Chính phủ họp thường kỳ tháng 2-2010: Quản lý giá tốt hơn, tránh gây tâm lý hoang mang

Cập nhật: 04-03-2010 | 00:00:00

Trong hai ngày 2 và 3-3, Chính phủ đã họp thường kỳ tháng 2 với nhiều nội dung quan trọng. Một trong những nội dung được tập trung bàn lần này là vấn đề lạm phát. Theo ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thực tế vấn đề lạm phát chưa đến mức phải lo ngại, tuy nhiên do gần đây xuất hiện tâm lý hoang mang trong xã hội nên Chính phủ đã dành trọn 1 ngày để bàn về vấn đề này.

 

CPI không đột biến

 

Tại cuộc họp báo, thừa ủy quyền của Thủ tướng, ông Lê Đức Thúy đã phân tích một cách đầy đủ về tình hình giá cả, lạm phát hiện nay. Theo ông, kinh tế trong 2 tháng đầu năm vẫn tiếp tục đà phục hồi với những tín hiệu tốt trên mọi mặt. Mức tăng trưởng tuy chưa trở lại như mức trước suy giảm nhưng đang có chiều hướng đi lên rất khả quan.

  Năm 2010, giá điện tăng một lần duy trì đến hết năm.

Tại phiên họp này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia báo cáo chuyên đề về lạm phát. Các thành viên Chính phủ cũng tập trung phân tích, đề ra biện pháp xử lý việc giá cả tiêu dùng có dấu hiệu tăng. “Nỗi lo lạm phát trở lại đang là tâm lý hoang mang của xã hội với việc giá cả dịp tết tăng cao. Lạm phát lẽ ra không đến mức gây băn khoăn như vậy, nhưng do tâm lý xã hội nên Chính phủ phải họp bàn để có câu trả lời cho người dân về việc có giữ được mục tiêu kiềm chế lạm phát như Quốc hội giao hay không” - ông Lê Đức Thúy nói.

 

Cũng theo ông Thúy, Chính phủ nhận định, lạm phát, nếu xét về con số, không có gì đột biến. So với tháng 1-2010, CPI tháng 2-2010 tăng 1,96%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2010, CPI tăng 3,35%, tương ứng với mức tăng chỉ số giá của các giai đoạn trước đó (CPI 2 tháng đầu năm giai đoạn 2003-2007 lần lượt tăng 3,1%; 4,1%; 3,6%; 3,3% và 3,2%). Như vậy, qua những con số có thể khẳng định, chưa có gì lo lắng về lạm phát cao trở lại. Tuy nhiên, Chính phủ cũng xem đây là vấn đề phải quan tâm.

 

Sẽ xem lại cơ chế - giá xăng dầu

 

Chính phủ cũng nhận định, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Hạn hán và dịch bệnh trong nông nghiệp, sự phục hồi kinh tế thế giới sẽ kéo theo tăng giá ảnh hưởng đến mặt bằng giá nước ta. Ở trong nước, việc điều chỉnh tỷ giá chính thức VND/USD, tăng giá bán lẻ xăng dầu, giá điện... sẽ  ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

 

Nhận định về CPI tháng 3, ông Lê Đức Thúy cho hay, nếu theo quy luật các năm sẽ là giảm. Tuy nhiên năm nay Chính phủ nhận định CPI tháng 3 sẽ tăng cao hơn bình thường các năm. Theo tính toán có thể tăng 0,5-1%, dẫn đến CPI của quý 1 có thể tăng tới 4%. Từ tình hình này, Chính phủ rút kinh nghiệm về công tác về quản lý giá cả, quản lý thị trường vì đã để cơ hội cho một số hộ kinh doanh, hộ sản xuất đẩy giá lên cao bất hợp lý so với thị trường. Công tác kiểm soát, quản lý giá vừa qua tuy tích cực nhưng chưa tính toán hết, đẩy giá lên quá mức so với thị trường cho phép. Giá xăng dầu tăng liên tục 5 lần, độ dày cao trong khi giá xăng thế giới tăng thấp hơn.

 

Tới đây, Chính phủ sẽ làm tốt hơn công tác quản lý giá. Trong đó, xem xét lại cơ chế tăng giá xăng dầu, không để tăng liên tục như thời gian qua và tiến tới điều chỉnh giá xăng dầu nhưng không làm ảnh hưởng đến các loại giá khác.

 

Từ thực tế này, Chính phủ đã thống nhất cần phải thực hiện nhiều biện pháp để vừa kiềm chế lạm phát, vừa bảo đảm thúc đẩy sản xuất phát triển. Trước hết là giải quyết tốt vấn đề nhận thức tư tưởng, không để hoang mang trong xã hội. “CPI vẫn nằm trong tầm kiểm soát, vấn đề là điều hành. Nếu hoang mang sẽ tạo cơ hội lợi dụng tăng giá” – ông Lê Đức Thúy nói.

 

Hàng loạt giải pháp điều hành giá cũng đã được đưa ra. Theo đó, về chính sách giá, thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tránh các hiện tượng “neo giá”, để giá  cả hàng hóa ở mức cao bất hợp lý, bất chấp sự giảm giá trên thị trường thế giới. Điều hành giá phù hợp với tín hiệu của thị trường thế giới, có lên có xuống nhưng không thụ động. Đối với giá điện, giữ nguyên giá từ nay đến hết năm 2010. Không nên thắt quá chặt chính sách tiền tệ.

 

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết Thủ tướng khẳng định chúng ta đủ khả năng kiểm soát lạm phát. Thủ tướng chỉ đạo: Việc quan trọng đầu tiên là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, khống chế không để lạm phát cao, đồng thời, tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất. Giải ngân nhanh vốn FDI; kiểm soát đầu tư, không để đầu tư tràn lan, kém hiệu quả. Chính phủ cũng quyết định sẽ mua dự trữ trên 1 triệu tấn gạo; mua dự trữ cà phê, kiểm soát bằng được giá các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ về cơ chế lãi suất, kinh doanh vàng.

 

Theo SGGP

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên