Chấn chỉnh kịp thời

Cập nhật: 11-02-2011 | 00:00:00

Ngày 9.2, tức mùng 7 Tết Tân Mão, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Công điện của Thủ tướng phát ra vào đúng lúc các vùng miền cả nước bước vào mùa lễ hội, được dư luận đánh giá cao về tính kịp thời của công tác chấn chỉnh khi mà mọi việc mới  bắt đầu.

Tránh tình trạng như các năm trước, chỉ tới khi tại các lễ hội xảy ra quá nhiều hiện tượng tiêu cực, vi phạm, phản tín ngưỡng… thì mới thấy có chỉ đạo chấn chỉnh của các cơ quan hữu trách, dẫn tới tình trạng lúng túng, bị động và kết cục tất yếu là công tác chấn chỉnh không đạt được hiệu quả. Một vấn đề quan trọng, đó là sự phân cấp trách nhiệm quản lý lễ hội, Thủ tướng yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về lễ hội ở địa phương mình. Như vậy tình trạng “nhiều sư sãi không ai đóng cửa chùa” như vẫn nói đã được loại bỏ. Tình trạng đổ trách nhiệm cho nhau giữa địa phương, bộ chủ quản, chủ lễ hội… chắc chắn năm nay sẽ được hạn chế.

Với công điện của Thủ tướng thì các biểu hiện mê tín, dị đoan, đốt vàng mã thái quá, đặt hòm công đức tùy tiện, rồi việc nâng giá, ép giá diễn ra ở hầu hết các lễ hội gây bức xúc trong nhân dân và du khách nhiều năm nay… hy vọng cũng sẽ được giảm hẳn với sự tăng cường kiểm tra, thanh tra của các cơ quan. Đối với các lễ hội có quy mô lớn như: Chùa Hương, Yên Tử, Phủ Dày, hội Lim, đền Hùng, đền Trần, Bà Chúa Xứ..., công điện yêu cầu các cơ quan hữu quan phải có phương án đảm bảo, để tuyệt đối không  xảy ra tình trạng cháy nổ, mất an toàn, ùn tắc giao thông. Đây thực sự là một vấn đề lớn vì nó liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân. Không ít bài học đau xót đã được rút ra từ các sự cố mất an toàn, cháy nổ.

Một điều nhỏ nhưng đáng chú ý ở công điện này, đó là quy định việc mời khách trung ương về dự lễ hội phải có ý kiến thống nhất của Bộ VHTTDL. Điều này cho thấy Thủ tướng Chính phủ không muốn tái diễn tình trạng có lễ hội có quá nhiều lãnh đạo trung ương về dự, trong khi tại lễ hội khác không có lãnh đạo trung ương nào về dự, động viên...

Gần đây, một vấn đề mới nảy sinh đó là có hiện tượng một số bài báo đưa tin thiếu khách quan, giật gân câu khách gây nên những hiểu lầm, những xôn xao tiêu cực trong xã hội không đáng có, làm mất đi tính tích cực của công tác tuyên truyền. Trước tình hình đó, trong công điện Thủ tướng yêu cầu rất cụ thể đối với các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin có thời lượng hợp lý, không quảng bá các hoạt động lễ hội có tính thương mại, có hình ảnh phản cảm...

Một vấn đề gây bức xức trong dư luận xã hội nhiều năm qua là việc tổ chức tràn lan quá nhiều lễ hội (mỗi năm hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ) gây lãng phí tốn kém, mệt mỏi cho nhân dân cũng đã được Thủ tướng quán triệt lại bằng việc yêu cầu các địa phương, cơ quan chủ quản nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh...

Công điện của Thủ tướng đã ban hành kịp thời với nội dung rất cụ thể, rốt ráo. Vấn đề còn lại là các tổ chức, cá nhân  được giao nhiệm vụ phải thực thi có trách nhiệm và hơn nữa là ý thức tự giác của người dân tham gia lễ hội. Chúng ta có cơ sở để hy vọng rằng mùa lễ hội năm nay sẽ có bước chuyển biến căn bản nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực, vi phạm trong mùa lễ hội, trả lại cho lễ hội Việt Nam vẻ đẹp và giá trị cao quý.

Theo LĐO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên