Chăm sóc người cao tuổi khi Việt Nam đang già hóa dân số

Cập nhật: 30-09-2012 | 00:00:00

Hiện nước ta có khoảng 8,65 triệu người cao tuổi, chiếm 9,9% dân số.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số một cách nhanh chóng. Già hóa dân số đang tạo ra nhiều thách thức về kinh tế - xã hội của nước ta. Do vậy, việc quan tâm, chăm lo đến sức khỏe cho người cao tuổi là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước cũng như cả cộng đồng, để người cao tuổi tiếp tục cống hiến khả năng, kinh nghiệm cho xã hội.

  Tư vấn y tế cho người cao tuổi.Sau hơn 2 năm hoạt động, câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau” ở thôn Tự Nhiên, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa như trở thành tổ ấm thứ hai của người cao tuổi nơi đây. Ở câu lạc bộ, người già trong thôn được gặp gỡ, chia sẻ tình cảm và động viên nhau trong cuộc sống, làm vơi bớt nỗi cô đơn tuổi già. Tại đây, họ được tuyên truyền về nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; hướng dẫn các kiến thức về chăm sóc, giữ gìn sức khỏe và được vay vốn để ai còn sức khỏe thì sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống mà không phải phụ thuộc nhiều vào con cháu.

Bà Trịnh Thị Chung, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: “Trước đây, con cháu cứ cho rằng người già bây giờ chỉ ăn rồi ngồi chơi thế thôi, nhưng bây giờ người già cũng biết làm kinh tế và cải thiện cuộc sống gia đình. Do đó, con cháu phấn chấn hơn, cho rằng người già vẫn có nhiều kinh nghiệm và  tri thức nhất định, chỉ là trước đây chưa được phát huy. Khi vào câu lạc bộ và có cơ hội phát huy khả năng thì người già chúng tôi làm việc, sinh hoạt rất sôi nổi, nhiệt tình và vui vẻ hơn”.

“Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau” như ở xã Hoằng Trung, được coi là một mô hình tốt nhằm giải quyết các vấn đề của người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay cả nước mới có khoảng 500 câu lạc bộ đang hoạt động ở 10 tỉnh, thành. Trong khi đó, số lượng người cao tuổi ở Việt Nam đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác. Điều này một mặt phản ánh những thành tựu của đất nước trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng là cũng thách thức lớn khi kinh tế đất nước đang trong thời kỳ phát triển. Do đó, các chế độ chính sách đảm bảo về chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp... cho người cao tuổi là một bài toán khó khăn.

Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng: Việt Nam chuyển từ dân số vàng sang già hóa rồi từ già hóa sang dân số già trong thời gian rất nhanh, nên đây thực sự là thách thức với nước ta. Đa số người cao tuổi hiện nay đang sống ở nông thôn, đời sống còn khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ sở về y tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe, chăm sóc về văn hóa, thể dục, thể thao…cho người cao tuổi còn hạn chế. Do đó, cần có sự quan tâm hơn của Đảng, Nhà nước và xã hội thì mới có thể nâng dần mức sống và thật sự làm cho người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích.

Số liệu Điều tra về người cao tuổi năm 2011 cho thấy, hiện có 39% người cao tuổi Việt Nam vẫn làm việc. Theo Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam Burce Campbell, người cao tuổi khỏe mạnh chính là nguồn nhân lực quý giá mà chúng ta chưa sử dụng đến. Nếu được hỗ trợ một cách phù hợp thì người cao tuổi có thể tiếp tục đóng góp to lớn cho gia đình, cộng đồng và quốc gia: “Chúng ta cần nhớ rằng người cao tuổi hiện nay là những người trẻ tuổi trước đây, và người trẻ tuổi hiện nay sẽ là thế hệ người cao tuổi trong tương lai. Vì vậy, đầu tư cho y tế, giáo dục và tạo việc làm ổn định cho thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ người cao tuổi trong tương lai. Tất cả người cao tuổi cần được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và chăm sóc y tế; họ cần được sống khỏe mạnh và được đóng góp kỹ năng cũng như kinh nghiệm quý báu của mình cho xã hội”.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Ủy viên thường trực Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam khẳng định: chăm sóc người cao tuổi cả về đời sống vật chất và tinh thần luôn là nội dung quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam ở mọi giai đoạn phát triển đất nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 17% người cao tuổi thuộc diện nghèo và 95% người cao tuổi phải chịu gánh nặng về bệnh tật. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tập trung triển khai các chương trình, giải pháp tích cực dành cho người cao tuổi.

Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi 2012-2020 đang hoàn thiện để trình Thủ tướng phê duyệt. Chương trình gồm nhiều dự án, như: phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng; dự án chia sẻ của người cao tuổi trong các câu lạc bộ. Đồng thời huy động xã hội hóa chăm sóc người cao tuổi như xây dựng nhà dưỡng lão, trung tâm văn hóa…để người cao tuổi có điều kiện sống đảm bảo về vật chất và tinh thần.

Trong giai đoạn tới, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi sẽ tiếp tục tăng cao. Vì vậy, Việt Nam cần có những chính sách để phát huy và chăm sóc người cao tuổi ngày một tốt hơn, để họ tiếp tục đóng góp kiến thức và kinh nghiệm cho sự phát triển đất nước.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên