Chiến dịch phòng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết: Nâng cao ý thức cộng đồng

Cập nhật: 02-07-2013 | 00:00:00

Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) đã được kiểm tra đợt 2 tại các xã, khu phố (dưới dây gọi tắt là chiến dịch). Thông qua chiến dịch này, ý thức người dân ngày càng được nâng cao từ đó tránh lây nhiễm bệnh trong cộng đồng…

Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Thanh Hà (bìa trái) tư vấn về cách phòng chống bệnh SXH, TCM cho người dân

Mục tiêu cụ thể gồm: 100% phương tiện thông tin đại chúng tỉnh, huyện, xã đồng loạt tuyên truyền trước và trong chiến dịch; 100% xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) đồng loạt tổ chức chiến dịch. Trong chiến dịch có trên 90% hộ gia đình được kiểm tra lăng quăng trong các vật dụng chứa nước, cấp tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn cách triệt tiêu nơi sinh sản của muỗi để phòng bệnh SXH và hướng dẫn vệ sinh khi chăm sóc trẻ em để phòng bệnh TCM. Sau chiến dịch, các chỉ số về côn trùng, số ca bệnh SXH, TCM giảm rõ rệt so với trước chiến dịch.

Đợt 2 của chiến dịch được tổ chức các ngày 22, 23, 29 và 30-6. Các hoạt động chính của chiến dịch, gồm: Tuyên truyền tình hình bệnh SXH, TCM, kế hoạch thực hiện chiến dịch, kiến thức phổ thông và các khuyến cáo về phòng, chống bệnh SXH, TCM… Bên cạnh đó còn tập huấn kiến thức cơ bản về phòng, chống bệnh SXH, TCM và kỹ thuật diệt lăng quăng cho thành viên các nhóm điều tra côn trùng; tổ chức lễ ra quân chiến dịch; thực hiện chiến dịch tại các ấp, tổ; tổ chức kiểm tra, giám sát; tổng vệ sinh môi trường nơi công sở, các khu tập trung đông dân cư…

Trong thời gian triển khai kiểm tra chiến dịch, cán bộ y tế sở, huyện, thị, thành phố đã đến tận hộ gia đình, tuyên truyền vận động người dân cùng thực hiện các biện pháp loại trừ lăng quăng và tuyên truyền về vệ sinh khi chăm sóc trẻ em để không mắc bệnh TCM và SXH. Cán bộ y tế cũng nhắc nhở cách chăm sóc trẻ thật tốt, hợp vệ sinh để phòng chống bệnh trong dịp cao điểm các loại bệnh truyền nhiễm vào tháng 7 và tháng 8 hàng năm. Trong đợt này, cán bộ y tế đã chọn ngẫu nhiên mỗi xã, phường 5 gia đình để đến tuyên truyền đồng thời quan sát các hoạt động của nhóm cộng tác viên y tế… Vợ chồng anh Từ Thanh Hưng, tổ 7, khu phố Vĩnh Phước, TT.Thái Hòa, Tân Uyên cho rằng, hầu hết kiến thức y tế đều do cán bộ y tế, cộng tác viên y tế tuyên truyền nên chị nắm rất rõ. Hơn nữa, mình nghèo khó, con cái mắc bệnh rất khổ nên phải giữ gìn vệ sinh cẩn thận. Chị cho biết nhà cửa luôn được dọn dẹp sạch sẽ, con gái nhỏ của chị cũng được mẹ hướng dẫn cách rửa tay bằng xà phòng thật kỹ càng, ngủ trưa cũng giăng mùng…

Theo ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, khác với những bệnh khác có khi chỉ mắc phải một lần trong đời, bệnh SXH có thể mắc nhiều lần và người lớn cũng bị bệnh. Việc lây lan nguồn bệnh không phải từ trẻ em mà từ người lớn, do không biết cách giữ vệ sinh. Người lớn có sức đề kháng mạnh hơn nên ít mắc bệnh hơn so với trẻ nhỏ. Thế nên, những bà mẹ chăm sóc con là đối tượng cần được tư vấn nhiều nhất để họ có thêm hiểu biết trong quá trình chơi đùa, cho trẻ ăn… Nên ngủ mùng kể cả ban ngày để không bị SXH, giữ vệ sinh cá nhân để phòng bệnh TCM.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=348
Quay lên trên