Chăm lo cho người lao động: Học cách làm của doanh nghiệp Nhật Bản

Cập nhật: 17-10-2011 | 00:00:00

Tính đến nay, Bình Dương thu hút được 2.070 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký lên đến 14,5 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia có số lượng dự án và vốn đầu tư nhiều nhất với trên 160 dự án,  tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào các lĩnh vực như sản xuất ô tô, linh kiện phụ tùng, thực phẩm chế biến, nước giải khát, hàng tiêu dùng, hàng may mặc... Quá trình hoạt động tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản thực hiện tốt chính sách của Nhà nước, góp phần phát triển công nghiệp tỉnh nhà; đồng thời chăm lo tốt đời sống người lao động (NLĐ) và có nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng...  Quan tâm đến NLĐ sẽ đem lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh (Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Showa Gloves Viet Nam)

15 năm hoạt động tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1 (KCN VSIP 1), Công ty Rohto-Mentholatum Việt Nam không chỉ đi đầu về đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại tiên tiến mà còn có nhiều hoạt động thiết thực, hướng về cộng đồng. Với những hoạt động thiết thực như chương trình khám mắt miễn phí tại các trường THPT, chăm sóc mắt cho trẻ em, khám da miễn phí, phòng bệnh sốt xuất huyết, trao học bổng cho học sinh nghèo và Quỹ nạn nhân thiên tai... Rohto-Mentholatum đã trở nên gần gũi hơn với người Việt Nam. Hưởng ứng Ngày thị giác thế giới 10-10 năm nay, từ ngày 8 đến 30-10 Công ty Rohto-Mentholatum Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình chăm sóc mắt cộng đồng với chủ đề “Mắt sáng hướng tới tương lai” tại 6 tỉnh, thành trong cả nước như TP.HCM, Hà nội, Nghệ An, Ninh Thuận, Sóc Trăng và Hậu Giang. Ngoài ra, tại mỗi tỉnh, thành, công ty  còn tài trợ 10 ca mổ đục thủy tinh thể. Đây là hoạt động hướng về cộng đồng thường niên mà Công ty Rohto-Mentholatum Việt Nam đã thực hiện từ năm 2006 đến nay. Nói về Công ty Rohto-Mentholatum Việt Nam, Phó Trưởng ban quản lý KCN VSIP Lý Hùng cho rằng, đây là một DN điển hình trong hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như những hoạt động hướng về cộng đồng. 

 Với Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (TX.Thuận An), từ khi đi vào hoạt động năm 2003 đến nay, công ty luôn chăm lo tốt đời sống vật chất tinh thần cho NLĐ. Trong lần đến tìm hiểu đời sống công nhân (CN), trước cuộc sống của 5 - 6 CN trong một căn nhà trọ vừa thấp, bé và nóng, lãnh đạo công ty đã quyết định xây dựng một khu nhà ở cho CN. Năm 2008, khu nhà này khánh thành đưa vào hoạt động tại phường An Phú. Đây là một trong những khu nhà phục vụ CN được trang bị đầy đủ nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư xây dựng lên đến 1,5 triệu USD, quy mô xây dựng trên diện tích đất 8.546m2 gồm 1 trệt 4 lầu với 70 phòng gồm 61 phòng ở và 9 phòng sinh hoạt chung. Với việc đầu tư lớn và sự quan tâm từ lãnh đạo, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam không chỉ đem đến cho NLĐ sự thỏa mãn về vật chất mà tinh thần cũng thật sự thoải mái. Nhờ vậy, sự gắn bó giữa DN sử dụng lao động và NLĐ càng hiểu và xích lại gần nhau hơn. Cũng như Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, Công ty TNHH Showa Gloves Viet Nam tại KCN VSIP 1 cũng có chính sách với NLĐ rất tốt, mặc dù có số lượng công nhân làm việc khá đông với 1.050 CN hiện tại nhưng lãnh đạo công ty đã cố gắng nhiều trong việc chăm lo phúc lợi cho công nhân. Cụ thể, công ty đã đầu tư xây dựng một ký túc xá cho CN và đưa vào hoạt động từ năm 2008. Ký túc xá CN này có 4 tầng với 134 phòng, mỗi phòng đủ chỗ sinh hoạt nghỉ ngơi cho 4 CN. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Showa Gloves Viet Nam Keizo Shato, công ty đang có kế hoạch xây thêm 2 tòa nhà tương tự cho cả nữ và nam CN tại đây để giúp họ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với công ty.

Ở nhà máy Công ty TNHH Toyotsu Vehitecs Việt Nam, chuyên sản xuất hàng may mặc đồng phục vừa đi vào hoạt động vào tháng 7 tại KCN Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát có diện tích gần 7.400m2 với tổng vốn đầu tư 1,5 triệu USD, hoạt động với 10 dây chuyền sản xuất với số lượng đạt 360.000 sản phẩm may mặc và 300.000 sản phẩm may thêu/năm. Toàn bộ sản phẩm này được xuất khẩu về Nhật để cung cấp cho các hãng xe nổi tiếng như Toyota, Suzuki, Mitsubishi. Ngoài mức lương bình quân gần 4 triệu đồng/tháng, bảo đảm cuộc sống ổn định cho CN, công ty còn quan tâm đến sức khỏe NLĐ từ những việc làm nhỏ bé nhưng có ý nghĩa lớn. Cụ thể, tại nhà máy, công ty có khoảng 150 CN thì cũng có chừng đó số lượng ca uống nước được đánh số dành riêng cho từng CN để bảo đảm vệ sinh; tại nhà ăn công ty cũng rất gọn gàng và ngăn nắp... Nói như lãnh đạo Công ty TNHH Toyotsu Vehitecs Việt Nam, vốn quý báu nhất của con người chính là sức khỏe, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ là trách nhiệm của DN.

Quan tâm và có chính sách với NLĐ không chỉ ở DN đã đi vào hoạt động như trên. Ở Tập đoàn Finecs, để chuẩn bị xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện cho con chíp máy tính, điện thoại di động, điện tử kỹ thuật số tại KCN VSIP 1 sắp tới với vốn đầu tư 7 triệu USD, Finecs đã tiếp nhận và đưa sang Nhật đào tạo trên 50 tu nghiệp sinh Việt Nam đến từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Mới đây, đại diện Tập đoàn Finecs, ông Hiroyasu Ejiri cho biết, để tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam an tâm học tập tại Nhật, Finecs đã xây dựng khu ký túc xá riêng cho các sinh viên Việt Nam. Tại ký túc xá, Finecs thiết kế và trang trí rất Việt Nam để giúp các sinh viên đỡ buồn và quên đi việc nhớ nhà.

Trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt về nguồn lực hiện nay, sự quan tâm và đãi ngộ tương xứng đối với NLĐ cũng như các hoạt động hướng về cộng đồng đã giúp các DN trên tạo dựng được hình ảnh thân thiện. Chính sự quan tâm này làm NLĐ có trách nhiệm, gắn bó hơn và giúp DN ổn định nguồn lực để hoạt động hiệu quả. Đây là bài học kinh nghiệm mà các DN khác cần quan tâm.

TRỌNG MINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên