Chăn nuôi thời “bão giá”: Tiết kiệm chi phí để duy trì sản xuất!

Cập nhật: 15-03-2011 | 00:00:00

Người chăn nuôi (CN) Bình Dương hiện đang phải gồng mình sản xuất trước những bất lợi quá lớn. Năm nay được dự đoán cũng sẽ là một năm khó khăn mà người CN phải đối mặt...

Gồng mình chống “bão giá”

Trong những năm gần đây, CN trở thành một lĩnh vực mạnh của ngành nông nghiệp Bình Dương. Trong đó CN theo hướng tập trung công nghiệp đang dần phát huy những lợi thế vượt trội. Tính đến cuối năm 2010, giá trị sản xuất của ngành CN đạt 643 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 26,9% trong cơ cấu ngành nông nghiệp (tăng 0,7% so với năm 2009). Tuy vậy từ đầu năm đến nay, người CN đã vấp phải những rào cản quá lớn từ “bức tường” giá. So với các lĩnh vực khác có thể thấy CN đòi hỏi phải xây dựng được cơ sở CN tốt và chịu đầu tư vốn mới có thể đem lại thu nhập cao.

 

Người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi tiên tiến, tiết kiệm

Hiện nay giá bán heo hơi dao động trong khoảng 3,4 - 3,5 triệu đồng/tạ, với mức giá đó người CN vẫn chịu thua lỗ do nguồn nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao làm cho chi phí CN tăng mạnh. Trong đợt tăng giá điện, giá xăng dầu vừa qua đã làm cho nhiều người CN “chao đảo”. Trong CN việc vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào trong thời kỳ xăng, dầu tăng giá đã làm tăng phí vận chuyển. Bên cạnh đó việc tăng giá điện cũng đã gây ra những khó khăn nhất định. Các hình thức như thắp sáng, sưởi ấm, chạy quạt làm mát trong nuôi gà công nghiệp hay bơm nước vệ sinh chuồng trại trong nuôi heo đều có liên quan đến điện. Với những hộ CN quy mô lớn thì họ phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn để có thể tiếp tục duy trì sản xuất. Từ cuối năm ngoái đến nay giá cám CN lại tăng liên tục làm cho chi phí CN càng thêm nặng. Bà Nguyễn Thị Điệp - hộ CN heo tại xã Vĩnh Hòa (Phú Giáo) cho biết: “Hiện tình hình sản xuất của những người CN như chúng tôi hết sức khó khăn. Từ đầu năm đến nay giá cám đã tăng khoảng 5 - 6 đợt rồi nhưng không biết có dừng lại. Một số loại nguyên liệu đầu vào cũng đã tăng giá theo trong khi đó giá bán heo lại tăng không đáng kể”.

Theo thông tin chung của thị trường, hiện nay giá cám CN đã tăng từ 20 -30% do nguyên liệu đầu vào tăng (nguyên liệu cho sản xuất thức ăn CN chủ yếu là nhập khẩu) cũng như do chênh lệch về tỷ giá. Theo chủ các đại lý bán thức ăn CN, từ tháng 10-2010 đến tháng 2-2011, giá thức ăn CN đã rất nhiều lần điều chỉnh tăng. Tính chung, đến cuối tháng 2-2011, giá nhiều loại thức ăn CN tăng tổng cộng khoảng 40.000 - 60.000 đồng/bao/25kg. Nhà sản xuất thức ăn CN nêu rất nhiều lý do để tăng giá bất chấp những lời kêu ca của người CN, trong khi đó người CN đang phải gồng mình với những cơn bão giá liên tiếp.

Cầm cự và hy vọng

Ngành CN Bình Dương thời gian qua đã phải đối mặt với nhiều khó khăn về dịch bệnh. Lĩnh vực CN heo chưa kịp “bình phục” hoàn toàn sau dịch tai xanh thì lại đang ra sức chống đỡ với dịch lở mồm long móng đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Có thể nói chưa bao giờ người CN lại gặp vô vàn khó khăn như hiện nay. Những khó khăn không chỉ xuất hiện với những hộ CN lớn mà đến cả với những hộ CN nhỏ lẻ. Khó khăn của họ không chỉ là chi phí đầu vào tăng cao mà còn các chi phí cho việc phòng chống dịch bệnh. Chị Tín - ngụ tại xã Tân Lập (Tân Uyên) than thở: “Tình hình cứ như thế này không biết tôi có còn duy trì được đàn heo nhà mình không nữa. Biết trước những khó khăn sẽ gặp phải tôi cũng đã cố gắng sản xuất cho thật tiết kiệm nhưng với những người CN heo không thể quá tiết kiệm vì như vậy có thể ảnh hưởng mạnh đến quá trình tăng trưởng của đàn heo. Hiện nay tôi chỉ còn biết cầu mong sao cho giá cả đầu vào giảm xuống chút ít để chúng tôi đỡ vất vả”. Với những người CN quy mô lớn có lẽ mức độ khó khăn sẽ ít hơn những người CN nhỏ lẻ vì họ có các đối tác lâu dài và có chiến lược kinh doanh rõ ràng. Người CN nhỏ lẻ sẽ khó mà có lời trong tình hình hiện tại. Đặc biệt là với những hộ CN ở vùng sâu vùng xa vì họ phải trả một khoản phí cao hơn cho việc vận chuyển nguyên liệu đầu vào cũng như phí vận chuyển bán hàng.

Khó khăn là vậy nhưng người CN vẫn cố gắng duy trì sản xuất vì họ nghĩ rằng  “cơn bão” rồi sẽ đi qua. CN heo có thể được xem là một hình thức tạo công ăn việc làm, giải quyết lao động nhàn rỗi và tăng thu nhập thích hợp cho các nông hộ ít vốn. Tuy nhiên trong lộ trình phát triển của ngành CN Bình Dương thì trong thời gian tới CN nhỏ lẻ sẽ được hạn chế và hình thức CN tập trung sẽ được đầu tư phát triển. Trong tình hình hiện tại khi mà chi phí đầu vào tăng cao cũng như trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để có thể khắc phục được các khó khăn, tránh tình trạng bị thua lỗ, người CN cần áp dụng tốt các biện pháp CN an toàn sinh học, tiên tiến, tiết kiệm nhằm tăng hiệu quả và tăng sức cạnh tranh.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên