Chi cục hải quan Cảng Tổng hợp Bình Dương: Tạo thuận lợi, nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Cập nhật: 12-12-2013 | 00:00:00

Là một trong những cảng biển quốc tế nằm ngay trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Cảng Tổng hợp Bình Dương (quốc lộ 1, khu phố Quyết Thắng, phường Bình Thắng, TX.Dĩ An) được xem là vị trí “vàng” về giao thông vận tải bằng đường thủy và đường bộ để nối liền giữa các vùng kinh tế trong và ngoài tỉnh. Việc nâng cấp và đưa vào hoạt động Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Tổng hợp Bình Dương trực thuộc Cục Hải quan Bình Dương vừa góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian, tạo thuận lợi trong hoạt động của doanh nghiệp vừa bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động hải quan.

 Vị trí “vàng”

Cảng Tổng hợp Bình Dương nằm ngay trên trục đường huyết mạch quốc lộ 1 nối liền các tỉnh Tây nguyên, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Trục giao thông quan trọng khác sẽ được khánh thành vào đầu năm 2014 là tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn với quy mô 6 làn xe sẽ giúp nối liền cảng với các khu, cụm công nghiệp phía bắc của Bình Dương như KCN Mỹ Phước 1, 2, 3, 4, VSIP II, Bàu Bàng, Rạch Bắp, KCN Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM)… và các khu công nghiệp khác của tỉnh Bình Phước, Long An và Tây Ninh. Bên cạnh đó, đường Mỹ Phước - Tân Vạn còn nối liền với đường Vành đai 4 của Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương với diện tích gần 4.200 ha, sẽ giúp gắn kết cảng với các khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2, Tân Đông Hiệp, Bình Đường, Đồng An và các KCN khác của tỉnh Đồng Nai như Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata… một cách ngắn nhất, thuận tiện nhất.

CBCC Chi cục Hải quan Cảng Tổng hợp Bình Dương

Việc vận chuyển hàng hóa, xe container từ cảng đi các nơi và ngược lại rất thuận lợi do các tuyến đường của tỉnh được phép lưu thông 24/24 giờ trong ngày. Thêm vào đó, Bình Dương còn là cửa ngõ giao thương với TP.Hồ Chí Minh, có các trục lộ giao thông huyết mạch quốc gia chạy qua như quốc lộ 13, 14, đường Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á… Dự án xây dựng cầu vượt tại vòng xoay Tân Vạn (đoạn gần Cảng Tổng hợp Bình Dương) cũng đã được phê duyệt và triển khai sẽ góp phần làm giảm áp lực và giúp giao thông đường bộ phát triển, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa để phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về giao thông đường thủy, Cảng Tổng hợp Bình Dương nằm tại ngã 3 sông Sài Gòn - Đồng Nai là con sông lớn nhất ở miền Đông Nam bộ, có luồng sông ra vào thông thoáng, ít chịu ảnh hưởng của thủy triều nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa giúp Cảng Tổng hợp Bình Dương nối liền với các cảng lớn ở phía Nam và giao lưu hàng hóa với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cảng có tuyến đường sông nối liền với cảng Thạnh Phước (ICD Thạnh Phước, đã đi vào hoạt động với quy mô khoảng 53 ha) sẽ giúp các doanh nghiệp có thể vận chuyển hàng hóa qua lại giữa 2 cảng để làm thủ tục xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, tuyến đường sông ở cảng còn được thông thương với các tỉnh miền Tây nên việc làm thủ tục chuyển cảng hàng hóa xuất nhập khẩu từ Bình Dương đi các tỉnh miền Tây và xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Campuchia cũng được thuận lợi. Một lợi thế cạnh tranh quan trọng nữa là Cảng Tổng hợp Bình Dương chỉ cách các cửa khẩu và cảng biển của TP.Hồ Chí Minh khoảng từ 20 - 30km; cách cảng Cái Mép, Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng từ 40 - 50km, khi hàng hóa xuất nhập khẩu được làm thủ tục tại cảng Bình Dương sẽ giúp doanh nghiệp giảm được thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa, giảm được áp lực cho hệ thống các cảng của TP.Hồ Chí Minh.

Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh

 Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Dương Hồng Hạnh: Do có sự khác nhau về cơ chế giữa “Hải quan cửa khẩu” và “Hải quan ngoài cửa khẩu” nên nhiều lô hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp có trụ sở nhà máy trên địa bàn Bình Dương đã không thể làm thủ tục chuyển cửa khẩu để đưa hàng về cảng Bình Dương. Từ đó chưa tạo được nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp bị ách tắc về giao thông, tăng chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa khi phải làm thủ tục hải quan tại các cảng ở TP.HCM. Từ đó cũng phần nào khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh Bình Dương. Quyết định nâng cấp từ Đội Thủ tục hải quan lên thành Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Tổng hợp Bình Dương giữ vai trò là đầu mối giao thông thuận lợi để tiếp nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp ở Bình Phước, Tây Ninh và các tỉnh Tây nguyên, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp.

Từ những lợi thế trên kết hợp với dự báo tình hình hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020, để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, việc nâng cấp từ Đội thủ tục Hải quan lên Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Tổng hợp Bình Dương là cần thiết, phù hợp tình hình thực tế và xu thế phát triển của Bình Dương cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Tổng hợp Bình Dương đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất đóng trên địa bàn Bình Dương. Từ đó giúp giảm bớt áp lực cho các cảng biển thuộc các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh; thúc đẩy thương mại, kinh tế địa phương phát triển phù hợp quy mô, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm; tạo điểm nhấn thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh Bình Dương; tăng thu ngân sách, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển của tỉnh.

- Bình Dương hiện đang khai thác 28 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 9.000 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích trên 800 ha. Do đó nhu cầu vận chuyển, trao đổi, làm thủ tục chuyển cửa khẩu và xuất nhập khẩu hàng hóa là rất lớn. Với hệ thống đường bộ, đường thủy và sắp tới là đường sắt của tỉnh Bình Dương sẽ nối liền cảng với các khu, cụm công nghiệp trong toàn tỉnh, rút ngắn được khoảng cách và thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu so với khoảng cách từ các cảng biển của TP.HCM về tỉnh Bình Dương, Bình Phước… và ngược lại. Cảng Tổng hợp Bình Dương sẽ trở thành một đầu mối quan trọng để vận chuyển hàng hóa đi các nơi, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh.

- Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Tổng hợp Bình Dương là đơn vị trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu hành chính, tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật, được sử dụng các loại dấu nghiệp vụ hải quan theo quy định của ngành hải quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật. Ban đầu chi cục có khoảng 20 biên chế, dự kiến đến năm 2015 sẽ tăng lên 40 biên chế. Ban lãnh đạo chi cục gồm Chi cục trưởng, 2 Phó Chi cục trưởng và 2 đội công tác.

 

DUY CHÍ – XUÂN ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên