc người dân tự ý thả cá nuôi tiếp. Vì vậy, Phòng Kinh tế huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện ban hành tiếp Công văn số 2382/UBND-SX ngày 16-10-2009; Văn bản số 62/UBND-SX ngày 11-1-2010 và Văn bản số 272/KT ngày 27-8-2010 của Phòng Kinh tế với nội dung nhắc nhở các xã, thị trấn trong việc kiểm tra, đôn đốc các chủ hộ thực hiện ngưng nuôi cá bè theo cam kết”.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên