Chặn đà tăng giá: Các biện pháp liệu có hiệu quả!

Cập nhật: 15-06-2010 | 00:00:00

  Bình ổn giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu là mong mỏi của người tiêu dùngThị trường lại bước vào đợt tăng giá mới, trong đó tập trung nhiều nhất vào nhóm hàng lương thực thực phẩm với mức tăng từ 5 - 20%. Theo nhận định của ngành chức năng, việc tăng giá hiện nay là do tình hình thời tiết, dịch bệnh dẫn đến mất cân đối về cung cầu. Tuy nhiên, đây là mức tăng có tính thời vụ, khi thời tiết thuận lợi, giá sẽ bình ổn trở lại.

 Giá tăng, người bán cũng mệt!

Tháng 4, 5 được xem là mùa thấp điểm nhất đối với hoạt động thương mại, ngay cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Năm nay, quy luật đó vẫn không thay đổi, song giá các mặt hàng lại tăng rất cao dù tiêu thụ hàng hóa rất chậm. Giá các mặt hàng lương thực thực phẩm từ rau tươi, gia súc, gia cầm, thủy hải sản cho đến các loại đậu, trái cây... vẫn đang leo thang từ 10 -20% thậm chí có loại giá tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Do nắng nóng, các loại rau, củ quả Đà Lạt tăng thêm 5.000 đồng/kg, dưa leo, hẹ, hành lá, cà nâu, bí, bầu, mồng tơi... tăng trung bình 2.000 - 4.000 đồng/kg...

Đối với mặt hàng thịt heo, mặc dù giá xuất chuồng giảm mạnh, lượng tiêu thụ cũng giảm, song giá heo thịt bán lẻ tại các chợ vẫn không hề giảm. Tuy nhiên, do dịch tai xanh bùng phát, người tiêu dùng e ngại thịt heo, vì thế xu hướng chuyển chọn những thực phẩm khác như cá, cua, tôm, trứng, thịt gà, thịt bò... thay cho thịt heo của các bà nội trợ đã làm giá cả các mặt hàng này theo đó mà tăng lên. Đứng đầu về mức độ tăng giá là các loại cá. Trong đó, các loại cá lóc, cá rô, cua đồng, cá thu, cá điêu hồng, tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Cá biệt loại cá có mức “leo” giá rất cao như cá thát lát, cá kèo từ 150.000 đồng tăng lên 200.000 đồng/kg. Các loại mực lá loại lớn 115.000 đồng/kg; mực ống 105.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng/kg); giá tôm sú, tôm càng cũng tăng từ 5.000 - 15.000 đồng/kg.

Bà Nga - tiểu thương ở chợ TX.TDM than thở, rau tăng giá vì nguồn cung không dồi dào như trước nữa. Dù những ngày qua đã có mưa song lượng mưa ít và thất thường khiến rau hư, dập úa nên càng khan hiếm hàng hóa, rau sống các loại đã tăng từ 8.000 lên 12.000 đồng/kg và đang tăng lên 25.000 đồng/kg. Cũng do giá rau tăng mạnh nên nhiều ngày qua rất khó bán hàng, bà chỉ nhập một lượng vừa phải đủ để cung cấp cho nhu cầu của khách quen. Bà tính toán để sao đến tầm giữa trưa là phải tiêu thụ hết hàng, không để sót đến hôm sau sẽ bị lỗ nặng. Theo bà, kinh doanh trong tình hình giá cả biến động tăng rất mệt mỏi. Bà chỉ mong giá ổn định để tình hình mua, bán thuận lợi hơn.

Siêu thị khó kìm giữ giá 

Khác với chợ, giá cả hàng hóa ở các trung tâm thương mại và siêu thị luôn có xu hướng ổn định nhờ vào lượng hàng dự trữ lớn. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay các siêu thị đã nhận được thông báo tăng giá của khá nhiều nhà cung cấp, chủ yếu là mặt hàng nước giải khát và thực phẩm chế biến đông lạnh với mức tăng từ 7 - 10%. Sau một thời gian thương lượng với nhà cung cấp để kéo dài việc kìm giá, các nơi này đã nhận được yêu cầu tăng giá, bắt đầu từ tháng 7. Theo đại diện Citimart Bình Dương, siêu thị đã nhận được thông báo tăng giá của nhiều nhà cung cấp, hiện tại giá cả các mặt hàng tại siêu thị vẫn chưa thay đổi tuy nhiên siêu thị sẽ phải áp dụng giá mới sau khi nhập hàng mới.

Nhìn chung trên thị trường, có thể thấy thực phẩm là nhóm hàng dễ biến động giá nhất. Theo các nhà cung cấp, ngoài việc tăng giá do nguyên liệu đầu vào còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình thiên tai, dịch bệnh, thời tiết năng nóng kéo dài vừa qua đã làm ảnh hưởng đến việc trồng trọt, chăn nuôi. Đại diện Công ty Thực phẩm Phú An Sinh cho biết, giá gà cũng đang chịu ảnh hưởng của thời tiết. Gà thả vườn nuôi ở điều kiện bên ngoài nên trời nắng bệnh nhiều, chậm lớn, sản lượng giảm. Giá gà lông hiện nay là 37.000 - 38.000 đồng/kg, gà giết mổ từ 58.000 - 60.000 đồng/kg tăng đến 8.000 đồng/kg so với thời điểm tết. Vị đại diện này cho biết thêm, trong vòng một tháng trở lại, sẽ khó giảm giá.

Nỗ lực bình ổn

Trong khi giá cả hàng hóa trên thị trường có nhiều biến động tăng như vậy thì mức lương hoặc thu nhập của đại đa số người tiêu dùng gần như không có gì thay đổi. Vì khi lương chuẩn bị tăng là giá các mặt hàng trên thị trường rục rịch tăng giá trước. Chị Lê Thanh Tuyền, công chức Nhà nước nhẩm tính thu nhập của hai vợ chồng là 4 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền học cho 2 đứa con 1,6 triệu đồng/tháng. Còn lại 2,4 triệu đồng đáp ứng những nhu cầu tối thiểu nhất như ăn uống, điện, nước, ốm đau... như vậy đồng tiền ngày càng trở nên nhỏ bé trước đà tăng giá với tốc độ “phi mã” hiện nay. 

Có thể thấy, việc tăng giá trên nhiều mặt hàng đã khiến cho đời sống người dân thêm lao đao. Chị Nguyễn Thị Hải, ở xã Chánh Mỹ, TX.TDM than thở, nếu như trước đây, tiền chợ mỗi ngày trung bình là 60.000 đồng thì nay phải tăng 80.000 đồng vì mọi thứ đều tăng một chút. Tình trạng này kéo dài sẽ gây không ít khó khăn trong việc chi tiêu của gia đình.

Tuy nhiên, theo nhận định của các ngành chức năng, việc tăng giá hiện nay là do quy luật khách quan và nằm ngoài dự kiến. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể kiểm soát và bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu để bảo đảm an sinh xã hội vẫn đang là một câu hỏi. Tại Bình Dương, thời gian thực hiện bình ổn giá cả những mặt hàng thiết yếu trước trong và sau tết đã kết thúc, do vậy Sở Công Thương đã lập kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Hy vọng với đề án này, thị trường Bình Dương sẽ bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định đời sống của người dân, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thế nhưng, chủ trương này đã không được UBND tỉnh phê duyệt và thay vào đó là chương trình bình ổn trong từng giai đoạn ở một thời điểm nhất định. Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Điền cho biết, để có thể bảo đảm cân đối lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, giá cả tăng đột biến, sở sẽ cố gắng thuyết phục một số đơn vị kinh doanh kìm giữ giá. Bên cạnh đó, tiến hành đánh giá nhu cầu và dự báo khả năng tăng giá của một số mặt hàng trong từng thời điểm cụ thể mà gần nhất là dịp lễ 2-9, Tết Dương lịch. Từ đó tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ vốn cho những doanh nghiệp đầu mối, chủ động đặt hàng với các nhà sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá cả hợp lý. Mới đây, Thủ tướng đã có chỉ đạo những biện pháp cấp bách chống tăng giá, Bộ Công Thương chỉ đạo các công ty, kêu gọi các ngành hàng chủ lực phải bảo đảm cân đối lượng hàng, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa, bình ổn giá... Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống đầu cơ nâng giá bất hợp lý.... Hiện tại, người dân chỉ biết trông đợi nhiều vào những biện pháp quản lý vĩ mô cũng như từ cơ quan chủ quản địa phương thực thi hiệu quả để kiểm soát được thị trường.

THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên