Chân dung người "tuýt còi" bạo gan nhất nước Mỹ

Cập nhật: 01-07-2013 | 00:00:00
Trong nhiều thập niên qua, Daniel Ellsberg - kẻ tiết lộ các tài liệu của Lầu Năm Góc - đã dùng quá khứ vẻ vang của mình để lên án hiện tại.

 Daniel Ellsberg 

Daniel Ellsberg đã có hàng trăm bài phát biểu về những gì ông cho là tội ác và dối lừa của tất cả các Tổng thống Mỹ, từ Jimmy Carter tới Barack Obama. Ông này còn đòi buộc tội George W. Bush; kêu gọi các nhân viên chính phủ hãy tiết lộ các kế hoạch về đánh bom Iran; và đã bị bắt giữ một số lần vì phản đối chính sách ngoại giao Mỹ.

Không một hành động nào trong số kể trên thu hút được nhiều sự chú ý từ bên ngoài phe chống đế quốc. Nhưng giờ đây, sau những tiết lộ về Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và của WikiLeaks, Ellsberg - người đi tiên phong trong việc tiết lộ tài liệu mật - đã trở thành cây bình luận lựa chọn của bất kỳ ai.

"Theo đánh giá của tôi, trong lịch sử Mỹ không có một vụ rò rỉ nào quan trọng hơn vụ Edward Snowden tiết lộ tài liệu của NSA - và lịch sử đó bao gồm cả việc tiết lộ các tài liệu của Lầu Năm Góc cách đây 40 năm", Ellsberg viết trên tờ The Guardian của Anh.

Ellsberg cũng đánh giá Julian Assange và Bradley Manning như những người hùng và còn quyên tiền cho WikiLeaks.

Một người có thể nhìn nhận sự phóng khoáng kể trên như hành động mới nhất của sự đoàn kết chống độc đoán từ một người cấp tiến của những năm 1960, hoặc như một nỗ lực của một người cao niên nhằm giữ gìn và mở rộng di sản của mình là người Mỹ đầu tiên tiết lộ các bí mật động trời của chính phủ cho báo chí. Bất luận thế nào, Ellsberg cũng hăm hở ủng hộ Snowden và Manning, và lặp lại những hồi chuông cổ vũ tự do dân sự của họ.

Trên báo The Guardian, Ellsberg viết rằng Snowden "cho phép chúng ta quay ngược một phần quan trọng của những gì đã đạt tới độ một 'cuộc đảo chính hành pháp' chống lại Hiến pháp Mỹ".

Dù động cơ là gì thì sự ngưỡng mộ mà Ellsberg dành cho hai người nối gót mới đã bỏ qua những gì khác biệt giữa ông và họ, và rốt cục có thể khiến cho hành động thách thức của ông này trở nên quan trọng hơn.

Đa số người Mỹ có thể không nhận ra rằng, trước khi New York Times bắt đầu công bố các tài liệu của Lầu Năm Góc năm 1971 thì Ellsberg là một thành viên đáng kính trong chính phủ. Ông tốt nghiệp hạng tối ưu danh dự từ trường Đại học Harvard và sau khi hoàn thành nghĩa vụ của một sĩ quan Thủy quân lục chiến đã quay trở lại để lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế. Sau đó, ông chuyển tới Lầu Năm Góc và Tập đoàn Rand, trở thành một cố vấn tin cậy của Robert McNamara và sau đó là của Henry Kissinger.

"Tôi đã học được nhiều từ Dan Ellsberg hơn so với từ bất kỳ người nào khác về Việt Nam", Kissinger từng nói với các cử tọa tại Rand như vậy.

Mỉa mai thay, chuyến đi đầu tiên của Ellsberg tới Việt Nam năm 1961 đã khiến ông tin rằng Mỹ có thể không bao giờ chiến thắng được lực lượng cách mạng do Hồ Chí Minh đứng đầu. Tuy nhiên, Ellsberg chủ yếu giữ kín những suy nghĩ đó cho riêng mình.

Năm 1968, sau khi Richard Nixon được bầu làm Tổng thống, Kissinger có được bản thảo của Ellsberg về các lựa chọn cần xem xét về Việt Nam dành cho chính quyền mới. Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng tương lai trong 2 ngày ở khách sạn Manhattan, Ellsberg rời đi với "trông mong rằng họ sẽ hành động về vấn đề này và đưa chúng ta thoát khỏi đó".

Chỉ sau khi Nixon tuyên bố rõ ý định thúc đẩy tới chiến thắng mới khiến Ellsberg, người thích sự minh bạch an ninh ở mức cao nhất, đọc hết toàn bộ 7.000 trang tài liệu mật về chính sách của Mỹ - có tựa đề chính thức là "Các mối quan hệ Mỹ - Việt Nam 1945-1967" và quyết định công bố chúng cho báo chí.

 Hồi những năm 1970, Daniel Ellsberg đã khiến nước Mỹ chấn động khi tiết lộ hàng nghìn trang tài liệu mật của Lầu Năm Góc.

Trái ngược hoàn toàn, Manning và Snowden đều chưa tốt nghiệp đại học. Cả hai đều chĩa mũi dùi vào trạng thái an ninh quốc gia, kết hợp với nhiều hacker chạy trốn.

Khi trước, vị thế của Ellsberg như một người bên trong đóng vai trò quyết định việc giải thích việc ông tiết lộ thông tin và những hậu quả lịch sử. Trước khi rò rỉ, ông giữ các tài liệu mật trong một chỗ an toàn cá nhân tại trụ sở của Rand ở Santa Monica. Thời đó, việc giữ bí mật các tài liệu "tối mật" dễ dàng hơn nhiều so với thời đại kỹ thuật số ngày nay, khi mà một binh nhì như Manning và nhân viên của một nhà thầu tư nhân như Snowden có thể tiếp cận hàng triệu tài liệu mật chỉ bằng vài click trên bàn phím.

Manning và Snowden dường như muốn phản đối sự bí mật của chính phủ trên nguyên tắc. Thực tế, Snowden nói anh ta nhận việc ở Booz Allen Hamilton là để có trong tay các tài liệu mật mà anh ta có thể rò rỉ. Còn những gì Ellsberg phát hiện trong Tài liệu của Lầu Năm Góc đã khiến ông phải từ bỏ sự nghiệp như một triều thần tin cậy của các nhà lập chính sách hàng đầu.

Các bản ghi nhớ và điện tín ngoại giao từ thời Thế chiến II xác nhận rằng phong trào chống chiến tranh đã nói lên tất cả: Kể từ chính quyền Truman, mục đích chính yếu nhất của các nhà lãnh đạo Mỹ là ngăn chặn một Việt Nam độc lập của những người cộng sản. Không phải mãi đến khi Ellsberg đọc được toàn bộ hồ sơ dối trá thì ông mới tin rằng cố vấn cho những người như McNamara và Kissinger là một việc vô ích. Việc tiết lộ bí mật là một hành động chuộc tội và bất phục tùng dân sự: Tiết lộ Tài liệu giải phóng ông ta khỏi một thập niên tội lỗi tăng dần.

Tất nhiên, với những người bên trong Nhà Trắng, đó là sự phản bội kinh hoàng. Lo sợ sự thân thiết với Ellsberg sẽ làm hỏng mối quan hệ của mình với Nixon, Kissinger đã thuyết phục Tổng thống rằng kẻ tiết lộ thạo tin này là "người nguy hiểm nhất nước Mỹ. Ông ta phải bị ngăn chặn bằng mọi giá".

Ý kiến đó đã dẫn tới cuộc tập kích bí mật nhằm vào văn phòng chuyên gia tâm thần học của Ellsberg ở Los Angeles.

Bê bối leo thang đã khiến cho Nixon không thể tiếp tục rót tiền cho đồng minh yếu ớt của Mỹ ở Sài Gòn, hoặc tiếp tục điều các máy bay B-52 đi đánh bom miền bắc Việt Nam nữa. Một cách gián tiếp, Ellsberg có lẽ đã giúp chấm dứt một cuộc chiến mà đã cướp đi mạng sống của hàng nghìn lính Mỹ tại Việt Nam. Và ông đã làm điều đó như một nhà hoạt động trong một phong trào rộng khắp nhằm ngăn chặn chiến tranh.

Manning và Snowdon đều không có được kiểu cổ vũ đầy nhiệt tình từ hàng triệu người Mỹ như Ellsberg đã nhận được sau khi báo New York Times công bố các tài liệu mật từ ông này. Trước khi họ trở thành tâm điểm chú ý, cả hai đều không thuộc về một phong trào xã hội nào, cũng không tỏ rõ lập trường chống chủ nghĩa quân phiệt kiên định vốn là sứ mệnh của Ellsberg suốt 4 thập niên qua.

Hơn chục năm sau vụ 11-9, cả hai đều đang cưỡi trên con sóng chán ghét rộng khắp về một đất nước đang tiếp tục phải mở rộng các hoạt động theo dõi nhằm vào chính công dân của mình. Đó là một hồi chuông báo động không có người cầm trịch chống lại các hoạt động theo dõi, chứ không phải là một phong trào nổi dậy ngày càng lớn có mục tiêu và ý thức hệ rõ ràng.

Việc thiếu vắng một phong trào như vậy là lý do chính giải thích tại sao Manning có thể sẽ phải ngồi tù nhiều năm còn Snowden thì đối mặt với sự khởi tố khắc nghiệt nếu trở về nước để đối mặt với các tội danh.

Trở lại thời Nixon, Ellsberg sẵn sàng "đi tù chỉ để phơi bày những dối trá về kẻ giết người". Nhưng một thẩm phán ra quyết định "hành động sai của chính phủ" đã hủy vụ án của ông này và bác đơn kiện.

Không nhiều người Mỹ xem Obama là một Nixon tái thế - không như Ellsberg, người đã gọi Tổng thống là một "sát thủ ăn không ngồi rồi, một người đã phát động một cuộc chiến tranh phi hiến".

Theo các cuộc thăm dò mới đây, người Mỹ có vẻ đang chia rẽ về tính chất hành động của Snowden, nhưng họ quan tâm tới tình hình kinh tế hơn là việc liệu chính phủ có giữ hồ sơ các số điện thoại mà họ gọi đi hay không.

Nếu chính phủ Mỹ thành công trong việc khẳng định rằng chương trình theo dõi của NSA đã ngăn chặn được nhiều cuộc tấn công khủng bố thì tranh cãi có thể sẽ qua đi nhanh hơn và ít quan trọng hơn so với bê bối mà Ellsberg gây ra hồi những năm 1970.

Mặc dù vậy, những người thổi còi mà Ellsberg ca ngợi vẫn là những người thừa kế chính đáng của phong trào vốn đã truyền cảm hứng cho sự nổi loạn của ông này và góp phần khép lại một cuộc chiến. Vào tháng 6/1971, một ngày sau khi báo New York Times bắt đầu xuất bản các tài liệu mật của Lầu Năm Góc, H.R. Haldeman đã nói với "sếp" Richard Nixon những gì ông nghĩ về tầm quan trọng của việc tiết lộ: "Với một gã bình thường, tất cả điều này chỉ là một lối văn cầu kỳ. Nhưng giữa lối văn cầu ý ấy hiện ra một thứ rất rõ ràng: Bạn không thể tin chính phủ; bạn không thể tin những gì họ nói; và bạn không thể tin tưởng vào đánh giá của họ". Snowden và Manning tự họ không thể làm cho nó tốt hơn.

Theo VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên