Chân dung vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc

Cập nhật: 01-12-2020 | 08:39:28

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Đại tướng được đánh giá “là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và nhà nước ta”. Đối với tỉnh Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương, Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng.

Đại tướng Lê Đức Anh, Chủ tịch nước (bìa trái) và ông Hồ Minh Phương (bìa phải) thăm Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ năm 1995 . Ảnh : XUÂN LỘC

Dấu son của lực lượng vũ trang tỉnh

Ngày 25-11 vừa qua, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức họp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Bình Dương (25.11.1945 - 25.11.2020). Đây là một dấu ấn đáng tự hào. Đại tá Nguyễn Đình Chuẩn, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết ngược về quá khứ, ngày 25- 11-1945 tại xã An Sơn, quận Lái Thiêu (nay là TP.Thuận An), Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh chính thức được thành lập. Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một là tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ, do Đảng tổ chức xây dựng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là đơn vị vũ trang tập trung được thành lập sớm nhất ở Nam bộ. Lúc bấy giờ, Chi đội 1 được biên chế thành 3 đại đội. Đại tướng Lê Đức Anh làm Chính trị viên đại đội 3.

Dấu ấn cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng ở tỉnh Thủ Dầu Một còn được thể hiện trong chiến dịch Bến Cát năm 1950. Lúc bấy giờ, để phối hợp với chiến trường chính Bắc bộ, tháng 7-1950 Bộ Chỉ huy Khu 7 quyết định mở chiến dịch Lê Hồng Phong trên địa bàn huyện Bến Cát (hay còn gọi là chiến dịch Bến Cát). Trong chiến dịch này, Đại tướng Lê Đức Anh khi đó với vai trò tham mưu trưởng đã tham mưu cho chỉ huy chọn đúng mục tiêu, hướng, khu vực tiến công chủ yếu… để đi đến thắng lợi sau 38 ngày chiến đấu. Đây là lần đầu tiên quân và dân miền Đông Nam bộ mở chiến dịch với quy mô lớn giành thắng lợi vang dội. Từ chiến dịch này, chiến thuật đặc công được định hình và chính thức ra đời.

Luôn trở về trong chiến thắng…

Với Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé, dù thời gian đã trôi xa nhưng ký ức của ông với Đại tướng Lê Đức Anh vẫn còn lưu mãi. Ông và Đại tướng Lê Đức Anh có thời gian dài gắn bó, từ kháng chiến chống Mỹ đến chiến trường Campuchia trong những năm chiến tranh biên giới Tây Nam. Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số ít người đã trải qua các cuộc chiến tranh và xung đột từ trước năm 1945 đến tận năm 1989. Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với các chiến trường từ Bắc vào Nam và cả nước bạn Campuchia.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê, Đại tướng Lê Đức Anh không phải là “vị tướng bàn giấy” mà là người trực tiếp tham gia những trận đánh, những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh, như: Mậu Thân 1968, chống lấn chiếm 1973, Phước Long 1974, chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), chiến dịch giải phóng Campuchia (1979); chấm dứt xung đột biên giới với Trung Quốc (1979- 1989); bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc (1979-1988).

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê và Đại tướng Lê Đức Anh gắn bó sâu sắc trong những năm chiến tranh biên giới Tây Nam. Khi ấy Đại tướng Lê Đức Anh là Tư lệnh bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, còn Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê là Sư trưởng Sư đoàn 302, sau đó là Sư trưởng Sư đoàn 5. Đại tướng Lê Đức Anh thường xuyên xuống các sư đoàn để triển khai kế hoạch, phương án tác chiến.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê, Đại tướng Lê Đức Anh là người có tầm nhìn rất sâu về chiến lược, bao giờ cũng dự đoán trước tình hình, nên khi tình hình đến thì không bị động, mà chủ động ứng phó được ngay và có kết quả tốt. Chẳng hạn, thời điểm 30-4-1977, chiến trường Tây Nam phức tạp, đồng chí về làm Tư lệnh Quân khu 9. Sau hòa bình, Bộ Quốc phòng cho giảm quân số rất nhiều, nhưng riêng đồng chí về quân khu 9 thì lại thành lập Sư 30 và chọn trung đoàn đánh tốt trong thời kỳ chống Mỹ để giữ lại, kể cả anh em miền Bắc cũng giữ lại không cho ra quân, nên giữ được chất chiến đấu. Khi quân Pol Pot đánh sang thì Sư 30 chiến đấu rất hiệu quả. Điều đó chứng tỏ đồng chí đã nắm trước được tính hình nên đã chuẩn bị trước mấy năm, khi Quân khu 9 bị Pol Pot đánh thì không bị động, đánh lại được ngay và giữ được biên giới.

“Đại tướng Lê Đức Anh thực sự là một tướng trận, một nhà cầm quân đại tài. Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số ít vị tướng đã trải qua hầu hết các cuộc chiến tranh. Trong hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Đại tướng Lê Đức Anh để lại nhiều dấu ấn; luôn có mặt ở những điểm nóng nhất và cũng luôn trở về trong từng chiến thắng, từng chiến dịch được giao phó và đảm nhiệm”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê nói.

Sông Bé - Bình Dương ghi công Đại tướng

“Hay lắm. Dữ dội. Cởi mở. Tình cảm”… là những cụm từ mà ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cứ lặp đi, lặp lại trong dịp tôi cùng ông nói chuyện về Đại tướng Lê Đức Anh. Theo lời ông Hồ Minh Phương kể, Đại tướng Lê Đức Anh có công lớn đối với chặng đường phát triển của tỉnh Sông Bé - Bình Dương.

Với ông Hồ Minh Phương, Đại tướng Lê Đức Anh là một vị lãnh đạo có tầm nhìn xa, trông rộng. Và với tính tình cởi mở nên trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi, đưa Việt Nam mở rộng quan hệ với nước ngoài, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Và, là người đã đi qua chiến tranh nên Đại tướng Lê Đức Anh thấu hiểu những mất mát, hy sinh của nhân dân. Đại tướng Lê Đức Anh luôn mong sao đời sống dân ta ngày càng đầy đủ, đất nước có hòa bình, ngày càng giàu mạnh, phát triển… Từ suy tư ấy, Đại tướng Lê Đức Anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các gia đình chính sách, những người bị thiệt thòi, nghèo khổ do hậu quả và di chứng chiến tranh. Đại tướng chính là người ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước bà mẹ Việt Nam anh hùng và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.

Đại tướng Lê Đức Anh đã cống hiến trọn đời cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. 

‘‘ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH THỰC SỰ LÀ MỘT TƯỚNG TRẬN, MỘT NHÀ CẦM QUÂN ĐẠI TÀI. ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH LÀ MỘT TRONG SỐ ÍT VỊ TƯỚNG ĐÃ TRẢI QUA HẦU HẾT CÁC CUỘC CHIẾN TRANH. TRONG HÀNH TRÌNH ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP DÂN TỘC, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC, ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH ĐỂ LẠI NHIỀU DẤU ẤN; LUÔN CÓ MẶT Ở NHỮNG ĐIỂM NÓNG NHẤT VÀ CŨNG LUÔN TRỞ VỀ TRONG TỪNG CHIẾN THẮNG, TỪNG CHIẾN DỊCH ĐƯỢC GIAO PHÓ VÀ ĐẢM NHIỆM”.
(Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê)

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên