Chính phủ sẽ xây dựng chiến lược nợ mới

Cập nhật: 28-05-2010 | 00:00:00

Ngày 27-5, bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã trao đổi với báo chí về vấn đề nợ quốc gia. Phó thủ tướng nói:

 

- Chủ trương của ta thì từ lâu đã đưa ra hệ số an toàn. An toàn này phù hợp với điều kiện “sức khỏe” của từng nước. Có nước có thể trên 100% GDP, xấp xỉ 100%, dưới 100%. Còn nước ta khoảng 50% GDP. Tính toán nợ quốc gia thì nợ ODA là chính.

 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng  

Vay ODA có hai yếu tố: Thứ nhất, thời gian vay 30-40 năm, thời gian trả nợ rất lâu, khi chúng ta phát triển rồi thì có khả năng trả nợ. Thứ hai, phải đưa vào những doanh nghiệp đầu tư có khả năng trả được nợ. Tuy là doanh nghiệp nhưng quốc gia bảo đảm, vì vậy nó có trách nhiệm của quốc gia.

 

 Giai đoạn tới nợ quốc gia sẽ được tính toán ra sao, thưa Phó Thủ tướng,?

 

- Chúng ta đã chuyển từ một nước kém phát triển sang một nước bắt đầu phát triển ở mức trung bình thấp. Như vậy chúng ta có thể bắt đầu vay một số khoản nợ dành cho hạ tầng, cho giáo dục - đào tạo, làm trường, đầu tư vào các vùng nghèo. Năm nay Chính phủ sẽ tính toán để xây dựng một chiến lược nợ mới, xem rằng trong giai đoạn phát triển trung bình thì mức an toàn bao nhiêu là hợp lý. Đây đang là câu hỏi mà câu trả lời còn phụ thuộc vào việc đất nước ta trong 10-20 năm tới phát triển với tốc độ nào, có bền vững không?

 

 Hiện cùng lúc nước ta có nhiều dự án lớn như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô... đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khổng lồ, liệu có làm ảnh hưởng đến nợ quốc gia về lâu dài?

 

- Nó nằm trong tổng số. Chúng ta vay nợ, với ODA thì có khoản tài trợ không hoàn lại, có khoản lãi thấp. ODA chủ yếu là của các tổ chức tài chính quốc tế, một số nước phát triển dành cho mình. Ví dụ như WB, IMF chẳng hạn, đó là quỹ của thế giới, chúng ta là cổ đông có cổ phần trong đó, chúng ta thuộc đối tượng những nước được ưu tiên nên phải tranh thủ nguồn đó. Với các khoản vay khác, chúng ta phải chuyển dần sang khoản đầu tư.

 

Lâu nay chúng ta nói cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đối với công ty này, ngân hàng kia thì nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mua cổ phần, tức là họ mang vốn vào chứ không phải mình nợ. Họ làm lời ăn lỗ chịu. Còn nếu chúng ta đi vay để đầu tư 100% thì không có lợi, cho nên cơ cấu của đầu tư trong tương lai phải thay đổi.

 

Như vậy cơ cấu nợ quốc gia sẽ thay đổi theo hướng nào?

 

- Cái đó đang tính. Trong giai đoạn nền kinh tế thấp thì mình tính nợ ở mức dưới 50% GDP. Nhưng nếu thời gian tới chúng ta phát triển, khả năng trả nợ lớn hơn thì mình có thể vay cao hơn. Còn cao hơn bao nhiêu thì phải tính. Nợ quốc gia bao gồm cả nợ Chính phủ vay nước ngoài và doanh nghiệp vay nước ngoài, cần cơ cấu xem Chính phủ bao nhiêu, doanh nghiệp bao nhiêu, thời hạn vay dài hay ngắn.

 

Tất cả cái đó đều là kỹ thuật chi tiết, nếu chúng ta không lên một bài toán chiến lược tổng thể, không có tầm nhìn dài thì đến một lúc nào đó, đến ngày trả nợ mà mình không trả nợ được thì nguy ngập.

 

Khi nước ta không còn ở trình độ phát triển thấp, điều kiện vay ODA khắt khe hơn, lãi suất cao hơn, thời hạn trả nợ ngắn hơn?

 

- Đây chính là vấn đề mà chúng ta phải tính trong việc cơ cấu giữa các khoản nợ. Thường những khoản có lãi phải để cho doanh nghiệp. Anh nào trả được tùy sức trả mà tính toán. Chúng ta phải lựa sức mà bước.

(THEO TUỔI TRẺ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên