Chầu văn - nhạc lễ của đạo mẫu

Cập nhật: 11-07-2014 | 00:00:00

Chầu văn còn gọi là Hát văn là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam gắn liền với đạo Tam, Tứ phủ và nghi lễ Lên đồng. Chầu văn có xuất xứ từ đồng bằng Bắc bộ với các trung tâm lớn như Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng. Theo bước chân của đạo Mẫu, chầu văn đã xuất hiện ở Bình Dương từ những năm 50 của thế kỷ XX, gắn liền với sự hình thành, tồn tại và phát triển của đạo Mẫu ở Bình Dương.

Một loại hình nghệ thuật đặc sắc

Về nguồn gốc ra đời của Chầu văn cho đến hiện nay vẫn có khá nhiều ý kiến khác nhau, các tài liệu ghi chép về Chầu văn cũng rất ít nhưng các tài liệu đều khẳng định Chầu văn có lịch sử lâu dài, ra đời sớm hơn các loại hình dân ca khác. Thời kỳ thịnh vượng nhất của Chầu văn là cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Từ năm 1954, Hát văn dần dần mai một do hầu đồng bị cấm. Đến đầu những năm 90, Hát văn lại có cơ hội phát triển cùng với sự trở lại của nghi thức Hầu đồng. Với quá trình tồn tại lâu dài cùng sự quan tâm của mọi tầng lớp trong xã hội và vai trò của nó trong đời sống tâm linh, Chầu văn phát triển và dần hoàn thiện thành một loại hình nghệ thuật vô cùng đặc sắc từ nhạc cụ, âm nhạc, văn chầu đến nghệ nhân biểu diễn.

Một dàn nhạc Chầu văn

Dàn nhạc trong Chầu văn lớn nhỏ tùy thuộc vào từng địa phương, vào mức độ của buổi lễ và yêu cầu của người làm lễ nhưng không thể thiếu 3 nhạc cụ chính yếu là đàn nguyệt, trống nhỏ và cảnh đôi. Âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu của 3 nhạc cụ trên tạo nên tính cách riêng biệt và đặc thù của Hát văn. Điểm đặc sắc trong dàn nhạc của Chầu văn ở chỗ sử dụng đàn nguyệt là nhạc cụ mang tính âm, nhạc cụ chính mang tính dẫn dắt trong cả dàn nhạc. Phải chăng vào thời gian hình thành nghệ thuật Hát văn, cổ nhân đã trưng dụng cây đàn nguyệt với mục đích để phù hợp, tôn vinh vai trò âm tính - nữ tính -Thánh Mẫu - vai trò chính thần trong tín ngưỡng Tứ phủ?!

Chầu văn có một hệ thống làn điệu vô cùng phong phú do nó luôn thu nạp, tiếp nhận nhiều bài bản, làn điệu từ các thể loại dân ca nhạc cổ và ở nhiều địa phương, kể cả các điệu hát của các dân tộc thiểu số nên vừa hình thành nhiều làn điệu mang tính chuyên dùng khá cao, vừa được người dân ở các địa phương dễ dàng tiếp nhận. Tựu trung, Hát văn có 13 điệu, hay còn gọi là lối hát. Đó là: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm và Dồn. Các nghệ nhân khi sáng tác sử dụng các lối hát trên một cách linh hoạt, uyển chuyển bởi mỗi lối hát có đặc trưng riêng và nhiều khi chỉ được dùng trong một hình thức hát.

Văn chầu chính là phần lời hát trong Chầu văn. Đó là những bản văn với những lời văn trau chuốt, trang nghiêm viết theo thể thơ lục bát, lục bát biến thể và song thất lục bát nhằm nói về sự tích, công trạng của một vị thánh nào đó trong hệ thống các thánh của đạo Mẫu Tam, Tứ phủ. Văn chầu còn mang ý nghĩa văn hóa lịch sử vì bên cạnh nội dung chính phản ánh về các vị Thánh thì nhiều địa danh, nhất là các danh lam thắng cảnh, nhiều sự kiện lịch sử, nhiều sinh hoạt văn hóa xã hội cũng được mô tả khá sinh động làm nên những bức tranh về lịch sử, xã hội văn hóa của đất nước từ thế kỷ XVII đến nay.

Nói đến nghệ thuật hát Chầu văn không thể không nói tới tầng lớp nghệ nhân (được gọi là cung văn) bởi qua nhiều thế hệ họ chính là những người đưa Chầu văn đến với người nghe, có công rất lớn trong việc phổ biến, lưu truyền loại hình âm nhạc này. Hát văn không chỉ khó mà còn đòi hỏi người cung văn phải nhanh, linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp mà vẫn hay, vẫn sát vai của người ngồi đồng. Khi hát, cung văn phải hát sao cho thể hiện tâm lý tình cảm của các nhân vật nên giọng hát phải chuyển đổi luôn luôn. Do lễ thức Lên đồng thường kéo dài nên các cung văn thường phải rất đa năng, vừa có thể chơi được các nhạc cụ vừa có khả năng hát. Bên cạnh đó cung văn cũng phải có một thể lực và giọng hát khỏe mới có thể bảo đảm hát tốt trong suốt cuộc diễn.

Gắn liền với nghi lễ lên đồng

Từ khởi thủy cho tới ngày nay, Chầu văn là để phục vụ cho nghi thức Lên đồng - nghi thức quan trọng nhất của tín ngưỡng Tam, Tứ phủ. Cũng vì lý do này mà có giả thiết cho rằng sự ra đời của Chầu văn bắt nguồn từ việc các con nhang đệ tử để cho dễ nhớ các bài khấn tứ phủ đã khấn bằng những bài văn lục bát và “phổ nhạc” cho những bài văn khấn đó để rồi sau này phát triển thành Chầu văn. Chầu văn được chia thành 3 kiểu hát là hát thi, hát thờ và hát lên đồng, trong đó hát lên đồng dùng trong quá trình thực hiện nghi lễ hầu đồng là ý nghĩa quan trọng nhất của Chầu văn.

Chầu văn là một yếu tố quan trọng để thu hút công chúng đến với tín ngưỡng Tứ phủ. Bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu chung của con người khi tìm đến với cõi tâm linh thì sự thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, thụ cảm nghệ thuật âm nhạc được đẩy vọt lên tầm cao nhất khi thưởng thức Hát văn trong khung cảnh hầu đồng. Nói cách khác, nếu như các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng nói chung thường lấy hệ thống giáo lý, kinh kệ làm phương tiện chủ đạo để xoa dịu nỗi đau của con người thì tín ngưỡng Tứ phủ lại sử dụng nghệ thuật âm nhạc Hát văn làm công cụ.

Chầu văn ở Bình Dương

Từ Bắc bộ, người Việt đã mang theo tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ, nghi lễ Hầu đồng và cùng với nó chính là Chầu văn vào Bình Dương. Ứng Linh phủ là cơ sở đạo Mẫu đầu tiên được xây dựng ở Bình Dương bởi ông Đỗ Viết Quỷ vào năm 1945 tại làng Định Thành, huyện Dầu Tiếng (nay thuộc KP.3, TT. Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng). Tuy nhiên, phải đến năm 1953 mới ghi nhận có nghi lễ Lên đồng và hát Chầu văn. Đó là vào dịp Ứng Linh phủ khánh thành lại sau khi bị cháy từ ngày 12 đến 16-11-1953. Theo lời cô Hồng, con dâu ông Quỷ thì cung văn hồi đó gồm 4 người: ông thầy Út, ông thầy Điều, ông thầy Hai và ông Châu. Trong đó ông thầy Út là người chơi đàn nguyệt và hát chính; thầy Điều gõ trống, phách; thầy Hai (đồng đền Đông Quân Linh tự) hát phụ cho thầy Út và ông Châu thổi kèn.

Điểm đặc biệt tạo nên phong cách địa phương trong dàn nhạc Chầu văn của Bình Dương nói riêng, Nam bộ nói chung khác với phong cách Bắc bộ là sự xuất hiện của Kèn bầu. Ở miền Bắc, Kèn bầu chỉ sử dụng trong đám tang, không sử dụng trong các nghi lễ. Chầu văn ở Bình Dương trong giai đoạn này phát triển ổn định và có mặt ở toàn tỉnh gắn với các đền phủ trên địa bàn: Cụm đền phủ Ứng Linh phủ, Kim Trúc tự, Đông Quân linh tự ở TT.Dầu Tiếng; phủ Linh Sơn ở xã Minh Hòa, Dầu Tiếng; lui xuống phía nam có đền Thánh Mẫu ở xã Lai Hưng, huyện Bến Cát và ở Dĩ An có đền Công đồng Bắc Lệ, đền Thánh Mẫu.

Từ sau năm 1990, với sự xuất hiện của một loạt các đền phủ trên toàn tỉnh, hoạt động của các nghi lễ Lên đồng cũng rầm rộ hơn kéo theo sự phát triển của Chầu văn. Hoạt động chuyên nghiệp nhất là cung văn thường hát tại Bảo Hà anh linh vọng từ (P.Bình An, TX.Dĩ An). Thu nhập của các cung văn chuyên nghiệp này khá cao, thấp nhất là 5 triệu đồng/ người/một vấn hầu. Vào những tháng cao điểm có tới chục vấn hầu. Nhưng có một thực trạng là ở Bình Dương hiện nay không có nghệ nhân nào kế nghiệp nghệ thuật hát Chầu văn. Những cung văn hiện nay hoạt động ở Bình Dương đều là người miền Bắc vào, từ TP.Hồ Chí Minh lên hoặc từ Đồng Nai sang. Đây là một khoảng trống văn hóa đáng tiếc khi Chầu văn ngày càng nhận được sự hưởng ứng. Nhận thức được giá trị nghệ thuật độc đáo cùng ý nghĩa văn hóa, lịch sử, Bộ VH,TT&DL đã đưa Chầu văn vào danh mục Di sản để nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

ĐỖ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên