Châu Á là đầu tàu phục hồi kinh tế toàn cầu

Cập nhật: 24-05-2010 | 00:00:00

 

Đặc khu Hồng Kông.

 Trong báo cáo mới của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá rằng chính các thị trường đang nổi ở châu Á chứ không phải cường quốc nào khác, sẽ đóng vai trò đầu tàu phục hồi kinh tế toàn cầu.

 

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố ngày 21-4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá kinh tế toàn cầu đang phục hồi mạnh hơn dự kiến và sản lượng toàn cầu dự báo sẽ tăng 4,25% trong năm nay.

 

Trong đó, châu Á sẽ là đầu tàu tăng trưởng, với các thị trường đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu sự phục hồi.

 

Tuy nhiên cũng ngay tại châu Á, riêng Nhật Bản tiếp tục bị IMF đánh giá là sẽ tụt hậu, với dự báo GDP sẽ tăng 1,9% năm 2010 và 2% năm 2011.

 

Cụ thể, IMF dự báo GDP của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 10% trong cả hai năm 2010 và 2011, còn GDP của Ấn Độ ước tăng 8,8% năm 2010 và 8,4% năm 2011.

 

Báo cáo của IMF cho rằng kinh tế Mỹ dù không được ấn tượng như thế song cũng sẽ trở lại tăng trưởng ở mức 3,1% năm 2010 và 2,6% năm 2011.

 

Châu Á nổi bật trong khủng hoảng

 

Trong bức tranh kinh tế thế giới đượm màu xám trong thời khủng hoảng, châu Á đã nổi lên là một điểm sáng vượt qua khó khăn để vươn lên.

 

Theo giới chuyên gia, kinh tế của các nước đang phát triển ở châu lục này đã vượt qua được tình trạng khó khăn nhờ bài học sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, các nền kinh tế đó đã trải qua quá trình chuyển đổi sâu rộng và mang tính hệ thống về cơ cấu hoạt động, giúp họ có sức mạnh mới về mặt cơ cấu tổ chức.

 

Chính phủ các nước khu vực này đã giảm bớt áp dụng chính sách can thiệp trong ngành công nghiệp, ngừng “hà hơi tiếp sức” cho các công ty hay tổ chức làm ăn kém hiệu quả, trong khi cải thiện đáng kể công tác điều hành và quản lý doanh nghiệp.

 

Đồng thời nhu cầu chi tiêu tiêu dùng và đầu tư mạnh mẽ trong nước đã giúp các nước khu vực này giảm thiểu được những tác động tiêu cực của tình trạng xuất khẩu bị bóp nghẹt bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

 

Song để khai thác tốt tiềm năng, các nước khu vực cần khắc phục và giải quyết những thách thức nảy sinh từ cơ cấu sử dụng nhiều năng lượng và tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng mà hiện đang tác động đến thị trường dầu mỏ và khoáng sản đồng thời tạo ra sức ép lạm phát trên thế giới.

 

Thực trạng đó buộc các nước châu Á phải tích cực hành động để hướng tới mô hình tăng trưởng tiết kiệm nhiều nhiên liệu.

 

(THEO VNN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên