Chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm

Cập nhật: 04-11-2019 | 08:37:59

Dạy thêm, học thêm (DTHT) luôn là vấn đề nóng, được xã hội quan tâm. Ngoài tính tích cực của hoạt động này nhằm bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi, phụ đạo HS yếu kém, DTHT còn bị lạm dụng, gây bức xúc cho xã hội. Chấn chỉnh hoạt động này, vừa qua Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Quyết định số 2499 về việc công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư số 17/2012 quy định về DTHT.

 

Giáo viên tận tâm, học sinh không cần học thêm (ảnh minh họa)

 Theo Quyết định số 2499 của Bộ GD-ĐT, một số điều của Thông tư 17/2012 quy định về DTHT, gồm các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 hết hiệu lực. Như vậy, theo quyết định này thì việc tổ chức DTHT ngoài nhà trường không còn áp dụng. Với Quyết định số 2499, tổ chức, cá nhân không được phép tổ chức DTHT như trước đây.

Nhìn lại hoạt động DTHT trên địa bàn tỉnh cho thấy, đến thời điểm hiện tại, giáo viên vẫn còn tổ chức DT và HS vẫn đi HT bình thường. Hoạt động DT trên địa bàn tỉnh chủ yếu là HS đến nhà giáo viên học. Chị Phan Thị Mỹ Trinh, có con đang học lớp 8 chia sẻ, chị có biết đến thông tin không còn hình thức DTHT ngoài nhà trường, nhưng giáo viên chưa có thông báo mới, nên con chị vẫn học thêm. Anh Nguyễn Quốc Lộc, có con đang học lớp 9 tại một trường THCS ở TP.Thủ Dầu Một, cho biết con anh học thêm các môn toán, tiếng Anh, hóa học. Anh tâm sự: “Tôi cũng mong muốn sớm chấm dứt tình trạng này để con em bớt áp lực học tập, phụ huynh bớt vất vả. Vì thực tế, ngoài những em có nhu cầu HT để phát huy năng lực ở môn học, thì vẫn còn có HS học để đối phó với giáo viên. Theo tôi, các em học ở trường đã đủ, giáo viên cần hướng dẫn các em tự học, rèn luyện thêm ở nhà để nâng cao kiến thức”.

Rõ ràng, hoạt động DTHT trong tỉnh vẫn diễn ra “sôi động” như trước khi Quyết định số 2499 của Bộ GD-ĐT ban hành. Ngay cả với HS tiểu học đang học ở những trường dạy 2 buổi/ngày vẫn đi HT. Chị Huỳnh Thị Ngọc, có con đang học lớp 5 tâm sự: “Thấy con học cả ngày ở trường, nhưng mỗi tuần thêm 2 buổi học thêm vào buổi chiều tối tôi xót lắm. Nhưng không cho con HT tôi không an tâm, bởi e rằng con mình không HT sẽ trở thành khác biệt trong lớp”. Về phía ngành, khi được hỏi vì sao vẫn còn tình trạng DTHT khi Quyết định 2499 của Bộ GD-ĐT đã ban hành, cô Phạm Thị Hoa Hòa, Phó phòng GD-ĐT TP.Thủ Dầu Một giải thích, Phòng GD-ĐT thực hiện cấp phép hoạt động DT theo năm học, có những trường hợp vừa được cấp phép trong hè nên giấy phép vẫn còn hiệu lực. Phòng sẽ tiếp tục giám sát hoạt động DT, nếu phát hiện trường hợp giấy phép hết thời hạn mà người tổ chức DT vẫn còn hoạt động sẽ xử lý dứt điểm.

Không nên để việc HT trở thành áp lực đối với HS. Phải nhìn nhận rằng, việc HS HT một phần cũng do tâm lý của phụ huynh. Có những bậc cha mẹ bắt buộc con học nhiều môn học, khiến cho các em bị nhồi nhét kiến thức và HS sẽ sợ học. Và có lúc, có nơi, HS đi học thêm bởi áp lực từ phía giáo viên. Theo quy định, giáo viên DT nhằm củng cố kiến thức HS đã học, nhưng một bộ phận giáo viên tổ chức DT trước chương trình. Khi vào lớp, do một số em đã biết trước bài học nên giáo viên dạy lướt qua, do đó muốn hiểu bài những em còn lại phải đi HT. Và theo quan sát của chúng tôi, hoạt động DT ở bậc THPT có nơi đã được thương mại hóa. Một phụ huynh cho biết có môn học các em đóng tiền theo giờ học, từ 25.000 - 30.000 đồng/giờ, học ngày nào các em đóng ngay ngày đó. Chính hình thức HT này mà tình thầy trò không còn như xưa, HS cũng giảm bớt hứng thú đi học...

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X