Châu Á: Cuộc chạy đua vũ trang dưới mặt đất

Cập nhật: 03-01-2010 | 00:00:00

 

 Một cuộc diễu binh của CHDCND Triều Tiên

Sự kiện Trung Quốc xây một “Vạn lý trường thành” ngầm dưới đất để cất giữ vũ khí hạt nhân đã gây xôn xao dư luận. Nhưng trên thực tế, tại châu Á, không chỉ riêng Trung Quốc mà còn nhiều nước khác đã xây dựng hầm ngầm chứa vũ khí để bảo vệ và tăng cường hệ thống phòng thủ quốc gia từ nhiều năm trước.

 

Từ Trung Quốc...

 

Giữa tháng 12, lần đầu tiên, chính phủ Trung Quốc đã có tuyên bố chính thức về việc Liên đội tên lửa chiến lược của Trung Quốc, thuộc Sư đoàn Pháo binh số 2, đang xây dựng một đường hầm còn gọi là “Vạn lý trường thành” ngầm dưới lòng đất dài hơn 5.000 km, có thể sâu đến 1.000m ở tỉnh Hà Bắc để cất giữ vũ khí hạt nhân, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong 5 với tầm bắn 13.000 km.

 

Hàng chục ngàn binh lính đã tham gia xây dựng đường hầm này từ năm 1995. Đường hầm có một loạt những mạng lưới ngầm là những cơ sở kiên cố dưới lòng đất có khả năng phản công trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.

 

Lý do Trung Quốc tiến hành xây dựng đường hầm này được tạp chí Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương nhận định, do phiên bản tên lửa tầm trung và tầm xa ban đầu của Trung Quốc đã được triển khai trên mặt đất và dễ dàng bị các vệ tinh gián điệp phát hiện và tấn công bằng tên lửa đánh chặn.

 

Vì thế, quân đội Trung Quốc phải di chuyển toàn bộ số tên lửa này xuống sâu dưới lòng đất hàng trăm mét. Liên đội tên lửa mà quân đội Trung Quốc đã triển khai thì không thể phát hiện được bởi vì chúng được cất giấu trong các hầm ngầm và di chuyển xung quanh dưới mặt đất.

 

Trước đó, chưa từng có thông tin chính thức của quân đội Trung Quốc tiết lộ về những hầm ngầm này. Các chuyên gia quân sự cho biết, mục đích xây dựng “Vạn lý trường thành” dưới lòng đất là tạo ra “cơ hội thứ hai” cho Trung Quốc sau khi bị tấn công hạt nhân, tức là có thể phản công các mục tiêu của đối phương sau khi thoát khỏi được loạt tấn công đầu tiên.

 

Sự kiện báo chí Trung Quốc tiết lộ một địa điểm khổng lồ để cất giấu vũ khí là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh muốn khẳng định sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong chính trường thế giới.

 

Một quốc gia khác trong khu vực Đông Bắc Á chưa từng công bố chi tiết về những đường hầm quân sự nhưng điều này đã bị rò rỉ ra bên ngoài là CHDCND Triều Tiên. Một số cựu quan chức ở CHDCND Triều Tiên từng thừa nhận, ở nước này luôn có những đường hầm để thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Nó được xây dựng từ những năm 1970, có độ sâu 300m dưới lòng đất và dài hơn 50km. Đường hầm này nối Bình Nhưỡng với cảng Nampo trên bờ Hoàng Hải.

 

Theo thông tin tiết lộ, những đường hầm đó có thể được sử dụng không chỉ để trốn một cuộc tấn công hạt nhân, tránh tên lửa hoặc tránh bom mà còn chứa vũ khí và nhiều khả năng là vũ khí hạt nhân.

 

Cho đến nay, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi trên thế giới. Bình Nhưỡng luôn chứng minh tiềm lực quân sự hạt nhân của mình qua những vụ phóng tên lửa khiến trong và ngoài khu vực luôn lưu ý tới kho vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

 

Singapore, đảo quốc có nền kinh tế phát triển mạnh ở khu vực Đông Nam Á trong những năm qua đã rất chú trọng đến việc xây dựng một hệ thống phòng thủ quân sự vững chắc để bảo vệ đất nước. Đầu năm 2008, Bộ Quốc phòng Singapore đã chính thức đưa vào sử dụng một kho vũ khí công nghệ cao bậc nhất thế giới nằm sâu dưới lòng đất.

 

Trong kho vũ khí ngầm, có hệ thống tự động giúp các thùng chứa vũ khí luôn sẵn sàng di chuyển để cung cấp vũ khí đạn dược một cách nhanh chóng, chính xác cho các nhiệm vụ quân sự. Việc xây dựng cơ sở hệ thống cất giữ vũ khí dưới lòng đất nói trên, cho thấy sự tiến bộ và hiệu quả trong quản lý đất và không gian sử dụng vì Singapore là một đất nước rất nhỏ.

 

Với các công nghệ tự động hóa và công nghệ cao cũng giúp kho vũ khí tối tân này tiết kiệm được khoảng 20% nhân lực điều hành, 50% năng lượng làm mát so với một kho vũ khí thông thường.

 

...đến Pakistan

 

Pakistan, một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực Nam Á, nổi tiếng về các chương trình vũ khí hạt nhân tuy chưa từng xác nhận việc xây các đường hầm để bảo vệ loại vũ khí nguy hiểm này nhưng các chuyên gia quân sự đều biết, Islamabad luôn có những kho vũ khí bí mật.

 

Địa điểm bố trí vũ khí hạt nhân của Pakistan rất ít người biết và không dễ bị phát hiện vì những công trình hạt nhân của quốc gia này đa số đều xây dựng ngầm dưới đất và ở các khu vực có địa hình phức tạp.

 

Các đường hầm bí mật này chưa được phát hiện nên đến nay kích thước và quy mô của nó vẫn còn là một ẩn số. Phương thức bố trí đó khiến cho quốc gia tiên tiến như Mỹ điều động hệ thống trinh sát vệ tinh gián điệp trên không khó phát hiện.

 

Pakistan tuyên bố có hệ thống điều khiển chỉ huy hiệu lực mạnh, có thể đảm bảo an toàn lực lượng hạt nhân, an toàn tin cậy giống như vũ khí hạt nhân của các quốc gia hạt nhân khác. Quân đội Pakistan đã sử dụng các biện pháp an toàn rất nghiêm ngặt, chặt chẽ đối với kho vũ khí hạt nhân ngầm.

 

Hiện nay, lực lượng quân nhân Pakistan làm nhiệm vụ kỹ thuật và bảo vệ vũ khí hạt nhân lên đến 10.000 người.

 

Việc các quốc gia châu Á tăng cường xây dựng những đường hầm chứa vũ khí đã khiến dư luận không khỏi lo ngại sẽ xuất hiện một cuộc chạy đua vũ trang dưới mặt đất, sau sự bùng nổ các cuộc chạy đua vũ trang trên biển và trên không gian.

 

Sau Trung Quốc, Singapore, Pakistan, CHDCND Triều Tiên còn có những quốc gia nào tại khu vực châu Á xây dựng những đường hầm chứa vũ khí thì đến nay vẫn còn là điều bí mật.

 

Năm 2009 cũng là năm các nước châu Á liên tục tăng chi phí cho lĩnh vực quốc phòng. Trước đó, vào năm 2008, châu Á chi 173 tỷ USD, bỏ xa các nước châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với 144 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong 100 năm qua, châu Á vượt Tây Âu trong lĩnh vực này. Dự kiến, con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2009.

 

(Theo SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên