Chăm sóc trẻ em trong gia đình

Cập nhật: 23-11-2011 | 00:00:00
Một trong những hoạt động chính của các Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững là góp nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho trẻ em...

Chăm sóc sức khỏe trẻ em là sự hiểu biết và thực hành quan tâm đến thể chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình dành cho trẻ em, nhằm giúp cho trẻ em có cuộc sống tốt nhất. Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em cần phải có sự hiểu biết về tâm sinh lý của trẻ em và sự quan tâm chu đáo của các thành viên trong gia đình dành cho các em.

Chăm sóc trẻ từ 0 đến 3 tuổi, chăm sóc phát triển thể chất của trẻ gồm: tăng trưởng về cân nặng, tăng trưởng về chiều cao, sự phát triển của xương, sự phát triển của não, sự phát triển của các giác quan và vận động.

Các kỹ năng cơ bản để chăm sóc phát triển thể chất của trẻ cần chú ý như: Cho trẻ ăn đầy đủ và khoa học (nuôi con bằng sữa mẹ, sữa ngoài và cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ trên 6 tháng tuổi); theo dõi sự tăng cân và chiều cao của trẻ; chăm sóc trẻ chu đáo, ân cần; giúp trẻ phát triển vận động; chăm sóc vệ sinh sạch sẽ cho trẻ; chăm sóc giấc ngủ cho trẻ...

Các thành viên trong câu lạc bộ cũng trao đổi về những hiện tượng thường gặp cần chú ý điều chỉnh ở trẻ từ 0 đến 3 tuổi như: trẻ khóc quá nhiều, biếng ăn, trẻ bị nấc, trẻ giật mình, trẻ mọc răng.

Một số bệnh thường gặp ở trẻ từ 0 đến 3 tuổi là: khó tiêu, táo bón, tiêu chảy... trớ và nôn mửa, các bệnh ở miệng như tưa miệng, viêm miệng, các bệnh ở ngoài da như đóng vẩy, nổi mụn nhọt, hội chứng sốt cao co giật... cũng được các bà mẹ có con nhỏ thảo luận, trao đổi cùng nhau để có cách chăm sóc con tốt hơn.

Chăm sóc trẻ từ 3 đến 6 tuổi, chăm sóc giấc ngủ:  bảo đảm cho trẻ cần ngủ trong ngày từ 10-12 tiếng đồng hồ. Vệ sinh thân thể sạch sẽ: Trẻ cần được tắm, gội, rửa mặt sạch hàng ngày. Hàng tuần, nên cắt móng tay cho trẻ; rửa tay cho trẻ sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi. Vệ sinh răng miệng: Tập cho trẻ 3 tuổi đánh răng hàng ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ. Khám răng định kỳ để phát hiện sớm răng sâu và chữa trị kịp thời. Vệ sinh tai, mũi, họng: giữ ấm cổ, ngực và đôi chân trẻ về mùa đông, không dùng vật cứng ngoáy tai, mũi của trẻ.

Vệ sinh đôi mắt: Trẻ phải có khăn mặt riêng, không dùng chung chậu với người lớn. Không bắt trẻ chú ý đọc sách quá sớm, không xem tranh ảnh ở những nơi thiếu ánh sáng. Nên cho trẻ chơi dưới ánh sáng tự nhiên.

Chăm sóc dinh dưỡng: Bữa ăn của trẻ cần được bảo đảm về số lượng bữa ăn trong ngày, bảo đảm về chất lượng bữa ăn và chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi.

 Đề phòng tai nạn thương tích: bỏng, giao thông, ngạt nước, ngộ độc thức ăn và nước uống, động vật cắn, húc, điện giật...

 Đề phòng và chữa trị một số căn bệnh thường gặp: Viêm ngoài tai, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, bệnh tiêu chảy, bệnh lỵ, bệnh còi xương, bệnh đau mắt đỏ, bệnh sâu răng, hội chứng co giật, đau bụng do giun...

Với cách làm mỗi lần sinh hoạt câu lạc bộ là một chủ đề chính như: Chăm sóc người cao tuổi, chăm sóc phụ nữ và chăm sóc trẻ em như những lần vừa qua, các thành viên câu lạc bộ rất háo hức tham dự. Với chăm sóc trẻ hiện nay, các bà mẹ còn quan tâm hơn khi dịch chân tay miệng lan khắp. Nhiều người cho biết, họ đã được trang bị kiến thức chăm sóc con cái từ những lần sinh hoạt câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Đó cũng là thành công của mô hình sinh hoạt tập thể này...

Q.NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên